(SKGĐ) Việc uống quá nhiều rượu bia có thể dẫn tới biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Biến chứng này có tỷ lệ gây tử vong lên đến 6-7%.
Ảnh minh họa |
Hệ lụy từ thói quen xấu uống rượu
Vừa qua, bệnh nhân Nguyễn Văn K (Tp.HCM) đã nhập viện vì lý do nôn ra máu, đi tiêu phân máu và đau bụng. Qua tìm hiểu, các bác sĩ được biết trước khi nhập viện 2 ngày bệnh nhân có uống nhiều bia rượu, sau đó về nhà thì có dấu hiệu nôn ra máu rất nhiều lần và dữ dội ở vùng thượng vị.
Sau khi khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân K bị sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa trên cần hồi sức và cầm máu khẩn cấp. Ngay lập tức bệnh nhân được hồi sức tích cực chống sốc mất máu. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi và xử lý kịp thời nên bệnh đã dần dần khỏe lại.
Chảy máu do xuất huyết tiêu hóa nhiều khi thường bị nhầm lẫn với chảy máu do trĩ, bệnh polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng, các bệnh lý khác như viêm loét đại trực tràng. Vì vậy, khi thấy hiện tượng bất thường, bệnh nhân cần đi khám để xác định rõ bệnh và điều trị kịp thời. |
BS. Vũ Đức Chung- Trưởng khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Quân y 354 Hà Nội cho biết: Đây là một trường hợp điển hình của hội chứng Mallory-Weiss, thường gặp ở nam giới tuổi 40-50. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh là do bệnh nhân uống rượu và hút thuốc lá quá nhiều.
Theo bác sĩ Chung, trong thời gian gần đây bệnh viện có rất nhiều bệnh nhân đến điều trị xuất huyết tiêu hóa. Hầu hết các ca nhập viện đều đã quá nặng, có đến trên 50% bệnh nhân chức năng gan đã giảm. Do bị xuất huyết tiêu hoá nên các bệnh nhân đều phải truyền máu. Ít nhất, mỗi đợt chuyền gần 10 đơn vị máu/bệnh nhân. Điều đáng quan tâm là hầu hết các bệnh nhân này đều có tiền sử viêm gan B và kèm theo nghiện rượu nặng.
BS. Vũ Đức Chung khuyến cáo: Bệnh nhân khi mắc bệnh xuất huyết tiêu hóa thường rất dễ nhận biết bởi các biểu hiện đặc trưng như mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, nôn ra máu rất nhiều, đi đại tiện ra máu, đau và chướng vùng thượng vị. Nhiều bệnh nhân đau dữ dội đến mức quằn quại không đứng vững. Mức độ mất máu có thể từ nhẹ tới vừa, thậm chí nhiều trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ đại tiện phân đen 2-3 lần trong ngày người mệt mỏi vã mồ hôi, chân tay lạnh, niêm mạc nhợt nhạt, vật vã dẫy dụa có khi ngất xỉu, mạch nhỏ, huyết áp tụt, thở nhanh nếu không cấp cứu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Người bệnh nên đi khám sớm để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn, điều trị kịp thời, nếu không sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Có nhiều nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hoá. Ở dạ dày, các nguyên nhân gây viêm loét như: rượu, xoắn khuẩn H.pylori, Aspirin và các thuốc chống viêm giảm đau, stress... hoặc các bệnh lý ác tính như ung thư dạ dày đều có thể gây xuất huyết tiêu hóa. Ở ruột, loét hành tá tràng là nguyên nhân rất thường gặp gây xuất huyết.
Phòng hơn tránh xuất huyết tiêu hóa
Để phòng bệnh xuất huyết tiêu hoá, bác sĩ Vũ Đức Chung khuyên mọi người:
- Không nên uống rượu bia, hút thuốc lá quá nhiều, đặc biệt là các loại rượu mạnh.
- Không dùng các thuốc và thức ăn có hại cho dạ dày, nên ăn tăng cường chất xơ và rau quả để dạ dày hoạt động tốt hơn.
- Nên có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
- Đối với những bệnh nhân đang trong thời gian điều trị xuất huyết tiêu hóa cần dùng các thức ăn mềm, ăn thành nhiều bữa từ 4-5 bữa/ngày.
- Nên ăn nhiều đồ ăn chứa tinh bột và chất khoáng như: cơm, mỳ, khoai và nhiều loại hoa quả chín, rau củ, sữa. Chúng chứa nhiều kali, có tác dụng giúp tiêu hóa tốt, giảm huyết áp ở người bệnh. Trung bình một quả chuối có 400 mg kali, tương đương với 1 ly nước cam hay một củ khoai tây nướng.
- Tránh ăn thức ăn lên men chua, ăn nhiều muối, đồ cay nóng và nước ngọt có ga gây khó khăn cho bệnh nhân trong việc tiêu hóa, làm giảm chức năng gan, thận tăng nguy cơ của bệnh.
- Năng lượng trong khẩu phần nên giảm bớt để tránh tăng cân, giảm nhẹ hoạt động cho bộ máy tiêu hóa và tuần hoàn. Mức năng lượng đưa vào cơ thể nên dừng ở 30-35 Kcalo/kg cân nặng/ngày.
Khi bệnh nhân bị xuất huyết, tùy theo mức độ và nguyên nhân mà có phương án điều trị thích hợp, nhưng trước hết phải theo những mục tiêu chung: chống shock, cầm máu, khôi phục lưu lượng tuần hoàn, điều trị triệu chứng, điều trị theo nguyên nhân.
Việc điều trị xuất huyết tiêu hóa phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ, nguyên nhân, vị trí chảy máu… Ngoài việc điều trị triệu chứng, ổn định các chức năng sống khi bị mất máu nặng, kết hợp dùng các thuốc co mạch, giảm tiết, kháng sinh... Bệnh nhân có thể được chỉ định nội soi can thiệp, qua đó rất nhiều trường hợp xuất huyết đã được xử trí tốt như: xử trí xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày - tá tràng, xử lý giãn tĩnh mạch thực quản bằng thắt vòng cao su...
Ở nước ta hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được thủ thuật này. Việc điều trị nội khoa đặc hiệu, làm thủ thuật hoặc phẫu thuật cho bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa có thể được chỉ định khi có sự cân nhắc của thầy thuốc chuyên khoa.
Bạn nên biết Nếu chẳng may người thân đang bị xuất huyết tiêu hóa, bạn có thể áp dụng các nguyên tắc sau khi chăm sóc: - Trước tiên, đặt bệnh nhân nằm nơi yên tĩnh, thoáng nhưng không lộng gió. Đầu thấp nghiêng về một bên. Không thay đổi tư thế bệnh nhân nhiều khi thăm khám, theo dõi mạch, huyết áp, nhiệt độ, các chất thải 1-3 giờ/lần. - Nếu bệnh nhân chảy máu ở mức độ nặng thì nên nhịn ăn suốt 24 giờ, sau đó cho uống sữa lạnh. Khi bệnh nhân ngừng chảy máu thì cho ăn lỏng, mềm. Nếu thấy bệnh nhân ổn định thì mới cho ăn cơm. |
T3H