Hợp tác quảng cáo

Những thói quen tốt cho nhà bếp

(SKGĐ) Thói quen nào, lợi hại ấy. Hãy tạo cho mình những thói quen tốt, đặc biệt là đối với căn bếp của bạn. Nó không chỉ giúp bạn mà còn giúp cả gia đình bạn khỏe.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dưới đây là một số thói quen tốt bạn nên thực hiện:

Vệ sinh thường xuyên

Nhà bếp bừa bộn, ẩm ướt, bẩn thỉu chính là cách bạn nuôi mối mọt, chuột, kiến. Những vi sinh vật này chính là nguồn gây bệnh cho bạn. Bởi vậy quét dọn, lau khô, đổ rác hàng ngày không gian nhà bếp là một cách tốt để chống chuột, mối mọt, vi khuẩn.

Việc nấu ăn thường vấy bẩn dầu mỡ, thức ăn thừa ra xung quanh mặt bếp, mặt bàn. Bởi vậy mỗi lần nấu ăn xong, bạn nên có thói quen lau sạch những thức ăn vương trên mặt bếp, khi ăn xong thì dọn sạch sẽ mặt bàn, khăn trải bàn.

Việc vệ sinh hàng tuần, hàng tháng với lò vi sóng, tủ lạnh, máy rửa bát, bồn rửa bát, trần nhà, đánh rửa các loại rổ giá… cũng là thói quen cần duy trì để tránh nhiễm khuẩn, tránh bụi bẩn.

Mở cửa sổ mỗi ngày

Phòng bếp là nơi dễ bị ẩm thấp và có mùi khó chịu. Việc mở cửa sổ sẽ giúp không khí trong nhà bếp được lưu thông, luồng không khí mới ngoài thiên nhiên được đưa vào để đẩy không khí tù đọng đi ra. Ánh sáng mặt trời có có tác dụng diệt khuẩn, tránh ô nhiễm. Tất nhiên khi mở cửa thì những mùi khó chịu trong nhà bếp cũng được đẩy ra ngoài.

Rửa tay trước/sau khi nấu ăn

Nghiên cứu của Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ cho thấy trung bình bàn tay con người có đến 150 loại vi khuẩn, trong đó có một số loại gây hại như E.coli... Vi khuẩn ở bàn tay phụ nữ (những người thường xuyên nấu ăn) lại thường nhiều hơn nam giới vì do khả năng đổ mồ hôi, các kem dưỡng tay… Chính vì thế thói quen rửa tay trước khi nấu giúp bạn tránh truyền vi khuẩn sang thực phẩm.

Đồng thời khi chế biến, vi khuẩn từ thực phẩm lại sang tay bạn, nên nếu bạn có thói quen rửa tay sau khi nấu sẽn ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn chéo.

Sắp đồ vật vào đúng vị trí

Bạn có thói quen sắp xếp theo kiểu giá treo nồi thì không treo chảo, dao phải cắm vào ống dao không được để trên mặt bếp, đũa vào ống đũa không vào ống để muôi (thìa)…? Thói quen này giúp nhà bếp của bạn gòn gàng ngăn nắp, tất nhiên tạo thêm hứng thú nấu ăn.

Việc để vật dụng vào đúng vị trí của nó cũng giúp bạn dễ tìm khi cần, đồng thời không sợ rơi vỡ. Việc rơi vỡ bát, dao có thể khiến bạn bị thương.

Kiểm tra tuổi thọ đồ vật

Bát, đũa, xoong, chảo đều có tuổi thọ nhất định, dù chúng chưa vỡ, chưa gãy thì cũng có thể đã đến lúc bạn phải vứt bỏ. Việc thay mới chúng đúng kỳ hạn sẽ tiêu tốn của bạn một khoản tiền nhưng giúp bạn bảo vệ sức khỏe.

Khi thấy đũa có dấu hiệu mốc thì nên bỏ. Bát đĩa dù không sứt mẻ nhưng quá 2 năm thì nên thay bởi lớp men sẽ mòn, dễ khiến chúng bị thấm hóa chất từ nước rửa… Bát đĩa nhựa dùng lâu thường có nhiều vết xây xước nên dễ cho vi khuẩn trú ngụ…

Sử dụng bình cứu hỏa mi ni

Thói quen này đã bắt đầu hình thành ở một số gia đình Việt, nhất là ở những đô thị. Việc đặt bình cứu hỏa mini trong bếp, ở vị trí tiện dụng sẽ giúp bạn ứng cứu nhanh với sự cố cháy cục bộ. Tất nhiên, bạn không chỉ đặt chúng “làm cảnh” mà phải học sử dụng và thường xuyên kiểm tra xem bình đó còn khả năng hoạt động không.

Sử dụng khóa an toàn

Khóa van bình gas sau mỗi lần sử dụng sẽ giảm thiểu đáng kể nguy cơ rò rỉ gas, tránh ngộ độc khí, tránh cháy nổ. Ngoài ra thị trường còn có một số loại khóa an toàn khác để bạn khóa tủ lạnh, khóa tủ bếp, khóa lò vi sóng. Nếu nhà bạn có trẻ con, việc khóa chúng lại sẽ giúp các bé an toàn hơn.

Minh Thùy

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo