Nguy cơ nhẹ nhàng nhất nhưng không kém phần kinh dị khi nhịn xì hơi là lượng khí có mùi khó chịu ấy sẽ tự tìm những lối thoát khác, bao gồm qua…đường miệng.
Trong bài viết vừa đăng tải trên tờ The Conversation, bà Clare Collins, giáo sư về dinh dưỡng tại Đại học Newcastle (Anh) đã liệt kê hàng loạt vấn đề sức khỏe từ nhẹ đến nặng có thể xảy ra khi bạn có thói quen nhịn trung tiện - gọi theo kiểu dân gian là "xì hơi " hay đánh rắm.
Bà khẳng định rằng, đó là hiện tượng rất bình thường, xảy ra khi khí đường ruột xâm nhập trực tràng do các quá trình tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn. Không thể xì hơi mới là điều đáng ngại, cần tìm bác sĩ.
Khi bạn ăn uống, một số thành phần "khó nhằn" trong thức ăn di chuyển xa hơn trong đường ruột, được vi khuẩn đường ruột xử lý bằng cách lên men, tạo ra khí và các axit béo. Axit béo được tái hấp thu và sử dụng trong quá trình trao đổi chất liên quan đến khả năng miễn dịch.
Khí sản sinh cũng được tái hấp thu qua thành ruột, đi vào hệ tuần hoàn và cuối cùng ra khỏi cơ thể qua phổi hoặc trực tràng.
Tất nhiên, cơ thể là một cỗ máy thông minh và đã phân bổ mỗi thứ hợp lý. Lượng khí đã đi qua trực tràng nên được cho ra ngoài tự nhiên qua phản ứng xì hơi. Nếu bạn cố nén lại, một số quá trình sẽ bị đảo lộn theo cách bất lợi.
Theo giáo sư Clare Collins, bất lợi đầu tiên là những cơn xì hơi cố nén sẽ nhanh chóng tích tụ trong cơ thể và dần dần bạn sẽ không kiểm soát được nó: nó sẽ tìm đường thoát ở mọi nơi có thể, bạn có thể xì hơi dữ dội hơn hoặc kinh dị hơn là lượng khí bốc mùi đáng lẽ đào thải qua đường tiêu hóa sẽ chuyển hướng và thoát qua…đường miệng.
Ngoài ra, bạn còn phải chịu đựng những cơn căng cơ bụng đau đớn mỗi lần cố nhịn.
Về lâu dài, hành động nhịn xì hơi làm tăng nguy cơ phát triển chứng viêm túi thừa đại tràng, một tổ chức gồm các túi nhỏ phát triển trong thành đại tràng. Bệnh nhân thường được điều trị viêm nhiễm bằng kháng sinh, những trường hợp nặng thậm chí phải phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột bị viêm nặng.
Một nghiên cứu mới đây mà giáo sư Clare Collins tham gia đã cho thấy lượng khí trung bình mà mỗi người thải ra trong ngày là như nhau, cho dù bạn ăn uống thế nào. Tuy nhiên, cũng nhờ ăn uống, bạn có thể kiểm soát hành động này ở mức bớt gây phiền toái.
Nếu bạn chịu khó ăn nhiều chất xơ, số lần xì hơi trong ngày sẽ giảm dù lượng hơi giải phóng mỗi lần nhiều hơn.
Tuy nhiên, không gì khó chịu bằng những lúc xì hơi lắt nhắt khiến bạn không biết trốn đi đâu. Ít bị xì hơi hơn có thể giúp bạn chủ động di chuyển đến một chỗ nào đó thuận tiện khi thấy hành động dễ gây xấu hổ sắp xảy ra.
Hoài Nguyễn
Theo chuyền đề Sức Khỏe Gia Đình