Nhiều người thường lo lắng về tình trạng tăng đường huyết mà không biết rằng, hạ đường huyết còn nguy hiểm hơn vì có thể dẫn đến tử vong. Do đó, mọi người cần nắm rõ 6 dấu hiệu sau đây giúp cảnh báo tình trạng hạ đường huyết đang diễn ra, và có biện pháp xử lý kịp thời.
Đường trong máu của chúng ta có tên gọi là glucose, được xem là nguồn năng lượng chính được đưa đi đến khắp cơ thể để nuôi dưỡng các tổ chức, cơ quan - nhằm bảo đảm cho các hoạt động bình thường của con người. Ngoài ra, nó cũng là nguồn nhiên liệu cực kỳ quan trọng và cần thiết cho hệ thần kinh và tổ chức não bộ.
Theo đó, mức quy định cho lượng đường trong máu sẽ là từ 3,9 - 6,4mmol/ lít. Khi lượng đường trong máu tăng cao hơn so với mức tối đa, hiện tượng đó gọi là tăng đường huyết. Ngược lại, khi lượng đường trong máu giảm thấp hơn so với mức tối thiểu, hiện tượng đó gọi là hạ đường huyết.
Thông thường, chứng hạ đường huyết sẽ phổ biến hơn ở nhóm người mắc bệnh đái tháo đường và đang được điều trị bằng cách tiêm insulin, hay uống các thuốc đặc trị. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc điều trị các bệnh khác, hoặc khi cơ thể bị thừa insulin.
Tuy nhiên, với những người bình thường. Tình trạng hạ đường huyết thường xảy ra là do ăn không đúng và đủ bữa, do kiêng khem và cắt giảm calo (đặc biệt là thực phẩm chứa tinh bột) quá mức, do lao động hoặc vận động nặng, do lạm dụng rượu bia, hoặc với những người đang mắc các bệnh như suy thận hay suy gan.
Hạ đường huyết so với tăng đường huyết còn nguy hiểm hơn, nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong (Ảnh: Internet) |
Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo tình trạng hạ đường huyết đang diễn ra là điều cực kỳ quan trọng, để tránh mọi nguy cơ nghiêm trọng có thể xảy ra. Theo các chuyên gia sức khoẻ, khi bị hoặc sắp bị hạ đường huyết, người bệnh sẽ có 6 triệu chứng điển hình sau đây:
1. Vã nhiều mồ hôi, người lạnh toát.
2. Mệt lã, bủn rủn tay chân, đói run, tưởng như sắp ngất đến nơi.
3. Cảm giác lo lắng, hồi hộp, tim đập nhanh.
4. Hoa mắt, nhìn mờ.
5. Tê vòng quanh miệng, khó khăn khi nói chuyện.
6. Nếu khi xảy ra đủ 5 dấu hiệu trên mà vẫn chưa xử lý, có thể dẫn đến co giật, hôn mê.
Tuy nhiên, sẽ có một số trường hợp không xuất hiện những triệu chứng vẫn gặp tình trạng co giật - hôn mê, nên mọi người vẫn cần chú ý hết sức khi thấy các bệnh nhân tiểu đường có biểu hiện lạ (Ảnh: Internet) |
Khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu bị hạ đường huyết, mọi người cần thực hiện các biện pháp xử lý sau đây:
- Trong trường hợp bệnh nhân còn tỉnh táo: cần nhanh chóng cho họ uống nước đường hoặc ngậm kẹo để bổ sung đường cho cơ thể. Sau đó mới ăn các loại thực phẩm khác như cháo, cơm, bánh, trái cây.
- Trong trường hợp bệnh nhận đang co giật hoặc rơi vào hôn mê: cần nhanh chóng đưa ngay đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không tự ý mở miệng bệnh nhân để đổ nước đường vào miệng. Vì việc này có thể làm dung dịch đường tràn vào đường hô hấp gây nguy hiểm, thậm chí tử vong. Khi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ sẽ cho tiến hành tiêm tĩnh mạch dung dịch ngọt ưu trương 20 - 30% (40 - 60ml). Tiếp sau đó sẽ thay bằng truyền nhỏ giọt dung dịch Glucose có nồng độ 5 - 10% để tránh nguy cơ tái phát hạ đường huyết. Glucose sẽ tiếp tục chuyền cho đến khi người bệnh hồi phục hoàn toàn và có khả năng tự ăn, tự uống đươc.
Có thể thấy, mắc bệnh đái tháo đường dẫn đến tình trạng hạ đường huyết là điều cực kỳ nguy hiểm. Để tránh những tình trạng không mong muốn như trên, việc chủ động bảo vệ sức khoẻ bằng những thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh là rất cần thiết. Một số lời khuyên của các y, bác sĩ sau đây sẽ giúp bạn hạn chế được nguy cơ mắc bệnh một cách hiệu quả.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, không nên kiêng khem quá mức để tránh tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng cho cơ thể.
- Cần ăn thêm các bữa phụ ngay khi lượng đường có dấu hiệu xuống thấp hoặc khi các dấu hiệu của bệnh mới xuất hiện.
- Kiểm tra đường huyết thường xuyên và tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ, không được tự ý uống thuốc khi chưa được kê đơn, hoặc tự ngưng thuốc dù có các dấu hiệu thuyên giảm.
- Luôn mang theo bên người các thực phẩm có đường như kẹo, bánh, socola trong túi trong cặp để phòng khi xãy ra hạ đường máu mà có dùng ngay.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Thực hiện 30 phút vận động mỗi ngày với cường độ vừa phải hoặc 3 ngày/ tuần với cường độ nặng.
- Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường chất xơ, uống đủ nước. Hạn chế các loại thực phẩm nhiều đường, chứa chất béo bão hòa hay thực phẩm chế biến sẵn.
- Tránh sử dụng thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tim mạch.
- Thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu nếu bạn đã được chẩn đoán, và duy trì chăm sóc bàn chân, thận, mạch máu và mắt thích hợp để ngăn ngừa các biến chứng.
Mọi người nên hạn chế ăn thực phẩm có đường và dầu mỡ mà tăng cường chất xơ và các thực phẩm tốt cho sức khoẻ; uống đủ nước; vận động thường xuyên để hạn chế nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường (Ảnh: Internet) |
Hạ đường huyết là một hiện tượng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, người thân xung quanh của người bệnh đái tháo đường - và nhất là người bệnh phải nắm rõ những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ hạ đường huyết sắp xảy ra, và có biện pháp xử lý kịp thời, thông qua những thông tin đã được chia sẻ trong bài viết này.
Xem thêm: 6 dấu hiệu này xuất hiện trên bàn tay cảnh báo lượng đường trong máu tăng cao
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin