Có thể bạn không tin nhưng trên thực tế, giấc ngủ tác động rất lớn đến đôi mắt của chúng ta. Nhiều báo cáo cho thấy, ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều góp phần gây nên các bệnh về mắt, thậm chí là nguy cơ bị mất thị lực vĩnh viễn.
Tạp chí y khoa BMJ Open (Anh) vừa công bố một kết quả nghiên cứu, những người thường xuyên mất ngủ hay ngủ quá nhiều đều có nguy cơ cao bị tăng nhãn áp - được xem là yếu tố hàng đầu gây mất thị lực vĩnh viễn.
Tăng nhãn áp là một bệnh phổ biến về mắt, xảy ra khi dây thần kinh thị giác kết nối mắt với não bị tổn thương. Nó có thể dẫn đến mù hoàn toàn nếu không được điều trị kịp thời (Ảnh: Internet)
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra xem vì sao giấc ngủ lại có liên quan trong việc hình thành bệnh tăng nhãn áp, và nhận ra nguyên do đến từ áp lực bên trong của mắt. Cụ thể, áp lực bên trong mắt xảy ra khi ta nằm xuống, do quá trình vận chuyển oxy đến các cơ quan và dây thần kinh trong cơ thể bị chậm lại. Nằm xuống càng lâu thì mức độ vận chuyển oxy càng chậm, điều này có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh, trong đó có thần kinh thị giác và gây ra bệnh tăng nhãn áp. Đó là lý do vì sao, những người có giấc ngủ quá dài, trên 10 tiếng lại có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp đến 8%.
Người thường xuyên mất ngủ, thiếu ngủ, ngủ ngày do những nguyên nhân như trầm cảm, căng thẳng, tiền sử chấn thương não bộ, chỉ buồn ngủ vào ban ngày,… có nguy cơ tăng nhãn áp cao hơn so với người ngủ nhiều - dù cùng lý do là áp lực bên trong mắt tăng cao, lần lượt là 14% do chứng mất ngủ và 20% do chứng ngủ ngày.
Điều này cho thấy, rối loạn giấc ngủ (tên gọi chung cho những vấn đề liên quan đến giấc ngủ như: mất ngủ, thiếu ngủ, ngủ ngày, ngủ nhiều) vô cùng nguy hiểm nếu không được điều trị và kiểm soát kịp thời. Không chỉ làm tăng nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp dẫn đến mù lòa, rối loạn giấc ngủ còn dẫn đến rất nhiều biến chứng sức khỏe không thể xem thường khác, có thể kể đến như 5 biến chứng sức khỏe sau đây.
Thường xuyên mất ngủ có thể khiến não bị tích tụ độc tố trong thời gian dài và gây ra bệnh Alzheimer - theo nhà nghiên cứu Matthew Walker đến từ Đại học California (Mỹ). Theo đó, não bộ khi hoạt động không chỉ sản sinh ra các tế bào não nhằm bảo đảm đầu óc được vận hành trơn tru và minh mẫn; mà cũng đồng thời tiết ra một loại độc tố có tên gọi là beta-amyloid. Loại độc tố này tích tụ càng nhiều thì nguy cơ khởi phát chứng bệnh mất trí Alzheimer sẽ càng cao. Vậy làm sao để loại bỏ những độc tố này ra khỏi bộ não? Điều này phải hoàn toàn nhờ vào giấc ngủ.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, giấc ngủ cho phép dịch não tủy hòa trộn với các dịch khác để cuốn trôi beta-amyloid khỏi bộ não, ngăn tích tụ nhằm hạn chế việc phá hủy các tế bào não. Do đó, nếu bạn thường xuyên mất ngủ thì các độc tố trong não không được rửa sạch, lâu dần dẫn đến chứng suy giảm trí nhớ, thậm chí mắc bệnh mất trí Alzheimer.
Nếu bạn từng nghe về hiện tượng “não tự ăn mòn chính nó” thì chính xác đó là dấu hiệu của việc các khớp thần kinh bị ăn mòn.
Vào năm 2017, một nghiên cứu của trường Đại học Marche Polytechnic (Ý) đã phát hiện ra rằng, việc bạn thiếu ngủ kéo dài sẽ khiến cho các khớp thần kinh bị ăn mòn bởi các tế bào não. Hiện tượng này được lý giải rằng, trong bộ phận đầu não có chứa astrocytes - một tế bào có tác dụng dùng để “dọn dẹp” các mảnh vụn của những tế bào bị thoái hóa và hủy hoại. Tuy nhiên, khi bạn mất ngủ thì tế bào này sẽ hoạt động tích cực quá mức và phá vỡ nhiều liên kết trong não, dẫn đến hiện tượng các tế bào não bị ăn mòn dẫn và xơ hóa.
Hình ảnh chứng minh việc não tự ăn mòn chính nó - hậu quả của việc thiếu ngủ kéo dài (Ảnh: Internet)
Mắt của chúng ta đã phải làm việc suốt cả ngày và chỉ có buổi đêm, khi đi ngủ thì chúng mới hoàn toàn được nghỉ ngơi. Mất ngủ, thiếu ngủ có thể làm cản trở đến quá trình phục hồi của mắt, buộc mắt phải làm việc cật lực hơn - từ đó gây suy giảm thị lực và dẫn đến bệnh tăng nhãn áp như đã nói trên.
Không những thế, mất ngủ - thiếu ngủ cũng gây ảnh hưởng đáng kể cho thính lực của chúng ta. Hệ thống mạch máu phải hoạt động không ngừng, điều này gây ra căng thẳng. Số lượng máu không đủ cung cấp cho hệ thống tai và ống nhĩ gây ù tai, đau tai và suy giảm thính giác.
Ngủ không đủ giấc sẽ làm cho quá trình điều tiết ở các tế bào da diễn ra thất thường, gây rối loạn đến chức năng của lớp tế bào biểu bì, đẩy nhanh quá trình lão hóa, khiến da bị xỉn màu, nhanh chảy xệ, thiếu độ đàn hồi cũng như làm xuất hiện các nếp nhăn trên da. Mất ngủ, thiếu ngủ thường xuyên còn làm giảm độ ẩm và độ pH của da gây mất cân bằng dưỡng chất, khiến làn da không được cung cấp đủ độ ẩm cùng với những dưỡng chất cần thiết, dẫn đến tình trạng da ửng đỏ, thậm chí là gây kích ứng.
Mất ngủ, thiếu ngủ do rối loạn giấc ngủ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng lão hoá da (Ảnh: Internet)
Ngủ quá nhiều do rối loạn giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Do lúc vận động, tim đập rất nhanh, các cơ tim co bóp mạnh hơn, quá trình tuần hoàn máu tăng nhanh. Còn trong lúc nghỉ ngơi, nhịp tim, sự co bóp của cơ tim và tuần hoàn máu giảm xuống. Chính vì vậy nghỉ ngơi quá lâu dễ làm ảnh hưởng đến hoạt động của tim và hệ tuần hoàn. Lâu dần gây ra các bệnh tim mạch như huyết áp cao, xơ vữa động mạch,…
Để tránh việc bị tăng nhãn áp dẫn đến mù lòa, cũng như hạn chế nguy cơ mắc phải những biến chứng sức khoẻ khác - bạn nên xây dựng một lịch ngủ khoa học và hợp lý. Khi phát hiện mình đang thiếu ngủ, mất ngủ hay ngủ nhiều do rối loạn giấc ngủ, đừng chần chờ mà hãy đi khám ngay để kiểm tra và điều trị kịp thời. Để càng lâu sẽ càng nguy hại cho bạn.
Xem thêm: Đừng bao giờ coi thường dấu hiệu nôn trớ ở em bé
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin