Hợp tác quảng cáo

Nguyên nhân và cách điều trị bệnh loãng xương ở người cao tuổi

Loãng xương là căn bệnh khá phổ biến, thường xảy ra ở người cao tuổi. Bệnh nếu để lâu và trở nên nghiêm trọng sẽ rất khó điều trị và dễ dẫn tới gãy xương.

Bệnh loãng xương là gì?

Bệnh loãng xương hay còn được gọi là bệnh giòn xương, xốp xương là hiện tượng xương trở nên mỏng dần, mật độ chất trong xương ngày càng thưa và loãng hơn. Chính vì thế xương trở nên giòn, xốp, rất dễ tổn thương và gãy dù chỉ gặp chấn thương nhẹ.

Nguyen nhan va cach dieu tri benh loang xuong o nguoi cao tuoi

Loãng xương là tình trạng xương trở nên mỏng dần, giòn và dễ gãy

Loãng xương bản chất là hậu quả của sự rối loạn cân bằng tạo và hủy xương. Trong đó quá trình hủy xương chiếm ưu thế, dẫn tới xương trở nên mỏng và yếu dần đi.

Căn bệnh này thường diễn biến rất âm thầm, không có triệu chứng đặc biệt nên rất khó phát hiện. Hầu hết bệnh nhân đều phát hiện loãng xương khi bệnh đã nặng, có biểu hiện triệu chứng hoặc khi bị gãy xương.

Bệnh khi đã trở nặng thì việc điều trị rất khó. Phần lớn chỉ điều trị biến chứng và hậu quả do loãng xương gây ra và góp phần làm giảm sự phát triển của bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh loãng xương

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới bệnh loãng xương. Trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu dưới đây:

Tuổi tác:

Khi tuổi càng cao thì mật độ xương ngày càng giảm. Ở người cao tuổi, sự mất cân bằng giữa sự tạo xương và hủy xương càng nghiêm trọng hơn. Chức năng tái tạo xương suy giảm dẫn tới nguy cơ loãng xương ở người già tăng cao.

Ngoài ra, ở người cao tuổi, quá trình hấp thụ canxi ở ruột và tái hấp thu canxi ở ống thận cũng suy giảm, khiến cơ thể thiếu hụt canxi cũng làm tăng tình trạng loãng xương.

Khối lượng xương đỉnh:

Khối lượng xương đỉnh là khối lượng mô xương khi kết thúc giai đoạn trưởng thành. Ở giai đoạn phát triển, quá trình tạo xương luôn lớn hơn quá trình hủy xương, nhờ đó khối lượng xương tăng dần lên để đạt đến mức độ tối đa, được gọi là khối lượng xương đỉnh.

Tốc độ hình thành xương cao nhất ở tuổi dậy thì và đạt khối lượng đỉnh ở tuổi 30. Khối lượng xương đỉnh là một yếu tố quan trọng, quyết định khối lượng xương của toàn bộ cơ thể.

Nếu khối lượng xương đỉnh thấp, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn.

Cân nặng và chiều cao:

Nghiên cứu cho thấy ở những người sự mất xương xảy ra nhanh hơn và tần suất gãy cổ xương đùi, xẹp đốt sống vì loãng xương cũng cao hơn.

Bên cạnh đó, chiều cao cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới mật độ xương. Những người có vóc dáng nhỏ thì khối lượng xương đỉnh thấp hơn nên nguy cơ mắc bệnh loãng xương cũng cao hơn.

Dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của xương. Nếu thường xuyên duy trì chế độ ăn thiếu canxi sẽ ảnh hưởng tới quá trình đạt đỉnh của khối lượng xương khi trưởng thành.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy chế độ ăn quá giàu chất đạm, không tương xứng với lượng canxi được đưa vào cơ thể cũng là nguyên nhân là giảm khối lượng xương.

Ngoài ra, thói quen hút thuốc là và uống nhiều rượu bia cũng làm tăng nguy cơ loãng xương khi về già.

