Nước là nguồn sống cho cơ thể, nhưng nếu uống quá nhiều và quá nhanh thì kết quả sẽ hoàn toàn ngược lại.
Con người có thể chết vì uống nước. Đó là cảnh báo mới nhất, sau vụ cô Jennifer Strange 28 tuổi ở California, thiệt mạng, chỉ vì dại dột tham gia một cuộc thi uống nước. Cứ mỗi 15 phút, thí sinh như Jenifer lại uống hết một chai nước 225ml, và trên đường về, cô kêu đau đầu rồi sau đó chết tại nhà. Khám nghiệm cho thấy Jenifer chết vì... nhiễm độc nước.
Nguy cơ rình rập
Bản thân nước không hề chứa chất độc nhưng nếu trong một thời gian ngắn mà đưa vào cơ thể một lượng lớn nước có thể dẫn tới sự mất cân bằng hợp chất natri. Sự pha loãng natri và kali trong huyết tương của máu thông qua việc tiêu thụ quá nhiều nước trong một khoảng thời gian ngắn gọi là sự giãn natri-huyết góp phần làm thay đổi sự thẩm thấu của chất lỏng bên ngoài và bên trong tế bào. Những hoạt động này gây ra áp lực làm các tế bào sưng lên trong hệ thống thần kinh trung uơng, bao gồm cả não bộ. Khi màng tế bào không còn chịu được những áp lực thì các tế bào bắt đầu chết đi. Đây chính là hiện tượng ngộ độc nước dẫn tới gián đoạn sự hoạt động bình thường của não do thiếu sự cân bằng điện phân trong cơ thể.
Một khi đã bị ngộ độc nước thì biểu hiện của nó còn mạnh mẽ và nguy hiểm hơn hiện tượng thiếu nước rất nhiều. Triệu chứng của ngộ độc bao gồm nôn mửa, nhức đầu, hạ thân nhiệt, uể oải, khi natri trong máu thuộc vào mức độ nguy hiểm, sự sưng lên của não dẫn đến lên cơn hôn mê và có thể xảy ra tử vong.
Những ai dễ bị ngộ độc nước
Trước tiên đó là những trẻ dưới 6 tháng tuổi. Các bậc cha mẹ không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống quá nhiều nước lọc. Đây là lời khuyên của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Chăm sóc trẻ em Johns Hopkins (Mỹ). Do thận của trẻ chưa phát triển hết, nên việc cho chúng uống quá nhiều nước sẽ làm cơ thể thải ra natri cùng với nước thừa. Việc mất đi natri sẽ ảnh hưởng tới hoạt động não, gây ra những triệu chứng ngộ độc nước ban đầu như bứt rứt khó chịu, uể oải thẫn thờ và các thay đổi thần kinh khác. Những triệu chứng nặng hơn bao gồm thân nhiệt bị hạ thấp (dưới 36 độ C), sưng phù mặt và co giật. Những dấu hiệu ban đầu thường khó nhận biết và chỉ đến khi trẻ co giật thì các ông bố bà mẹ mới nhận ra.
Đối tượng thứ hai là những người hay chơi thể thao. Mặc dù họ đã mất nhiều nước thông qua sự toát mồ hôi do quá trình tập thể dục và đã uống rất nhiều nhưng các chất điện phân không thay thế kịp vẫn có thể dẫn đến ngộ độc nước.
Ngoài ra, ngộ độc nước cũng có thể tấn công những người sử dụng ma túy (vì họ hay háo nước, nhất là khi “phê”) và nhữg người bị bệnh tâm thần (một số luôn cảm thấy cần phải uống nhiều nước mà không cần biết lý do).
Bí quyết phòng tránh ngộ độc nước
Lượng nước gây ngộ độc ở mỗi người sẽ không giống nhau vì nó còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, trạng thái hoạt động tại thời điểm và mức độ nước người đó tiêu thụ. Thế nên không có một công thức chung để tránh nguy cơ này.
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, các bà mẹ nên tránh cho con dùng sữa bột quá loãng hay dung dịch chứa chất điện phân. Dù trẻ vẫn giải quyết nhu cầu khát bằng sữa, tuy nhiên, trong một số trường hợp, vẫn có thể cho trẻ sơ sinh uống một chút nước để chữa táo bón hay trong thời tiết quá nóng, nhưng mỗi lần cũng chỉ nên cho con uống khoảng 1-2 thìa cà phê. Nếu nghi con đã bị ngộ độc nước, hay trẻ bị co giật, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức.
Đối với trẻ lớn hơn hoặc người trưởng thành, khi rất khát, không nên uống một hơi hết ly nước mà nên từ từ uống từng ngụm một để cho nước có thì giờ thấm qua thành ruột vào mạch máu, tưới mát các mô bào và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể bị thiếu nước. Không nên để cơ thể rơi vào tình trạng quá khát rồi mới uống ào ạt để bổ sung lượng nước cho đã cơn khát. Kẻo hậu quả có thể sẽ giống như cô Jenifer ở đầu bài viết này.
Bích Liên
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học