Công việc bận rộn khiến cho các chị em ít có thời gian tập luyện thể thao để tăng cường sức khỏe và cải thiện sắc vóc. Thế nhưng bạn có biết những lợi ích của việc nhảy dây đối với sức khỏe và vóc dáng mà không kém hơn so với việc luyện tập những môn thể thao.
Chỉ cần một sợi dây và một không gian vừa đủ, chúng ta đã có thể luyện tập một bộ môn cực kỳ đơn giản nhưng lại mang đến những tác dụng tuyệt vời cho cả sức khỏe và dáng vóc. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem những lợi ích của việc nhảy dây đối với sức khỏe của con người thần kỳ đến đâu, và những lưu ý cần có để luyện tập bộ môn này một cách tốt nhất nhé.
1. Săn chắc cơ bắp
Nhảy dây là hoạt động tuyệt vời giúp chúng ta có được một cơ thể đẹp hơn |
Khi nhảy dây, toàn bộ các nhóm cơ trong cơ thể của chúng ta đều đang hoạt động. Các phần của cơ thể đều có nhiệm vụ riêng để cùng phối hợp với nhau thực hiện hoạt động này. Bắp tay và cổ tay giúp cố định và di chuyển sợi dây, phần chân, đùi, hông và bụng đều được siết chặt để giữ cho cơ thể luôn là một đường thẳng và di chuyển nhịp nhàng theo từng nhịp dây.
Chính vì thế, nhảy dây là hoạt động giúp đốt mỡ cơ thể đồng đều và hiệu quả nhất, khiến các cơ bắp trên cơ thể được săn chắc, và hình thành cho bạn một vóc dáng khỏe mạnh, lí tưởng.
2. Cải thiện sức khỏe tim mạch và tăng thể tích phổi
Nhảy dây giúp tăng cường oxy và lượng máu lưu thông đi khắp cơ thể, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và tăng thể tích phổi qua mỗi lần hít vào, thở ra của bạn. Đây cũng là hoạt động giúp rèn luyện sức bền và tăng khả năng chống chịu cho cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Chính vì thế, bạn sẽ luôn cảm thấy hụt hơi mỗi lần nhảy dây, vì đó là tín hiệu cơ thể đang muốn bạn cố gắng hơn nữa và bức phá giới hạn của bản thân mình.
3. Đốt mỡ và hỗ trợ giảm cân hiệu quả
Nhảy dây là môn thể thao tuyệt vời cho những người đang muốn giảm cân. Theo nghiên các nghiên cứu cho thấy, nhảy dây trong 30 phút có thể đốt cháy khoảng 300 đến 400 calo, tương đương với 90 phút chạy bộ để đạt được hiệu quả tương tự. Thêm vào đó, nhảy dây không đòi hỏi quá nhiều không gian và điều kiện tập luyện, tất cả những gì bạn cần có là 1 sợi dây, và một khoảng không đủ lớn để di chuyển sợi dây ấy.
4. Nâng cao khả năng tập trung
Khi nhảy dây, bạn cần tới sự tham gia của cả 2 bán cầu não để điều phối và liên kết hoạt động của toàn bộ cơ thể, giữ cho cơ thể di chuyển nhịp nhàng theo sự di chuyển của sợi dây và cố định điều đó càng lâu càng tốt.
Việc nhảy trên các đệm thịt của 2 chân cũng đòi hỏi sự tập trung của não bộ để điều khiển các dây thần kinh cơ bắp, tránh gây mất thăng bằng, từ đó cải thiện sự thăng bằng và khả năng phối hợp linh hoạt của các bộ phận cơ thể. Sự tập trung để nhận thức về không gian cũng khiến cho tinh thần chúng ta tỉnh táo hơn, từ đó giúp nâng cao khả năng ghi nhớ và sự tập trung của não bộ.
5. Rèn luyện ý chí và khả năng chịu đựng
Bạn sẽ trở nên kiên cường và mạnh mẽ hơn khi nghiêm túc luyện tập bộ môn này |
Nhảy dây tuy đơn giản, nhưng lại không phải là một hoạt động dễ dàng. Nếu bạn là người ít hoạt động thể lực, việc nhảy dây sẽ khiến bạn cảm thấy rất mệt và hụt hơi trong lúc luyện tập.
Thêm vào đó, các triệu chứng nhức mỏi cơ bắp, đau chân hay ê ẩm toàn bộ cơ thể cũng sẽ khiến bạn dễ dàng bỏ cuộc. Tuy nhiên, nếu bạn kiên trì và quyết tâm tập luyện đến cùng, bạn sẽ nhận ra rằng sức chịu đựng và ý chí của mình đang được cải thiện mỗi ngày qua từng bước nhảy. Ý chí bạn càng mạnh mẽ, thể lực bạn càng được củng cố cũng đồng nghĩa với thời gian duy trì hoạt động này cũng lâu và dài hơn rất nhiều.
6. Cải thiện sự linh hoạt cho cơ thể
Như đã phân tích ở trên, nhảy dây là hoạt động đòi hỏi sự kết hợp của toàn bộ cơ thể, kể cả não bộ. Không phải tự nhiên nhảy dây là hoạt động rèn luyện thể lực bắt buộc của các vận động viên thể thao chuyên nghiệp và những người luyện tập các môn võ. Bởi lẽ nhảy dây sẽ cải thiện và tăng cường sự linh hoạt cho cơ thể, cũng như mức độ thuần thục trong việc phối hợp các bộ phận trên cơ thể với nhau.
7. Tăng cường mật độ xương
Các chuyên gia khuyên rằng, cách tốt nhất để tăng cường mật độ xương cho cơ thể chính là luyện tập nhảy dây. Những nghiên cứu ở Nhật được đăng trên tờ New York Times về lợi ích của nhảy dây đối với tăng cường mật độ xương cũng chỉ ra rằng, những chú chuột được thí nghiệm bằng việc bắt chúng nhảy lên liên tục 40 lần trong một tuần có mật độ xương tăng lên đáng kể sau 24 tuần.
Một Nghiên cứu trên Tạp chí Sinh lý học ứng dụng cũng cho thấy rằng những phụ nữ trẻ duy trì việc nhảy dây 10 cái một tuần trong 6 tháng cũng có mật độ xương tăng lên đáng kể ở đùi và phần dưới cột sống.
Những lưu ý để tập luyện nhảy dây đúng cách
Nhảy dây không chỉ là một hoạt động thể chất mà còn là một bộ môn nghệ thuật |
Để tập luyện nhảy dây hiệu quả và đúng cách, tránh các nguy cơ chấn thương không mong muốn, bạn nên ghi nhớ những lưu ý sau đây:
- Duy trì thời gian tập luyện liên tục và đều đặn. Tốt nhất hãy cố gắng nhảy dây mỗi ngày, hoặc ít nhất là 3 buổi một tuần để có thể đạt được những kết quả mong muốn khi tập luyện bộ môn này. Bởi lẽ nhảy dây là một môn thể thao sức bền, do đó nó đòi hỏi bạn phải cố gắng luyện tập liên tục và tiến bộ theo từng ngày.
- Cũng như khi luyện tập bất kỳ bộ môn thể thao nào, bạn cũng cần phải khởi động trước khi nhảy dây, đặc biệt là những bộ phận cần sự tác động nhiều trong khi luyện tập như cổ tay, cánh tay, cổ chân và đầu gối. Việc khởi động không chỉ có tác dụng làm nóng cơ thể, khiến tim đập nhanh hơn và giúp cơ thể quen dần với các nhịp thở khi tập luyện mà còn có tác dụng rất lớn trong việc làm trơn các khớp trên cơ thể, tránh các nguy cơ bị chấn thương trong lúc tập luyện.
- Nên nhảy dây vào sáng sớm hoặc chiều tối, trước hoặc sau bữa ăn ít nhất 90 phút để tránh làm tổn thương hệ tiêu hóa. Không nên nhảy dây sau 9 giờ tối, vì đây là khoảng thời gian các cơ quan của cơ thể cần được nghỉ ngơi sau cả một ngày dài.
- Sẽ có rất nhiều kiểu nhảy dây khác nhau để bạn tự do kết hợp và biểu diễn, tuy nhiên, nếu mới luyện tập, bạn nên bắt đầu và tập luyện thuần thục kiểu nhảy dây căn bản với 2 chân chạm đất trong khoảng 2 tuần đầu tiên, sau đó chuyển dần và kết hợp với các kiểu khác. Chú ý tăng dần tốc độ cũng như số lượng các lượt nhảy dây để cơ thể luôn luôn bức phá và cải thiện tốt hơn.
Trên đây là những lợi ích của nhảy dây có lẽ bạn chưa biết, cũng như những lưu ý để luyện tập bộ môn đơn giản nhưng tuyệt vời này. Nếu bạn quá bận rộn để dành thời gian ra phòng gym, hay cảm thấy các môn thể thao khác quá khó khăn đối với mình, tại sao bạn không thử sắm cho mình một sợi dây và bắt đầu khám phá những lợi ích bất ngờ mà nhảy dây có thể mang đến? Biết đâu đó là lúc bạn tìm thấy nguồn cảm hứng và động lực cho chính mình để duy trì thói quen tập luyện, cải thiện sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Hạnh Nguyên
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình