Nếu bạn là con dâu, nếu bạn đã từng nói xấu mẹ chồng, đã bao giờ bạn tự hỏi mình được và mất gì sau mỗi lần “xả stress” ấy.
Mỗi khi trong nhà có chuyện, nàng chỉ muốn nhanh nhanh chong chóng đến ngày mai để đi làm, để gặp hội bạn thân đồng cảnh ngộ làm dâu ở công ty mà “buôn” cho hả dạ. Nàng sẽ thuật lại nguyên văn từng lời “bà ấy” nói, việc “bà ấy” làm bằng giọng biểu cảm nhất, ghê gớm nhất. Còn nếu như hành động, lời nói của “bà” chưa đủ ghê gớm thì lo gì, nàng sẽ thêm một ít mắm muối vào. Còn lúc này, phải nhẫn nhịn trước đã.
Ảnh minh họa |
Sướng mồm hại thân
Nàng không thể quên được cảm giác thoải mái và hả hê khi lần đầu tiên trút được cục tức to tướng trong người bằng cách xả hết những bức xúc về người đàn bà ghê gớm (tức mẹ chồng) ấy. Cũng từ đó, nàng trở thành thành viên tích cực của hội buôn dưa nói xấu mẹ chồng. Thú thực là nàng cũng có nói giảm nói tránh và cắt bớt những phần có hơi quá của mình (có như vậy thì các chị mới đứng về phía mình chứ, hơn nữa nàng làm thế cũng có lý do của mình mà!). Còn bà mẹ chồng mới thực là ghê gớm, chỉ nghĩ cho bà mà không nghĩ cho người khác (chắc mẹ chồng làm vậy là không có lý do!?).
Cũng nhờ có người đồng cảnh luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu này mà cái đề tài “kể tội mẹ chồng” vốn cũ rích cũ rơ, nói từ tháng này qua năm khác ấy vậy mà vẫn luôn “nóng”. Chừng ý câu chuyện, ngần ấy bức xúc nhưng người tung có kẻ hứng nên mỗi lần kể lại, vẫn thấy chuyện như vừa mới xẩy ra ngày hôm qua. Điều này ngỡ là may (vì nàng dâu có một nơi để trút bầu tâm sự) nhưng hóa ra lại là tai họa.
Bởi thêm một lần “nói xấu” mẹ chồng là thêm một lần nữa nàng dâu bắt buộc phải hình dung lại câu chuyện buồn đó, nghĩ ngợi lại những lời cay đắng đó. Cảm giác ấm ức hóa ra vẫn không nguôi đi mà còn dồn nén nhiều thêm khi hiềm khích cũ chưa được hóa giải, bức xúc mới đã chình ình ra đấy. Và khi được đồng minh “bồi” thêm một vài lời bình phẩm về những bà mẹ chồng ngàn lần tội lỗi và ghê gớm như nhau thì hình ảnh của bà trong mắt người con dâu càng trở nên xấu xí hơn gấp trăm lần.
Thực tế, nhắc đi nhắc lại nhiều lần những chuyện không hay trong quá khứ chỉ làm tăng thêm cho chúng ta những áp lực không đáng có. Để rồi lại cảm thấy ấm ức, buồn phiền hay thậm chí thù hận đến mức không thể thoát ra được. Và khi những gánh nặng tâm lý đó đè nén thì chính bạn đang gây ra stress cho bản thân mình (điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, cuộc sống và công việc của bạn). Nói xấu người khác không làm mình đẹp hơn, trái lại bạn đang “đeo đá” vào cuộc sống gia đình và đẩy người thân ra xa hơn.
Một mình một chiến tuyến
Có những hôm đi làm về sớm, nàng đứng tần ngần hàng chục phút trước cổng nhà chồng mà không biết nên bước vào hay quay đi, đợi chồng về cùng. Nàng đâu được chào đón tại ngôi nhà này. Và đôi khi trong ý nghĩ, nàng không biết quyết định lấy chồng là đúng đắn hay sai lầm khi chỗ dựa cuối cùng của nàng để “bấu víu” là chồng cũng có lúc lung lay.
Đôi khi, hãy đặt mình vào vị thế của người chồng để biết họ khó xử như thế nào khi không biết đứng vào đâu trong cuộc chiến giữa hai người phụ nữ với họ đều rất quan trọng. Họ yêu vợ nhưng họ cũng rất thương mẹ. Với nhiều người, mẹ là tượng đài không thể đánh đổ, không ai có thể thay thế vị trí của người mẹ trong lòng con trai họ. Và vì thế dù có yêu vợ đến đâu họ cũng không hài lòng khi nghe vợ nói xấu mẹ mình.
Đừng hi vọng nói xấu mẹ chồng sẽ giúp bạn kéo chồng về phía mình. Hãy làm ngược lại, hãy đứng về một phía và nhờ anh ấy làm cầu nối hóa giải mâu thuẫn. Nếu bạn đi ngược lại quy luật ấy (ngay cả khi bạn có lý và đó là sự thật) nghĩa là bạn đang vô tình đẩy chồng - người yêu và hiểu bạn nhất trong gia đình nhà chồng - ra xa mình hơn. Và việc một mình một chiến tuyến (trong khi bên kia là cả đại gia đình nhà chồng) sẽ khiến bạn thua đau trong “cuộc chiến” này (nếu bạn lỡ xem nó là cuộc chiến).
Ly hôn… "mẹ chồng"
Cực chẳng đã người vợ mới chọn quyền giải thoát cuối cùng để chấm dứt bi kịch mẹ chồng - nàng dâu. Với một số người đó là cái được lớn nhất (được giải thoát khỏi mẹ chồng) nhưng cũng là cái mất lớn nhất trong cuộc đời (hạnh phúc gia đình).
Trong mối quan hệ tạm cho là vừa hư vừa thực - vì xem ra rất thân thiết (dâu là con mà) nhưng suy cho đến cùng lại không là ruột thịt - sự cố gắng từ một phía luôn là vô nghĩa. Không thể trách nàng dâu đã không yêu mẹ chồng như mẹ đẻ mình khi mà nàng không nhận được tình cảm ruột rà ấy từ mẹ chồng. Cũng chả có bà mẹ chồng nào lại sẵn lòng yêu con dâu như con đẻ khi mà bỗng dưng con trai của bà mang về một cô (mà bà chưa hề có tình cảm gì, cũng chưa chăm sóc bà được một ngày) tự nhiên gọi mình là mẹ. Mối quan hệ tốt đẹp giữa mẹ chồng - nàng dâu chỉ có thể hình thành khi có sự cố gắng, bao dung và thành ý đến từ cả hai phía. Và trong mối quan hệ tốt đẹp này, “nói xấu” là một từ tối kỵ.
Tâm lý chuẩn bị tinh thần để đối phó với mẹ chồng của các nàng dâu hay các kế sách giúp con trai “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” của các bà mẹ đã vô tình đặt mẹ chồng - nàng dâu ở hai chiến tuyến khác nhau. Mà thói đời vẫn vậy, những đổ vỡ lớn vẫn thường bắt đầu từ nhiều vết nứt nhỏ (không được hàn gắn) tích tụ dần qua năm tháng.
Từ những lời hờn mát, bóng gió xa xôi về bữa cơm cho muối hơi quá tay hay cái nhà quét chưa sạch. Từ việc dạy bảo con cháu đến việc chi tiêu, chợ búa trong nhà. Từ câu chuyện của bà mẹ phàn nàn về cô con dâu trong buổi tập dưỡng sinh hay những lần ghé qua nhà hàng xóm. Từ những bức xúc buôn bán cùng hội bà tám về chủ đề mẹ chồng muôn thuở. Từ những chiếc miệng này đến những đôi tai kia và cuối cùng là quay về với cả nạn nhân và khổ chủ. Những điều vụn vặt hóa to lớn; những lời rầy la, trách móc tưởng dễ bỏ qua lại trở thành lòng thù hận và cuối cùng là đổ vỡ.
Người vợ, người mẹ nếu biết nhìn xa hơn chắc họ đã không để cuộc hôn nhân của mình, của con mình phải kết thúc như vậy. Nhưng chừng nào họ còn đang đứng hai chiến tuyến để nhìn về nhau thì chừng đó họ còn chưa thể thông cảm cho nhau. Và khi chưa có cái nhìn thông cảm về nhau thì việc nói xấu lại quay về với chủ đề muôn thuở.
An Nhiên
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học