Vận động:

Ở người cao tuổi, sự suy giảm vận động làm đẩy nhanh quá trình hủy xương, dẫn tới nguy cơ loãng xương. Sự vận động của các cơ sẽ kích thích sự tạo xương và giúp làm tăng khối lượng xương.

Mãn kinh:

Ở phụ nữ trung niên, quá trình hủy xương xuất hiện sớm hơn so với nam giới từ 15 – 20 năm. Nguyên nhân là do sự suy giảm chức năng của buồng chứng sau khi mãn kinh.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở những phụ nữ bị cắt bỏ buồng trứng thì khối lượng xương của cơ thể thấp hơn và tốc độ hủy xương cũng tăng nhanh hơn.

Nguyen nhan va cach dieu tri benh loang xuong o nguoi cao tuoi

Phụ nữ sau tuổi mãn kinh có nguy cơ loãng xương cao hơn

Các bệnh lý gây loãng xương:

Một số bệnh lý của cơ thể cũng có thể gây ra tình trạng loãng xương như cường giáp, suy giáp, cường cận giáp, cường tuyến thượng thận, đái tháo đường, cắt dạ dày ruột, rối loạn tiêu hoá kéo dài, suy thận, xơ gan, các bệnh khớp mạn

 tính...

Các yếu tố khác:

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương như việc sử dụng thuốc corticoid, thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông kéo dài.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cho rằng yếu tố di truyền hay tình trạng sinh nở cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe xương.

Các dấu hiệu của bệnh loãng xương

Loãng xương là căn bệnh tiến triển trong thời gian dài và thường không có các triệu chứng biểu hiện bên ngoài nên rất khó phát hiện.

Các triệu chứng chỉ xuất hiện khi bệnh đã nặng hoặc xuất hiện đột ngột sau một chấn thương và tăng dần về mức độ.

Các triệu chứng thường gặp như sau:

Đau xương:

Tình trạng loãng xương thường gây ra các cơn đau xương cho người bệnh. Vị trí đau thường ở các vùng xương phải gánh tải trọng của cơ thể như cột sống thắt lưng, chậu hông...

Cơn đau tăng lên về mức độ khi gặp phải chấn thương và thường đau âm ỉ nếu tự phát. Khi vận động cảm giác đau hơn và giảm bớt khi người bệnh được nghỉ ngơi.

Người mắc bệnh loãng xương không có biểu hiện đau khớp. Vì thế nếu cảm thấy đau ở vùng khớp thì nên nghĩ tới bệnh khác như thoái hóa khớp.

Ở một số bệnh nhân có thể xuất hiện dấu hiệu chèn ép rễ thân kinh gây ra các cơn đau dọc theo xương sườn, mặt trong đùi hay đau dọc mặt ngoài của chân... Bệnh hiếm khi gây liệt.

Giảm chiều cao:

Đây cũng có thể là một triệu chứng cảnh báo của bệnh loãng xương. Khi các đốt sống xẹp xuống, chúng có thể khiến chiều cao cơ thể bị giảm. Thông thường, một đốt sống bị xẹp làm chiều cao giảm 1cm, trường hợp bệnh nặng, có thể xép nhiều đốt sống khiến chiều cao giảm từ 10-20cm.

Biến dạng cột sống:

Cột sống ở người bình thường có dạng cong hình chữ S. Khi các đốt sống bị xẹp sẽ khiến đường cong sinh lý của cột sống bị biến dạng dẫn tới tình trạng gù ở vùng lưng, thắt lương hay thậm chí gây còng lưng.

Gãy xương:

Đây là hậu quả nặng nề do tình trạng loãng xương nghiêm trọng gây ra. Xương có thể gãy ở bất cứ vị trí nào, tuy nhiên thường thấy nhất là ở đầu dưới của xương cẳng tay, các đốt sống hay cổ xương đùi.

