Một đôi môi với các dấu hiệu khó coi như: khô, nẻ, lở mép... không chỉ khiến bạn kém tự tin mà còn là dấu hiệu cảnh báo những bất thường về sức khỏe.
1. Mụn rộp môi
Nếu ở môi xuất hiện mụn rộp kèm theo mủ và cảm giác đau, bỏng rát... thì rất có thể bạn đang bị virus herpes tấn công.
Ở giai đoạn đầu, môi bạn có thể chỉ xuất hiện một vài nốt đỏ, nhưng sau đó nó sẽ phát triển thành chùm mụn, tạo cảm giác vô cùng khó chịu.
Bệnh này không chỉ lây qua đường tình dục (oral sex) mà còn dễ dàng lây qua những tiếp xúc thông thường như: hôn môi, dùng chung mỹ phẩm, khăn mặt...
Trong trường hợp này, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn bởi vì thực tế, nó không thể tự biến mất mà cần sự can thiệp của nhiều loại thuốc men.
2. Môi đỏ và ngứa ran
Không nghiêm trọng như mụn rộp nhưng tình trạng môi đỏ, tê, ngứa ran hoặc sưng tấy cũng mang lại cho bạn khá nhiều phiền phức, đặc biệt là trong giao tiếp.
Theo các chuyên gia, tình trạng này có thể là phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thực phẩm hoặc hóa chất, hay nói cách khác là cơ thể bạn xuất hiện một lượng lớn các histamin hormone để chống lại những chất gây hại.
Do đó, để nhanh chóng chấm dứt tình trạng này, bạn cần đến các bệnh viện để thăm khám.
3. Môi sưng
Nguyên nhân khiến môi bạn sung có thể là dị ứng da. Nếu môi bạn có dấu hiệu sưng khi bạn sử dụng thuốc, hay mỹ phẩm như son môi, kem dưỡng, bạn cần xác định rằng đây là phản ứng nghiêm trọng. Lúc này, bạn nên đến gặp bác sĩ để được điều trị đúng cách. Dị ứng nội bộ cơ thể đôi khi có thể gây tử vong.
4. Môi thâm
Môi đột nhiên trở nên tím tái, sẫm màu có thể do bạn hút thuốc trong thời gian dài. Hoặc, nó có thể là một triệu chứng khi tim đang gặp khó khăn để bơm máu giàu ôxy đi khắp cơ thể. Triệu chứng này thường thấy ở những người bị suy tim mãn tính.
5. Nứt khóe môi
Đôi lúc, những vết nứt xuất hiện ở khóe môi. Những nứt này thường gây đau rát, khó chịu, có khi bị chảy máu.
Nhiều người nghĩ đường nứt này xuất hiện do hành động há miệng quá to và làm khóe môi bị rách... Các bác sĩ cho biết, đây là một bệnh tạo ra do sự mất quân bình các sinh tố trong cơ thể; điển hình là sự thừa sinh tố A. Nếu bạn đang uống sinh tố A, hãy bớt liều lượng xuống dưới 5.000 IU mỗi ngày.
Ngoài ra, trong đa số các trường hợp, bệnh nhân chỉ cần uống mỗi ngày từ 50 mg đến 80 mg sinh tố B6 là vết nứt sẽ biến mất trong vòng một vài ngày.
6. Môi khô
Môi khô, nứt nẻ, chảy máu không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn là 1 bất tiện lớn trong cuộc sống hàng ngày của bạn.
Và quan trọng hơn, môi khô, nứt có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn có dấu hiệu thiếu nước nghiêm trọng.
Bạn cần thường xuyên sử dụng các sản phẩm dưỡng môi phù hợp, bổ sung rau xanh, vitamin và cung cấp nhiều nước cho cơ thể.
7. Môi tái
Tình trạng môi tái nhợt, sậm màu chỉ ra rằng cơ thể bạn đang thiếu máu. Bạn cần ăn nhiều rau xanh và hoa quả, bổ sung sắt và các vitamin để tăng số lượng tế bào máu.
P.H
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học