Mùa mưa được xem là thời điểm lý tưởng để các mầm bệnh như virus, vi khuẩn, vi nấm trong không khí sinh sôi và phát triển mạnh. Sau đó, chúng sẽ lây lan nhanh trong cộng đồng và tạo thành nhiều căn bệnh truyền nhiễm, đe dọa đến sức khỏe con người. Vậy đâu là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong mùa mưa mà chúng ta cần đề phòng?
Tay - chân - miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, cao điểm của bệnh là từ tháng 4 - 6 và từ tháng 8 - 9 hằng năm, được gây ra bởi nhóm virus đường ruột. Thể virus thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Trong đó, virus Coxsackie A16 ít gây ra các biến chứng về thần kinh và có thể tự khỏi trong vài ngày. Ngược lại, virus Enterovirus 71 (EV71) lại gây nhiều biến chứng nguy hiểm hơn, chẳng hạn như: viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim,... và được xem là nguyên nhân tử vong cho những ca mắc tay chân miệng trong những ngày gần đây.
Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có những dấu hiệu nhận biết như sau:
- Viêm loét miệng: đây là dấu hiệu thường thấy của trẻ bị tay chân miệng. Loét miệng được phát hiện nhiều nhất tại hầu họng, niêm mạc vùng má, môi, lưỡi, làm cho trẻ khó ăn, bỏ ăn, bỏ bú và tăng tiết nước bọt.
- Phát ban trên da dưới dạng phỏng nước: thường xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay và mông. Nốt ban thường tồn tại trong một khoảng thời gian khá ngắn (khoảng dưới 7 ngày).
- Sốt: đa số trẻ chỉ bị sốt nhẹ trong nhiệt độ từ 37,5 đến 38 độ C. Trường hợp trẻ sốt cao đến 39 - 40 độ C trong vòng 2 ngày trở lên, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để điều trị. Vì đây có thể là biểu hiện của biến chứng nghiêm trọng.
Bệnh này có thể lây lan qua đường tiêu hóa, nhưng nguồn chứa virus nhiều nhất là chất tiết từ vùng hầu họng, nước miếng phát tán ra môi trường xung quanh thông qua vật dụng và bàn tay. Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ, điều cơ bản là phải rửa tay cho trẻ thường xuyên và cách ly trẻ khỏi người bệnh.
Để tránh bệnh tay chân miệng, người lớn và trẻ em đều phải rửa tay. Người lớn rửa tay trước khi chăm sóc trẻ, và sau khi đi đến vùng có bệnh về. Trẻ em rửa tay trước khi vô lớp, sau khi ra khỏi lớp, trước khi vào nhà và trước - sau khi ăn (Ảnh: Internet)
Vào mùa mưa, nhiệt độ ẩm thấp và nhiều khu vực hay tồn đọng nước mưa được xem là điều kiện để muỗi sinh sôi, gây ra sốt rét và sốt xuất huyết - hai loại bệnh truyền nhiễm được đánh giá là nguy hiểm nhất trong mùa mưa.
Bệnh sốt rét là do muỗi Anophen cái gây ra. Muỗi sẽ mang mầm bệnh từ người nhiễm bệnh sang người khỏe mạnh, làm xuất hiện những triệu chứng như: sốt, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ,…Khi điều trị đúng cách, người bị sốt rét thường có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh sốt rét nặng có thể tiến triển cực kỳ nhanh chóng và gây tử vong chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày.
Đối với hầu hết các ca bệnh sốt rét nặng phải có chế độ chăm sóc và điều trị đặc biệt, nhất là với trẻ em khi mắc bệnh. Do bệnh có thể gây mất máu và tổn thương não trực tiếp, có thể dẫn tới nguy cơ suy giảm thần kinh và nhận thức, rối loạn hành vi và động kinh (Ảnh: Internet)
Còn sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới mũi xương ức).
Có thể nhìn thấy, tác nhân gây ra hai loại bệnh nguy hiểm này đều là muỗi. Chính vì vậy, tốt nhất là thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng/ bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn. Ngoài ra, đối với các trẻ, cần lưu ý việc phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ trong mùng kể cả ban ngày.
Một trong những bệnh thường gặp vào mùa mưa, nhất là khi đường phố thường xuyên ngập nước, đó là các bệnh ngoài da như: nước ăn chân, viêm nang lông, mụn mủ trên da, viêm ké,…
Để phòng tránh các căn bệnh này, mọi người cần chú ý chọn lộ trình phù hợp tránh các con đường ngập nước. Khi làm công việc bắt buộc phải tiếp xúc với nước hoặc ra ngoài trời mưa, cần chuẩn bị sẵn áo mưa hoặc các đồ bảo vệ khác.
Nếu chẳng may dính nước mưa, nước ngập,mọi người cần vệ sinh sạch sẽ, lau khô sau khi về nhà. Trong trường hợp da bị tổn thương, ngứa, loét, là chỗ vi khuẩn tấn công tạo thành những mụn mủ trên da, thì cần vệ sinh thật sạch bằng cồn nhẹ, nước sạch và đến ngay thầy thuốc.
Cảm lạnh và cúm mùa được xem là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ gặp phải ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra nhất trong mùa mưa. Bệnh dễ gây thành dịch lớn do nhiễm virus cúm, bệnh lây lan trong không khí và qua tiếp xúc, ví dụ như: hít phải virus bệnh trong không khí, tiếp xúc chung đồ vật với người bị bệnh,….
Biểu hiện đầu thường thấy là nhức đầu, đau mình mẩy, sốt, ho và mệt mỏi. Bệnh gây ảnh hưởng lên đường hô hấp trên và dưới. Thông thường bệnh có thể tự khỏi, nhưng với nhóm người có hệ miễn dịch yếu vẫn có thể gây nhiều biến chứng nặng, nguy hiểm nhất là viêm phổi, viêm não do vi khuẩn và suy đa tạng.
Một trong những cách giúp phòng ngừa hiệu quả các căn bệnh truyền nhiễm trên chính là tiêm vaccine. Nên thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho các thành viên trong gia đình theo đúng lịch nhằm giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Đối với nhóm người trung niên và cao tuổi, việc tiêm phòng đầy đủ là rất quan trọng. Việc tiêm nhắc hoặc tiêm đủ liều, đúng lịch sẽ giúp hệ miễn dịch người cao tuổi tăng cường khả năng bảo vệ cơ thể trước các bệnh truyền nhiễm (Ảnh: Internet)
Trên đây là những loại bệnh truyền nhiễm trong mùa mưa cùng những phương pháp phòng bệnh mà bất kỳ ai cũng cần chú ý, đặc biệt là những gia đình có người già và trẻ nhỏ. Mong rằng bài viết này sẽ giúp mọi người có được những kiến thức bổ ích, giúp bảo vệ sức khoẻ gia đình hiệu quả.
Xem thêm: Nói tạm biệt với tình trạng táo bón nhờ vào 6 loại trái cây giàu chất xơ này
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin