Tiền mãn kinh sẽ khiến nồng độ hormone estrogen suy giảm nghiêm trọng, khiến phái nữ không chỉ trở nên kém sắc hơn mà còn làm hệ miễn dịch suy yếu. Theo thời gian sẽ tạo điều cho nhiều loại bệnh tật tấn công, phổ biến nhất là với 5 loại bệnh sau đây. Chị em nào hiện đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh cần chú ý để hạn chế nguy cơ mắc phải.
Tình trạng tiền mãn kinh diễn ra khi người phụ nữ bước vào khoảng từ 45 - 55 tuổi. Theo y văn, thời kỳ tiền mãn kinh là giai đoạn mà buồng trứng của phái nữ ngừng hoạt động, từ đó làm đình trệ quá trình sản sinh nội tiết tố estrogen. Trong khi đó, estrogen lại là loại hormone có chức năng duy trì tuổi thanh xuân, giúp tăng cường sinh lý và sức khỏe của phái nữ. Việc bị thiếu hụt nghiêm trọng hormone estrogen sẽ khiến cho sức khỏe của phái nữ gặp nhiều vấn đề. Đơn cử như với 5 vấn đề thường thấy sau đây.
Đây được xem là vấn đề sức khỏe thường gặp nhất ở nhóm phụ nữ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Nguyên nhân là do sự suy giảm và ngừng hẳn các chức năng ở buồng trứng - nơi được xem là “nhà máy” giúp sản xuất chính nội tiết tố nữ quan trọng. Hiện tượng này gây ảnh hưởng tiêu cực đến độ pH của vùng kín. Cụ thể, độ pH của một âm đạo khỏe mạnh sẽ dao động từ 3,5 - 4,8, đây chính là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn có lợi phát triển. Nhưng từ giai đoạn tiền mãn kinh trở đi, độ pH của phái nữ rất dễ bị mất cân bằng (hoặc hạ quá thấp hoặc tăng quá cao), điều này sẽ khiến các hại khuẩn trong môi trường âm đạo chiếm ưu thế và gây nên các bệnh phụ khoa. Các vấn đề phụ khoa thường gặp ở nhóm phụ nữ tiền mãn kinh thường bao gồm:
- Viêm âm hộ, âm đạo: nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu hụt hormone estrogen và tình trạng suy giảm miễn dịch . Điều này dẫn đến việc âm đạo mất đi độ ẩm, pH kiềm, và làm yếu hệ vi khuẩn có lợi bên trong âm đạo.
Triệu chứng chung của bệnh viêm âm hộ/ âm đạo là khô, đau khi quan hệ, huyết trắng ra nhiều, có thể kèm theo nổi mụn rộp đau rát (herpes), tiểu buốt nếu đi kèm bệnh lý đường tiết niệu (Ảnh: Internet)
- U xơ tử cung: thực ra phần lớn các khối u là lành tính và có xu hướng teo nhỏ khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh. Tuy nhiên, vẫn có một số u xơ ác tính biến chứng thành ung thư gây nguy hiểm cho sức khỏe phụ nữ.
- Ung thư cổ tử cung: căn bệnh này thường do viêm nhiễm virus nhóm HPV kéo dài. Virus này gây ra những biến đổi ở cấp độ tế bào dẫn đến 70% các trường hợp bị ung thư cổ tử cung.
- Ung thư nội mạc tử cung: bệnh xảy ra ở lớp tế bào biểu mô tuyến của niêm mạc tử cung, gây chảy máu âm đạo bất thường ở phụ nữ mãn kinh.
Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh cũng có nguy cơ cao bị loãng xương. Nhất là với các đối tượng có cơ địa thấp còi, không bổ sung đủ canxi và vitamin D khi còn trẻ, gia đình có tiền sử gia đình bị loãng xương, mãn kinh sớm hay bị cắt buồng trứng. Nguyên nhân gây ra tình trạng loãng xương ở nhóm phụ nữ tiền mãn kinh là do sự suy giảm estrogen. Cụ thể, mật độ xương trong cơ thể được duy trì cân bằng nhờ quá trình tạo xương và hủy xương. Khi mãn kinh, nồng độ estrogen giảm dẫn đến tình trạng tăng hủy xương, giảm tạo xương, giảm hấp thu canxi. Khi đó, cơ thể giảm dần khả năng chống lại sự mất xương, làm giảm mật độ xương. Cuối cùng, xương sẽ bị giòn và yếu đi. Loãng xương sẽ làm mất khả năng vận động tự nhiên của cơ thể, từ đó gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Để hạn chế nguy cơ bị loãng xương khi phái nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, các chị em cần bổ sung nhiều hơn các thực phẩm giàu vitamin D và canxi trong bữa ăn hàng ngày để giúp xương luôn chắc khỏe, đồng thời phải vận động thường xuyên để xương khớp luôn dẻo dai (Ảnh: Internet)
Sau khi mãn kinh, lượng estrogen giảm xuống có thể khiến mô âm đạo mỏng hơn và khô hơn. Điều này có thể khiến vi khuẩn sinh sôi nảy nở dễ dàng hơn, dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Đặc biệt, theo thống kê, tỷ lệ mắc bị nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ từ 55 tuổi trở lên cao gấp đôi so với phụ nữ ở các độ tuổi thấp hơn.
Hormone estrogen có tác dụng giữ cho mạch máu được giãn nở vừa phải, duy trì nồng độ cholesterol trong máu luôn cân bằng. Tuy nhiên, khi mãn kinh, lượng estrogen trong cơ thể sụt giảm nghiêm trọng sẽ làm mất đi sự cân bằng ấy. Lúc này, cholesterol tốt HDL cũng giảm theo lượng cholesterol xấu LDL lại tăng mạnh và bắt đầu tích tụ lên thành mạch máu, dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch và làm tăng cao nguy cơ bị bệnh tim.
Chưa kể,, thiếu hụt hormone gây rối loạn nhịp tim, cụ thể là tim đập nhanh và mạnh hơn mức cho phép. Khi đó, cần báo ngay cho bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Nên nhớ rằng các bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ ở tại các nước phát triển.
Phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh cần chú ý đến sức khỏe tim mạch của bản thân, duy trì một lối sống lành mạnh để ngăn ngừa bệnh tim mạch (Ảnh: Internet)
Một trong những nguy cơ của phụ nữ mãn kinh là bệnh tiểu đường, do sự thiếu hụt estrogen dẫn đến tình trạng kháng insulin (dẫn đến tiểu đường loại 2), tăng tình trạng béo phì, tích lũy mỡ trong cơ thể. Ngoài ra tình trạng lười vận động, ăn uống nhiều calo cũng sẽ góp phần làm tăng nguy cơ béo phì.
Nguy cơ mắc bệnh tiền tiểu đường tăng lên theo tuổi tác và thậm chí có thể cao hơn nếu phụ nữ mãn kinh bị thừa cân, béo phì. Đó là lý do tại sao việc cắt giảm lượng calo, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và dành thời gian cho việc tập thể dục để duy trì cân nặng hợp lý là rất quan trọng.
Xem thêm: Cảnh báo 2 nguyên nhân khiến sốt xuất huyết trở nặng và bí quyết phòng ngừa bệnh hiệu quả
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin