Người bị nhiễm vi khuẩn HP cần thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh và phù hợp với tình trạng sức khỏe, nhằm làm giảm các triệu chứng và kiểm soát bệnh. Để giúp người bệnh hiểu rõ hơn về chế độ ăn uống cần tuân theo, dưới đây là một số lưu ý cần ghi nhớ.
Vi khuẩn HP - tên khoa học là Helicobacter Pylori - là một loại vi khuẩn sống trong niêm mạc dạ dày và được biết đến là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày và loét tá tràng. Theo các chuyên gia sức khỏe, để có thể sinh tồn trong môi trường axit dịch vị đầy khắc nghiệt, loại vi khuẩn này đã tiết ra một loại enzyme gọi là urase nhằm trung hòa axit. Enzyme này giúp chúng chuyển urea thành ammonium và CO2 - tạo ra một môi trường kiềm trong dạ dày, làm mỏng niêm mạc dạ dày và hạn chế khả năng chống lại axit dạ dày.
Đặc biệt, con người thường có một số thói quen xấu gây hại cho dạ dày như ăn nhiều đồ cay, lạm dụng bia rượu, thuốc lá, ăn uống không đúng giờ giấc,... khiến nồng độ axit dạ dày tăng cao không kiểm soát. Cộng hưởng từ những điều ấy, vi khuẩn HP đạt điều kiện lý tưởng để tấn công lên niêm mạc dạ dày, bơm độc tố vào các mô tế bào trong dạ dày, dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày, viêm mạn tính niêm mạc dạ dày - tá tràng, viêm teo niêm mạc dạ dày. Nguy hiểm hơn là gây u lympho dạ dày, ung thư niêm mạc dạ dày.
Theo thống kê từ Globocan năm 2018, nước ta có đến 70% dân số đang bị nhiễm vi khuẩn HP, nhưng lại có hơn một nửa người mắc không nhận thức được điều đó, đồng thời cũng không biết đến sự tồn tại của loại vi khuẩn này, và chúng nguy hiểm như thế nào (Ảnh: Internet)
Đường lây nhiễm của vi khuẩn HP chủ yếu thông qua đường miệng. Một số ý kiến cho rằng vi khuẩn HP tồn tại trong nước bọt, nên nó có thể lây nhiễm khi có giọt bắn từ người này sang người khác. Ngoài ra, vi khuẩn HP cũng có thể xâm nhập vào thức ăn hoặc nước uống. Khi chúng ta không may ăn phải thực phẩm hoặc uống phải nguôn nước bị ô nhiễm chất thải có chứa chủng HP thì sẽ bị nhiễm khuẩn.
Vậy làm sao để ngăn ngừa sự “tàn phá” của vi khuẩn HP (nếu không may nhiễm phải)? Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, thiết lập một chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng bệnh chính là cách để hạn chế sự tấn công của vi khuẩn HP. Nếu chưa biết mình cần làm gì, dưới đây là một số lưu ý cần ghi nhớ khi thiết lập chế độ ăn uống.
Có thể ít ai biết được, các loại gia vị như tỏi, gừng, và nghệ đều là “khắc tinh” của vi khuẩn HP. Đầu tiên với tỏi, nó được được biết đến như loại thực phẩm rất giàu allicin - một loại hoạt chất quý giá nhờ khả năng diệt khuẩn, chống viêm cực tốt. Đó là lý do vì sao mà vi khuẩn HP rất sợ loại thực phẩm này. Trong khi đó, kiểm soát tốt vi khuẩn HP chính là cách gián tiếp để ngăn ngừa nguy cơ ung thư dạ dày. Đó là lý do vì sao, nhâm nhi một ít tỏi mỗi ngày sẽ giúp bạn ngừa ung thư hiệu quả. Chưa kể, tỏi còn có thêm nhiều chức năng tuyệt vời khác như: giảm đau, ngăn ngừa xung huyết dạ dày, và tăng cường tiêu hóa.
Còn với gừng, nhờ có chứa một loại hợp chất có hoạt tính sinh học cực kỳ phong phú, mang tên 6-gingerol (có chức năng kháng viêm cực kỳ tốt), từ đó hạn chế được nguy cơ viêm loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính do vi khuẩn HP gây ra. Ngoài ra, các chất có trong gừng như tecpen và oleoresin có tác dụng sát trùng, kháng viêm, giảm đau rất tốt. Có thể dùng gừng trực tiếp bằng nhánh gừng tươi, uống trà gừng, ăn kẹo gừng,…
Cuối cùng là nghệ, với các tác dụng chống viêm, chống oxy hóa mạnh và có thêm chất kháng khuẩn giúp kháng lại một số loại vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn HP. Một số nghiên cứu chỉ ra nghệ có thể ức chế và góp phần tiêu diệt vi khuẩn HP do chúng hoạt động ngăn chặn các con đường shikimate - con đường cần thiết cho sản xuất trao đổi chất trong vi khuẩn.
Đặc biệt, nghệ có tính giảm đau rất tốt, sửa chữa niêm mạc tế bào tổn thương. Thậm chí, uống nước bột nghệ là một trong những phương pháp giảm đau dạ dày được nhiều người tin dùng. Vì vậy, mọi người nên thêm nghệ tươi hoặc bột nghệ vào các món ăn, nước uống hàng ngày (Ảnh: Internet)
Bổ sung rau, củ, quả giàu chất xơ vào chế độ ăn uống mỗi ngày sẽ giúp hỗ trợ tiêu hóa, thúc đẩy các chức năng của dạ dày đối với những bệnh nhân đang đối mặt với việc nhiễm khuẩn HP. Ngoài ra, chất xơ có thể làm giảm lượng axit trong dạ dày, ngăn ngừa vết loét đồng thời hỗ trợ giảm chứng đầy hơi và các cơn đau dạ dày.
Trà xanh có chứa các chất chống oxy hóa và catechin - giúp ngăn ngừa thiệt hại oxy hóa và nhiễm khuẩn do vi khuẩn HP gây nên. Hơn nữa, trà xanh cũng giúp làm giảm viêm và ngăn ngừa các rối loạn tiêu hóa.
Theo nghiên cứu của Đại học Khoa học Y tế Tabriz (Iran), trà xanh và các sản phẩm có chứa trà xanh có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn HP. Trà xanh giàu polyphenol còn giúp giảm viêm, tăng quá trình đốt cháy chất béo trong thời gian ngắn, hạn chế nguy cơ tích mỡ dẫn đến béo phì - nhờ vậy cũng giảm được nhiều nguy cơ bệnh tật. Nó cũng có thể tăng cường trao đổi chất, trị khó tiêu, đầy bụng.
Trà xanh còn rất hiệu quả trong giảm đau dạ dày, phòng ngừa ung thư và giảm cân, làm đẹp da. Tuy nhiên, trà xanh chứa caffein, người mắc bệnh dạ dày nên cân nhắc dùng lượng vừa phải nhằm tránh mệt mỏi, mất tập trung, mất ngủ (Ảnh: Internet)
Một chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu muối và chất béo chuyển hóa (như gà rán, thịt xông khói, đồ chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp,...) không chỉ làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng mà còn khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn khi nhiễm trùng xảy ra. Ví dụ, chế độ ăn nhiều muối sẽ kích hoạt hoạt động của gene khiến vi khuẩn H. pylori hoạt động mạnh hơn trong dạ dày, gây viêm rồi lan rộng các tổn thương dạ dày.
Người bị nhiễm khuẩn HP nên chú ý việc ăn uống và ghi nhớ các lưu ý kể trên để giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, những lời khuyên trong bài viết này chỉ mang tính chất tương đối, hãy nhớ rằng mỗi người có cơ địa và tình trạng sức khỏe khác nhau, nên việc điều chỉnh chế độ ăn uống cần phải dựa trên tư vấn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có kết quả tốt nhất.
Xem thêm: Tư thế đạp xe đúng cho người đi xe đạp đường trường là gì?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin