Nhiều người cho rằng khi cấp đông thực phẩm, giá trị dinh dưỡng sẽ bị suy giảm, tuy nhiên, thủ phạm gây ra tình trạng này thực chất lại là rã đông sai cách.
Thực phẩm đông lạnh vẫn nhiều dinh dưỡng
Nhịp sống công nghiệp bận rộn khiến việc đi chợ, mua thực phẩm hàng ngày giờ đây không phải là lựa chọn tối ưu của nhiều bà nội trợ. Chính vì vậy, để có thể xoay sở với những bữa cơm, thực phẩm đông lạnh đã và đang là sự lựa chọn của số đông.
Chị Nguyễn Thị Lê (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Cả ngày vật lộn với công việc ở cơ quan, rồi chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa khiến tôi không còn thời gian để thở chứ đừng nói đến việc dành thời gian để lựa chọn thực phẩm tươi ngon. Bình thường, tôi chỉ đi chợ 1 tuần/lần vào sáng thứ bảy, sau đó tống hết mọi thứ vào tủ lạnh để ăn dần. Nhiều người nói thực phẩm cấp đông không ngon, không bổ nhưng cũng đành chịu chứ làm sao mà phân thân để chợ búa được”.
Đồng quan điểm với chị Lê, chị Trần Thị Minh (Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) than thở: “Thấy tôi toàn sử dụng thực phẩm đông lạnh khi nấu ăn, lão chồng nhăn nhó kêu ăn hoài như vậy sợ không có chất, không đảm bảo dinh dưỡng, nhất là với bọn trẻ. Biết là thế nhưng đâu làm khác được. Sáng thì bận nấu ăn cho cả gia đình, tối thì đi làm về muộn, làm chi có thời gian chợ búa? Tôi bảo: ngon thì ổng đi chợ hàng ngày, về tôi nấu. Ổng cũng làm đâu được một tuần thì chào thua vì thời gian eo hẹp. Thế là nhà tôi cứ dùng thực phẩm đông lạnh miết. Cơ mà cũng thấy bọn trẻ vẫn lớn, vẫn khỏe mạnh”.
Nhiều người cho rằng, khi bị bảo quản đông, giá trị dinh dưỡng của thực phẩm gần như không còn, tuy nhiên, theo Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam: “Nếu thực phẩm được chế biến ở những cơ sở đảm bảo mà cho vào làm đông lạnh luôn ở 18 độ C thì có thể nói giá trị dinh dưỡng của nó với thực phẩm tươi không khác nhau là bao nhiêu. Bởi lẽ, khi đông lạnh như thế, nó sẽ tạo thành lớp màng, bảo vệ chất dinh dưỡng ở bên trong”.
Quá trình rã đông càng chậm càng tốt
Thực tế, giá trị dinh dưỡng của thực phẩm chỉ bị giảm sút nghiêm trọng khi chúng ta thực hiện rã đông sai cách. Bàn về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên trường Đại học Bách Khoa khẳng định: “Rã đông không đúng sẽ làm vi khuẩn phát triển rất nhanh. Bởi vì, tế bào thịt đã bị đông lạnh và thành đá, nếu bị tan quá nhanh, tế bào sẽ bị vỡ, chất dịch trong tế bào sẽ tràn ra ngoài và trở thành môi trường tốt cho vi sinh vật phát triển”.
Thực tế, hiện nay, nhiều người vẫn có thói quen rã đông bằng cách đưa thực phẩm từ tủ lạnh ra ngoài, để ở nhiệt độ phòng. Điều này là một sai lầm lớn trong chế biến, bởi lẽ, theo các chuyên gia, nhiệt độ từ 4-60 độ C được gọi là “vùng nguy hiểm”, nó khiến vi khuẩn phát triển nhanh.
Như chúng ta đã biết, khi đông lạnh, vi khuẩn không bị chết mà nó chỉ tạm thời ngưng hoạt động. Đến khi gặp nhiệt thích hợp, nó sẽ “sống lại” và tấn công thực phẩm. Thế nên, cách tốt nhất để rã đông là đưa thực phẩm vào ngăn mát tủ lạnh, vừa đảm bảo được vệ sinh, vừa lưu giữ được chất dinh dưỡng. Với cách làm này, theo ước tính, bạn sẽ mất khoảng một ngày cho khối thực phẩm có trọng lượng từ 1-2kg.
Thông thường, bạn chỉ cần đặt thực phẩm vào khu vực giữa tủ lạnh là ổn, tuy nhiên, với khối lượng lớn, bạn nên chọn ví trí có độ lạnh cao. Bạn nên nhớ, quá trình rã đông diễn ra càng chậm thì càng tốt. Nếu không có thời gian, bạn có thể dùng túi ni-lông bọc kín thực phẩm sao cho nước không thể xâm nhập vào, sau đó ngâm chúng vào nước lạnh. Cứ 30 phút bạn lại thay nước một lần. Cách này hoàn toàn khác với việc bạn để miếng thịt không bọc kín vào nước ở nhiệt độ thường. Với những cách hoàn toàn tự nhiên này, bạn có thể bảo quản thực phẩm trong vòng 3 ngày mà không nhất thiết phải chế biến ngay.
Một cách rã đông khác mà nhiều người vẫn thường áp dụng đó là nấu các thực phẩm đông cứng ở nhiệt độ cao, trong thời gian dài. Tuy nhiên, cách này chỉ có thể giúp thực phẩm chín chứ không thể đảm bảo chất dinh dưỡng trong đó.
Do vậy, nếu không đủ thời gian và kiên nhẫn để thực hiện những cách rã đông tự nhiên trên, hãy sử dụng đến lò vi sóng. Làm theo cách này, bạn cần chú ý đến thời gian. Mỗi loại thực phẩm khác nhau và trọng lượng khác nhau sẽ có thời gian khác nhau.
Trong quá trình rã đông, thỉnh thoảng, bạn hãy tắt lò, thực hiện lật đều các mặt để không có hiện tượng chỗ thì chín, chỗ thì vẫn đóng đá. Một nhược điểm lớn của rã đông bằng lò vi sóng là thực phẩm thường chín trước khi chế biến. Do đó, để không bị mất chất dinh dưỡng cũng như vi khuẩn xâm nhập, thực phẩm sau đấy cần được chế biến luôn.
An Châu
Theo chuyên trang Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học