Các chuyên gia sức khỏe khuyên rằng, nếu bạn muốn tinh thần luôn vui vẻ và trí óc minh mẫn, hãy bắt đầu bằng cách giữ gìn một trái tim khỏe mạnh. Và ngược lại, để hạn chế mọi nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thì đừng để mình căng thẳng quá mức. Điều này đủ cho thấy, giữa trái tim và bộ não có sự kết nối cực kỳ mạnh mẽ.
Với vai trò là hai cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể, trái tim và não bộ của bạn luôn "liên lạc" với nhau theo nhiều cách. Nó giống như một con đường 2 chiều, mang tính phức tạp hơn rất nhiều so với những gì chúng ta nghĩ.
Trái tim có nhiệm vụ bơm máu nhằm vận chuyển oxy và dưỡng chất đi khắp cơ thể để nuôi dưỡng các cơ quan, điều này đồng nghĩa là não bộ cũng có sự phụ thuộc rất lớn vào trái tim, nhằm nhận đủ lượng máu cần thiết để hoàn thành tốt các chức năng của nó.
Nhìn bộ não có kích thước tương đối nhỏ, nhưng lại là cơ quan kiểm soát hầu như mọi chức năng của cơ thể, do đó, nó đòi hỏi hơn 20% tổng lượng oxy trong máu và lưu lượng máu của cơ thể (Ảnh: Internet)
Nếu trái tim xảy ra bất thường hoặc bị tổn thương bởi bệnh tật (chẳng hạn như xơ vữa động mạch, tắc mạch vành, viêm cơ tim, suy tim,... ) thì khả năng bơm máu cũng sẽ bị cản trở. Lúc này, lượng máu trong cơ thể không được bơm đủ sẽ gây nên tình trạng tuần hoàn máu não sụt giảm và dẫn đến thiếu máu não, làm hoại tử các mô não cũng như tế bào thần kinh trung ương. Chưa kể, nếu xảy ra tình trạng rối loạn nhịp tim thì cũng sẽ gây hình thành cục máu đông tại các buồng tim. Những cục máu đông này sau đó có thể đi lên các động mạch và làm tắc nghẽn mạch máu ở hạ lưu, chặn dòng máu đến phần não.
Việc não bị mất lưu lượng máu (dù chỉ trong thời gian ngắn) sẽ gây ra những tổn thương vĩnh viễn như suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ hoặc nguy hiểm hơn là dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu não,....
Từ những điều trên có thể thấy, trái tim có tác động to lớn lên sức khỏe của não bộ, và cả sức khỏe tổng thể của mỗi người. Nhưng bạn có biết, trái tim cũng có thể thay não bộ, hoặc ảnh hưởng đến não bộ trong việc đưa ra quyết định? Theo chia sẻ từ các chuyên gia sức khỏe, trái tim cũng có hệ thống thần kinh thực vật riêng, hoạt động như một bộ não riêng biệt, cho phép trái tim hoạt động độc lập với não trong việc ghi nhớ và đưa ra quyết định. Điều đó có nghĩa là trong điều kiện bình thường, trái tim hoạt động mà không cần não bộ phải ra lệnh.
Trong nhiều trường hợp khác khi bạn bắt buộc phải đưa ra lựa chọn, trái tim sẽ dựa trên nhịp tim đập để gửi thông tin đến bộ não cho việc ra quyết định - nhiều hơn là khi não bộ gửi thông tin đến trái tim - đó là lý do vì sao bạn luôn có xu hướng khoan nhượng và mềm lòng khi quyết định điều gì đó. Ví dụ điển hình nhất là trong chuyện tình cảm.
Nếu chú ý kỹ, bạn sẽ nhận thấy được là mỗi khi căng thẳng hoặc sợ hãi, tim bạn sẽ đập nhanh và mạnh hơn. Đó chính là một ví dụ điển hình cho thấy não bộ đang tác động đến trái tim của ta.
Thực ra, bộ não luôn có một con đường trực tiếp đến tim của bạn, thông qua hệ thống thần kinh tự trị. Hệ thống thần kinh tự trị có hai phần, gồm: hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm, hoạt động cân bằng với nhau. Cả hai hệ thống đều đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp và nhịp tim. Trong đó, hệ thống thần kinh giao cảm là sẽ tạo ra các “phản ứng chiến đấu hoặc chạy trốn” mỗi khi bạn rơi vào trạng thái nguy hiểm hoặc căng thẳng.
Cụ thể, khi bạn cảm thấy căng thẳng, thì hệ thống thần kinh giao cảm sẽ cho tiết ra adrenaline - một loại hormone làm tăng nhịp tim và huyết áp của bạn trong lúc đó.
Nhưng nhằm ngăn chặn sự tiết ra quá mức adrenaline sẽ gây hại đến cơ thể và gây tác động tiêu cực đến trái tim, thì hệ thống thần kinh phó giao cảm sẽ xuất hiện để đưa chúng ta trở lại trạng thái cân bằng, bình tĩnh, giúp nhịp tim và huyết áp trở về mức bình thường (Ảnh: Internet)
Sự căng thẳng quá mức tại não bộ cũng được xem là một trong những yếu tố nguy cơ thúc đẩy bệnh tim mạch khởi phát. Điều này được nhận định dựa trên nhiều nghiên cứu khác nhau, cho thấy chức năng và các hoạt động của trái tim có thể bị thay đổi do căng thẳng, cũng như các tác nhân gây căng thẳng kéo dài có thể làm tim bạn căng thẳng theo.
Một ví dụ về điều này là bệnh cơ tim Takotsubo, hay còn gọi là hội chứng "trái tim tan vỡ" hoặc bệnh cơ tim do căng thẳng. Điều này xảy ra khi tâm thất trái suy yếu và ảnh hưởng đến chức năng thích hợp của nó. Hội chứng này bắt chước các triệu chứng của một cơn đau tim và thường xảy ra sau khi đau đớn về tinh thần hoặc thể chất.
Thông qua bài viết này, chắc chắn bạn có thể thấy được sự kết nối chặt chẽ và tính phụ thuộc, tác động lẫn nhau giữa tim và não. Vì thế, như đã nói thì tim khỏe mạnh sẽ tốt cho não, và ngược lại. Nên để bảo vệ cho sức khỏe của hai cơ quan này, điều mọi người cần nhớ là hãy tuân theo lối sống lành mạnh, và hạn chế mọi tình trạng căng thẳng nhé.
Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin