Nếu bạn đang phải đối mặt với hội chứng ruột kích thích, hãy thực hiện ngay 4 nguyên tắc sau để giúp hạn chế tình trạng bệnh và duy trì sức khỏe đường ruột tốt hơn.
Hội chứng ruột kích thích (IBS - Irritable Bowel Syndrome) là một rối loạn chức năng của hệ tiêu hóa, trong đó đại tràng hoạt động không ổn định, gây ra các triệu chứng khó chịu nhưng không có dấu hiệu tổn thương thực thể rõ ràng. Đây là một tình trạng mạn tính và có thể kéo dài nhiều năm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Triệu chứng của IBS rất đa dạng, nhưng đặc trưng nhất là đau bụng hoặc khó chịu ở vùng bụng dưới, thường đi kèm với sự thay đổi về thói quen đi đại tiện (Ảnh: Internet)
Một số người bị tiêu chảy liên tục (IBS-D), trong khi những người khác bị táo bón (IBS-C) hoặc xen kẽ cả hai tình trạng này (IBS-M). Ngoài ra, bệnh nhân IBS còn có thể bị đầy hơi, chướng bụng, tăng cảm giác căng tức sau khi ăn và có cảm giác đi đại tiện không hết. Điểm đáng lưu ý là các triệu chứng này thường xuất hiện theo chu kỳ, trở nên trầm trọng hơn khi người bệnh căng thẳng hoặc ăn uống không phù hợp.
Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng hội chứng ruột kích thích có thể làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, mắc bệnh nên tuân thủ theo 4 điều sau đây để hạn chế tình trạng bệnh:
Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc kiểm soát hội chứng ruột kích thích. Một số loại thực phẩm có thể kích thích ruột hoạt động quá mức và làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Vì vậy, người bệnh nên áp dụng chế độ ăn khoa học bằng cách:
- Hạn chế thực phẩm gây kích thích ruột: Các thực phẩm chứa nhiều chất béo, đồ chiên rán, gia vị cay nóng, cà phê, rượu bia và đồ uống có gas có thể làm tăng co bóp ruột, gây đau bụng và tiêu chảy. Đặc biệt, lactose trong sữa và gluten trong một số loại ngũ cốc có thể gây khó chịu cho những người có cơ địa nhạy cảm.
- Bổ sung chất xơ hợp lý: Chất xơ có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, nhưng không phải loại nào cũng phù hợp với người mắc IBS.
Nếu bạn bị táo bón, nên ăn nhiều rau xanh, yến mạch, chuối chín để giúp nhu động ruột hoạt động tốt hơn (Ảnh: Internet)
Ngược lại, nếu bạn dễ bị tiêu chảy, nên hạn chế chất xơ không hòa tan từ các loại đậu, ngô, bắp cải, vì chúng có thể làm tăng áp lực lên hệ tiêu hóa.
- Ăn uống điều độ: Nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày, tránh ăn quá no hoặc để bụng quá đói. Ngoài ra, hãy nhai kỹ khi ăn để giảm áp lực lên đường ruột.
Hệ tiêu hóa có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thần kinh, vì vậy căng thẳng và lo âu có thể làm tình trạng IBS trở nên tồi tệ hơn. Khi bạn stress, cơ thể tiết ra nhiều hormone cortisol, làm tăng nhạy cảm của đường ruột, dẫn đến rối loạn co bóp và kích thích các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
Để kiểm soát căng thẳng, người mắc IBS nên thực hành các phương pháp thư giãn như:
- Tập yoga và thiền: Những bài tập nhẹ nhàng giúp thư giãn hệ thần kinh, giảm co thắt ruột và cải thiện tinh thần.
- Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất không chỉ giúp tiêu hóa tốt hơn mà còn tăng cường sản sinh endorphin - hormone giúp cải thiện tâm trạng.
- Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ có thể làm mất cân bằng hệ tiêu hóa, khiến IBS nặng hơn. Hãy cố gắng duy trì lịch trình ngủ khoa học, tránh thức khuya hoặc ngủ không đủ giấc.
Việc duy trì một lịch trình đi vệ sinh ổn định sẽ giúp đường ruột hoạt động tốt hơn và giảm thiểu nguy cơ táo bón hoặc tiêu chảy. Để làm được điều này, bạn cần:
- Đi vệ sinh vào cùng một thời điểm mỗi ngày: Việc này giúp ruột hình thành phản xạ tự nhiên, hạn chế tình trạng rối loạn nhu động.
- Không nhịn đi vệ sinh: Nhịn đại tiện có thể làm tích tụ phân trong ruột, gây táo bón và tăng nguy cơ co thắt ruột.
- Ngồi đúng tư thế: Khi đi vệ sinh, tư thế ngồi gập gối lên cao (có thể kê thêm ghế nhỏ dưới chân) giúp tạo góc thuận lợi cho việc đào thải phân.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để kiểm soát các triệu chứng của IBS. Một số loại thuốc thường được sử dụng gồm:
- Thuốc chống co thắt ruột: Giúp giảm đau bụng và hạn chế nhu động ruột quá mức.
- Thuốc điều hòa nhu động ruột: Như loperamide dành cho IBS-D hoặc thuốc nhuận tràng nhẹ dành cho IBS-C.
- Men vi sinh (probiotics): Hỗ trợ cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, giúp giảm đầy hơi, chướng bụng và cải thiện tiêu hóa.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và tránh tác dụng phụ không mong muốn (Ảnh: Internet)
Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn mãn tính, nhưng nếu áp dụng lối sống khoa học và tuân theo những nguyên tắc trên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh và giảm thiểu các triệu chứng khó chịu. Điều quan trọng nhất là duy trì chế độ ăn uống hợp lý, giữ tinh thần thoải mái, hình thành thói quen đi vệ sinh đúng giờ và sử dụng thuốc một cách khoa học. Dù IBS có thể không chữa khỏi hoàn toàn, nhưng với sự điều chỉnh phù hợp, bạn vẫn có thể sống khỏe mạnh và tận hưởng cuộc sống mà không bị những cơn đau bụng hay rối loạn tiêu hóa làm phiền.
Xem thêm: 4 loại chảy máu bất thường ở phụ nữ, chị em nên biết rõ
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin