Các hóa chất trong dụng cụ bằng nhựa sẽ ngấm vào thức ăn trong quá trình nấu nướng và chứa thức ăn, điều này góp phần "kích hoạt" nhiều căn bệnh nguy hiểm gây hại cho sức khỏe gia đình bạn.
Từ trước đến nay, vì tiện lợi mà nhiều bà nội trợ Việt quen sử dụng một số đồ dùng nhà bếp làm bằng nhựa như bát, thìa hay hộp để nấu, đựng và bảo quản đồ ăn. Theo các chuyên gia, đây là thói quen không tốt cho sức khỏe, cần loại bỏ. Có rất nhiều mối nguy khi dùng đồ nhựa để nấu và bảo quản thức ăn, bởi vì đồ nhựa được chế tạo không phải để chịu nhiệt, nấu hay đựng, bảo quản đồ ăn dù trong hoàn cảnh nào.
Liên quan đến vấn đề này, các nhà khoa học Đức đã thực hiện khảo sát trong 2 năm (2016 và 2017) bằng việc sử dụng bát và thìa hay các dụng cụ làm bếp bằng nhựa để đựng, bảo quản thức ăn.
Kết quả, bát và thìa nhựa khi được sử dụng ở nền nhiệt độ trên 70 độ C sẽ sản sinh một lượng chất độc hại có tên là oligomers. Chất này nhanh chóng ngấm sâu vào thức ăn, nếu nuốt vào ở liều lượng cao có thể gây các bệnh về gan, tuyến giáp, vô sinh, cholesterol tăng cao hay thậm chí là ung thư.
Các chuyên gia cũng cho biết, qua việc nghiên cứu, họ nhận thấy một người trưởng thành nếu ăn 1kg thực phẩm sẽ bị nhiễm tới 5 mg chất oligomers. Trong khi đó, người nặng trung bình 60kg chỉ cần nạp tới 90 mg chất oligomers sẽ gây ra mối nguy hại đối với sức khỏe, đặc biệt là ung thư.
Đồng quan điểm này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, ở nhiệt độ cao, nhựa và thực phẩm sẽ biến dạng và xảy ra phản ứng hóa học, tạo ra các chất tổng hợp không có trong tự nhiên. Những chất này đa phần là hóa chất có lượng độc tố, nếu nấu nướng, bảo quản ở nhiệt độ cao sẽ gây ra tình trạng phơi nhiễm độc. Khi vào cơ thể, các chất này sẽ len lỏi vào cơ quan nội tạng hay máu gây hại cho sức khỏe, và là nguyên nhân của rất nhiều bệnh nguy hiểm.
Ngoài tác hại trên, khi người dân dùng hộp nhựa đựng các thực phẩm mặn, có muối hay đồ nhiều dầu mỡ cũng làm phát sinh các độc tố có hại trong quá trình bảo quản.
"Khi cho nhựa và đồ ăn mặn có nhiều muối hoặc dầu mỡ vào cùng môi trường sẽ làm sản sinh ra các chất có hại. Đó là còn chưa kể tới việc nhựa tái chế và tâm lý tận dụng, dùng đi dùng lại của người dân. Một món có thể dùng tới vài tháng và cả năm để nấu ăn và đựng thực phẩm là không nên”, ông Thịnh nói.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các dụng cụ nấu ăn bằng nhựa. Với hình thù, màu sắc ngộ nghĩnh, các đặc tính đa dạng: chống nóng tay, chống chảy, chống mùi, … Cụ thể, một số dụng cụ nấu ăn bằng nhựa rất phổ biến có thể kể đến: muôi nhựa, đũa nhựa, thìa nhựa, bát nhựa, … Đặc biệt là những dụng cụ dùng để nấu, tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao: vá xào bằng nhựa, đĩa nhựa đựng đồ ăn,… Những đồ dùng để nấu ăn này tuy không bị nóng chảy trong quá trình sử dụng những lại là nguyên nhân gây ung thư gan cùng nhiều vấn đề có hại cho sức khỏe khác.
Giải pháp an toàn khi dùng đồ nhựa
- Cần chú ý lựa chọn sản phẩm nhựa của những nhà sản xuất uy tín, có thông số hướng dẫn đầy đủ để tránh dùng phải sản phẩm không đúng chất lượng.
- Muốn phân biệt nhựa tốt xấu, hãy quan sát bằng mắt thường: Loại nhựa tốt thường có độ trong, những góc cạnh và bề mặt của sản phẩm nhẵn nhụi, dễ nổi trên nước. Loại nhựa chất lượng kém thường đục, giòn, sắc cạnh, gồ ghề, sờ vào có cảm giác gợn li ti, nhanh chìm khi thả vào nước. Các loại sản phẩm túi nhựa tốt có độ trong và không có mùi, còn túi nhựa tái chế thường có mùi rất nặng, độ trong không đều và đôi khi có bụi phấn.
- Không tái sử dụng chai nhựa đựng nước: Rất nhiều người tưởng rằng chai đựng nước tinh khiết thì sẽ sạch nên dùng lại. Nhưng thực chất chúng thường được làm từ nhựa PET, chỉ đảm bảo cho dùng một lần.
- Hạn chế dùng đồ nhựa để quay trong lò vi sóng: Mặc dù nhiều sản phẩm được ghi ngoài nhãn là “microwave-safe" hoặc "microwavable", tức là dùng được trong lò vi sóng, nhưng chúng chỉ đảm bảo rằng sẽ không bị nứt vỡ chứ không đảm bảo sẽ không thôi nhiễm các phụ gia.
- Tránh rửa đồ nhựa bằng chất tẩy rửa mạnh hoặc bằng vật dụng có thể gây xước: Vì khi đồ nhựa bị mài mòn, xây xước sẽ khiến các phụ gia thôi nhiễm ra thức ăn hoặc thành chỗ chứa vi khuẩn.
- Nên dùng sản phẩm nhựa trắng vì nó sẽ an toàn hơn nhựa màu. Khi chọn nhựa màu, nên soi chúng dưới nắng mặt trời, sản phẩm nào không cho nhìn thấy mặt trời thì thích hợp cho đựng thực phẩm hơn.
- Khi chọn đồ nhựa nên nhìn các con số được đặt trong biểu tượng hình tam giác ở đáy hộp. Các loại có đánh số 2 hoặc 4 hoặc 5 là thích hợp cho đựng thực phẩm, chúng ít nguy cơ thôi nhiễm chất độc vào thức ăn.
My An (TH)
Theo tạp chí Sống khỏe