Điều trị loãng xương

Chế độ ăn uống, sinh hoạt:

Để điều trị bệnh loãng xương thì chế độ ăn uống, sinh hoạt của người bệnh đóng vai trò rất quan trọng. Bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, đa dạng và phù hợp với cơ thể trong từng giai đoạn.

Cần đặc biệt quan tâm bổ sung các thành phần khoáng chất nhất là canxi và protid trong khẩu phần ăn hàng ngày. Sữa là loại thực phẩm lý tưởng để cung cấp khoáng chất cho cơ thể. Mỗi ngày nên uống từ 500-1000ml sữa để cung cấp đầy đủ dưỡng chất.

Bên cạnh đó cần có chế độ sinh hoạt, vận động đều đặn. Vận động thể lực vừa sức và tăng cường các hoạt động thể dục ngoài trời. Duy trì vận động thường xuyên sẽ giúp ích trực tiếp cho hệ xương khớp và cả hệ tuần hoàn của cơ thể.

Bệnh nhân loãng xương cần đi đứng cẩn thận, tránh bị ngã hay gặp chấn thương bởi xương lúc này rất dễ bị gãy và khi đã gãy thì khó liền lại.

Sử dụng thuốc:

Trong các trường hợp loãng xương nặng, gây đau đớn cho bệnh nhân bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc.

Một số loại thuốc thường được sử dụng như:

- Thuốc giảm đau (chỉ dùng khi cần thiết)

- Calcitonine có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương và giúp giảm đau do loãng xương.

- Thuốc cung cấp canxi theo liều lượng phù hợp với lứa tuổi và thể trạng của bệnh nhân

- Vitamin D hoặc chất chuyển hóa của vitamin D để tăng khả năng hấp thu canxi của cơ thể.

Việc điều trị loãng xương cần tiến hành liên tục và lâu dài. Thời gian điều trị tính bằng năm chứ không phải bằng tháng nên chi phí thường rất cao. Do đó, việc phòng ngừa loãng xương có ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe và kinh tế.

Phòng tránh bệnh loãng xương

Chế độ ăn uống:

- Cung cấp đủ lượng đạm và calori cho cơ thể mỗi ngày.

- Hạn chế chất béo trong khẩu phần ăn, vì cholesterol là tăng tốc độ phá hủy xương.

- Đảm bảo cung cấp đủ canxi, vitamin D cho cơ thể. Thông thường, cơ thể cần từ khoảng 1.000 mg canxi/ngày (người từ 19-50 tuổi) cùng 400-800 đơn vị vitamin D và một lượng nhỏ magie cùng vitamin K để giúp xương khỏe mạnh.

- Nên bổ sung canxi qua các loại thực phẩm tự nhiên như sữa, trứng, hải sản, một số loại rau như rau muống, rau dền, bí ngô, đậu nành... Ngoài ra, có thể uống bổ sung viên canxi nếu cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

- Ngoài ra, nên vận động và phơi nắng vào buổi sáng sớm để tăng hấp thu vitamin D cho cơ thể. Bổ sung vitamin D trong các loại thực phẩm như nấm tươi, sữa, trứng, cà hồi, trai, sò...

- Vitamin K có thể được bổ sung nhờ các loại rau có màu xanh đậm như súp lơ xanh, bắp cải, cải xoắn...

- Ngoài ra nên ăn nhiều các loại trái cây và thực phẩm chứa nguồn estrogen tự nhiên như giá độ, đậu nành, lạc, bắp cải... bởi chúng giúp tăng khoáng chất trong xương.

Tập luyện thể dục:

Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao là biện pháp hiệu quả giúp phòng tránh loãng xương.

Người cao tuổi nên lựa chọn những môn thể thao vừa sức như thái cực quyền, yoga, đi bộ, đạp xe... để rèn luyện thể lực và duy trì sức khỏe.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Gia đình khỏe

Giảm béo