Hợp tác quảng cáo

Sai lầm trong điều trị viêm mũi

Khi bị viêm mũi, ngạt mũi, thói quen của nhiều người là ra ngay hiệu thuốc mua thuốc nhỏ mũi dạng nước, hoặc dạng xịt về dùng mà không biết việc lạm dụng này đã dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc.

Từ thuốc nhỏ giọt, thuốc hít…

Sai lầm hay gặp nhất của những người bị viêm mũi là thường chủ quan cho rằng, mình bị ngạt mũi là do cảm cúm, do dị ứng thời tiết nên sẽ không sao, để vậy cũng tự khỏi, hoặc chỉ cần dùng vài lọ thuốc nhỏ mũi, vài viên kháng sinh là bệnh sẽ dứt hẳn. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bệnh cũng “rút lui” như ý muốn. Có thể ban đầu bệnh sẽ giảm, nhưng lại tái phát nặng hơn trong những lần sau. Có người từ viêm mũi dị ứng bình thường nhưng không chữa trị đúng cách đã dẫn đến viêm mũi - xoang do tái nhiễm, không xác định đúng nguyên nhân gây bệnh...

Một sai lầm nữa mà số đông người bệnh hay mắc phải là tự mua thuốc để nhỏ mũi. Người mua cứ mua và người bán cứ bán, không chỉ dẫn cụ thể cho từng trường hợp.

PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh (Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TW) cảnh báo: “Khi viêm, cuốn mũi có thể nở to ra, chèn ép toàn bộ khe thở, gây hiện tượng ngạt, tắc mũi. Lúc này các loại thuốc nhỏ mũi gây co mạch như Ephedrin, Phinol, Naphazolin, Oxymetazolin... rất hiệu nghiệm. Vì thế, nhiều bệnh nhân cứ vô tư nhỏ thuốc mỗi lần thấy mũi khụt khịt. Họ không biết, các thuốc co mạch chỉ có tác dụng tạm thời để chữa triệu chứng, dùng lâu dài tác dụng sẽ giảm dần”. Ngoài ra, thuốc còn làm giảm tính đàn hồi của mạch máu trong niêm mạc mũi, làm hư hệ thống màng nhầy, đáp ứng của niêm mạc mũi đối với thuốc ngày càng giảm, dẫn đến suy yếu niêm mạc.

Bên cạnh đó, nhiều người còn có thói quen luôn mang theo ống hít (có tác dụng thông mũi) bên mình. Mỗi khi cảm thấy mũi nghẹt, vướng vướng là hít vô tư để tạo cảm giác thở dễ hơn. Nhưng tự “hít” lâu ngày sẽ gây nên tình trạng "nghiện" và làm giảm khả năng nhận biết về mùi.

Đến thuốc thổi, thuốc xông…

Đúng như tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, nhiều người sau khi chữa tây y hoài không khỏi đã ngã theo lời khuyên của các thầy “lang vườn” thổi thuốc không rõ nguồn gốc vào hốc mũi để trị bệnh. Lúc đầu, thuốc thổi vào sẽ gây co mạch, bớt nghẹt mũi, bệnh nhân tưởng đã trị đúng bệnh. Nhưng nhiều trường hợp bệnh ngày một nặng hơn vì thuốc bám chắc vào các đường thông mũi tạo cảm giác vướng víu, khó thở và gây viêm nhiễm…

Được nhiều người ưa chuộng do dễ làm là phương pháp nấu một số loại lá có tinh dầu để xông mũi theo kinh nghiệm dân gian, nhưng không nên lạm dụng cách này một khi ngành y tế chưa có kết luận chính xác về tính năng và độc tố của chúng đối với sức khỏe con người.

PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh cho biết: “Thuốc xịt mũi ngũ sắc bào chế từ cây hoa cứt lợn, cỏ hôi dùng cũng tốt nhưng tùy từng trường hợp. Khi xịt thuốc này, bệnh nhân thấy xót, có nghĩa độ pH của thuốc không phù hợp với cơ địa nên sẽ không tốt cho niêm mạc mũi”. Bởi vậy, nếu muốn chữa bệnh bằng bài thuốc cổ truyền, thuốc Nam thì nhất thiết phải tới bệnh viện, phòng khám Đông y để được kê đơn và có hướng dẫn cụ thể.

Như vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh viêm mũi dị ứng, viêm xoang nên thường xuyên vận động, tập thể dục, chơi thể thao, tạo sức đề kháng cho cơ thể. Nếu sức khỏe tốt, bệnh cũng có thể tự khỏi trong vài ngày. Quá ba ngày mà bệnh không thuyên giảm, thì nên đến phòng khám chuyên khoa chữa trị, tránh tự chẩn đoán bệnh, tự chữa trị dẫn đến biến chứng nguy hại hơn.

Như Quỳnh

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Gia đình khỏe

Giảm béo