Hợp tác quảng cáo

"Thấy trẻ biếng ăn thì dùng men tiêu hóa" liệu có đúng, mẹ cần nắm rõ để chăm con đúng cách

Nhiều mẹ thấy con biếng ăn thì lại nghĩ là do tiêu hóa kém, nên cứ liên tục bổ sung men tiêu hóa cho con để kích thích đường ruột, tạo cảm giác thèm ăn. Các bác sĩ nhi khoa cho biết, đôi khi trẻ biếng ăn chưa chắc là do tiêu hóa có vấn đề, nên việc mẹ lạm dụng men tiêu hóa sẽ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn.

Thực tế, tình trạng trẻ biếng ăn có thể xuất phát bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, như: biếng ăn sinh lý do vào tuần khủng hoảng của trẻ (với những trẻ từ 12 tháng trở xuống), thực phẩm không đa dạng khiến trẻ nhanh chán, trẻ không có giờ giấc ăn cố định nên sinh ra lười ăn, trẻ bị thiếu dinh dưỡng,... Ngoài ra thì yếu tố tiêu hóa cũng là một nguyên nhân phổ biến khiến trẻ lười ăn uống, nhất là đang vào mùa hè - tức thời điểm mà vi khuẩn sinh sôi, phát triển mạnh và gây ra một số vấn đề vệ hệ tiêu hóa như: đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, tiêu chảy,..

Giải thích rõ hơn vì sao cứ vào mùa hè thì chúng ta dễ mắc bệnh tiêu hóa, đó là bởi 3 nguyên nhân sau đây:

1. Thực phẩm dễ bị hư hỏng: không khí nóng ẩm trong thời điểm giao mùa có thể khiến cho nấm mốc sinh sôi và tấn công vào nguồn thực phẩm, làm sản sinh ra nhiều chất độc hại. Ngoài ra, nhiệt độ thay đổi thất thường cũng khiến thức ăn nhanh ôi, thiu hơn - nếu không may ăn phải sẽ làm nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, thậm chí là ngộ độc.

2. Hệ miễn dịch suy yếu không thể tiêu diệt hết vi khuẩn xâm nhập: thời tiết nắng mưa thay đổi liên tục trong mùa hè có thể làm cơ thể không kịp thích nghi, gây suy yếu hệ miễn dịch khiến các yếu tố gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Khi cơ thể nhiễm phải những loại virus, vi khuẩn này sẽ làm nhiễm khuẩn đường ruột, gây ra các bệnh về tiêu hoá.

3. Vệ sinh cơ thể kém: thời tiết thay đổi liên tục trong mùa hè có thể khiến nhiều vi khuẩn sinh sôi và bám lên cơ thể ta. Nếu vệ sinh cơ thể kém, không rửa tay thường xuyên sẽ khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào trong cơ thể, tấn công đường ruột và gây bệnh tiêu hóa.

Tuy nhiên, có rất nhiều mẹ hiểu lầm việc con mình biếng ăn hoàn toàn là do tiêu hóa kém, nên đã tự ý mua men tiêu hoá cho con dùng. Thậm chí, có một số phụ huynh còn thản nhiên nghĩ là: “men tiêu hoá không độc hại gì, cứ cho trẻ uống đến khi nào trẻ ăn ngon trở lại”. Hoặc có một số cha mẹ “mua đại” theo lời khuyên của nhiều người mà không hề phân biệt được tình trạng của con mình nên dùng men tiêu hoá hay men vi sinh, và cho rằng “men nào cũng như men nào, cho trẻ uống để trẻ ăn ngon hơn, đơn giản vậy thôi”.

Việc mẹ tự ý cho trẻ uống men tiêu hóa để giúp trẻ ăn ngon hơn là một hành động nguy hiểm, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như hệ tiêu hoá của con em (Ảnh: Internet)

Theo BS. Tạ Duy Tùng (Viện Y học Ứng dụng Việt Nam) cho biết, các mẹ không nên tự ý mua men cho trẻ uống nếu chưa nắm rõ tình trạng sức khỏe của trẻ, bởi vì men tiêu hoá không có tác dụng kích thích ăn ngon. Công dụng chính của men tiêu hóa đó là chuyển hóa các chất dinh dưỡng giúp cơ thể hấp thu dễ dàng hơn, vốn dành cho những người bệnh có tổn thương tiêu hóa bẩm sinh. Với trường hợp mắc bệnh lý tiêu hóa cấp tính, chỉ nên dùng 2 - 3 lần/ tuần.

Việc mẹ lạm dụng men tiêu hoá cho con sẽ làm các tuyến tiêu hóa bị ức chế, giảm bài tiết men tiêu hóa và dẫn đến ảnh hưởng chức năng sinh lý bình thường của các cơ quan. Lâu dần, cơ thể con sẽ phải phụ thuộc suốt đời vào men tiêu hóa.

Cha mẹ thấy con biếng ăn nhưng không nắm rõ nguyên nhân vì sao thì nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được thăm khám chính xác và kê đơn loại thuốc phù hợp nhất, chứ không tự ý mua men cho con để giúp con ăn ngon miệng. Vì điều này có thể gây hại sức khoẻ của trẻ (Ảnh: Internet)

Nếu cha mẹ xót con biếng ăn có thể khiến sức khỏe suy giảm, thì tốt nhất vẫn nên sử dụng các biện pháp tự nhiên giúp trẻ ăn ngon hơn. Để giải quyết vấn đề đau đầu này của nhiều phụ huynh, các bác sĩ đã đưa ra một số lời khuyên sau đây.

Mách mẹ 3 cách giúp hạn chế tình trạng biếng ăn ở trẻ

1. Bữa ăn đa dạng về thực phẩm và cách chế biến

Cách tốt nhất để trẻ không biếng ăn đó là cho trẻ tiếp xúc với sự đa dạng về thực phẩm từ sớm. Khi trẻ quen dần thì việc ăn uống cũng không còn là vấn đề nữa.

Biện pháp này không chỉ giúp trẻ được cung cấp lượng dưỡng chất dồi dào, tốt cho sự phát triển về thể chất và trí não của trẻ (đặc biệt là ở giai đoạn vàng từ 2 tuổi đến 11 tuổi), mà còn hạn chế được tình trạng cha mẹ cho con ăn uống “lệch” dẫn đến việc thiếu hụt chất này, dư thừa chất kia.

Các loại thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích là các nhóm chất như: chất xơ (gồm trái cây, rau củ,... ), protein (gồm thịt, cá, trứng, đậu phụ,... ), ngũ cốc giàu tinh bột (như khoai tây, khoai lang, hoặc gạo,... ), canxi và vitamin D (có trong các loại hải sản, sữa và chế phẩm từ sữa) và chất béo (dầu hạt, dầu thực vật, quả hạch, bơ,... )

Bên cạnh việc cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, mẹ cũng nên dành thời gian để tìm hiểu nhiều cách chế biến để tạo sự hứng thú cho con. Thay vì chỉ quẩn quanh với ninh, hầm, luộc, hấp, mẹ có thể chế biến món ăn bằng cách áp chảo, nướng - chiên không dầu, trộn cùng với các loại gia vị dành cho trẻ em để tạo sự mới lạ trong hương vị. Trẻ sẽ ngon miệng hơn và bữa ăn cũng diễn ra dễ dàng hơn.

Nếu có thời gian, mẹ có thể đầu tư thêm vào khoản trang trí món ăn. Điều này sẽ gợi sự thích thú của con trong ăn uống (Ảnh: Internet)

2. Có giờ ăn cố định cho trẻ

Một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ biếng ăn là phụ huynh không cho trẻ ăn trong một khung giờ cố định. Nhiều cha mẹ cứ lo sợ con sẽ bị đói mà ép ăn con ăn liên tục, lâu dần sẽ tạo tâm lý không tốt cho con trong việc ăn uống. Cha mẹ nên đặt ra một khung giờ cố định để tạo thành thói quen cho trẻ - là cứ đến giờ thì cơ thể sẽ bắt đầu đói. Khi này, việc ăn uống của con cũng trở nên dễ dàng hơn. Với những trẻ còn đang ăn dặm bằng bột hoặc cháo rây và chỉ có 1 - 2 ngày một bữa (thường là 6 - 8 tháng), khung giờ phù hợp nhất sẽ là 10h30 sáng và 15h chiều.

Với những trẻ từ 8 tháng trở lên, đã tự ngồi và tự tay cầm nắm đồ ăn, mẹ có thể sắp xếp để trẻ được ăn uống cùng mọi người trong gia đình. Do đây cũng là giai đoạn để trẻ hình thành nhận thức và bắt đầu học hỏi mọi thứ từ những người xung quanh, khi thấy mọi người ăn trẻ cũng sẽ có cảm giác muốn ăn.

3. Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày

Cha mẹ tuyệt đối không ép trẻ ăn quá nhiều trong một bữa, vì điều này có thể làm trẻ bị căng thẳng và sản sinh ra nhiều hormone cortisol (một dạng hormone gây stress trong cơ thể), nếu không được kiểm soát sẽ làm trẻ kém tăng trưởng, vôi hóa khớp, trầm cảm, hung dữ, hoặc có xu hướng bạo lực. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, cha mẹ chỉ có thể quyết định cho trẻ ăn gì và ăn khi nào, còn ăn bao nhiêu là tuỳ thuộc vào khả năng của trẻ.

Tốt hơn hết, phụ huynh nên chia nhỏ các bữa chính thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (với lượng thức ăn ít hơn một chút). Ví dụ 3 bữa/ ngày thì chia thành 5 - 6 bữa/ ngày, để trẻ có thể được tiếp xúc với thức ăn nhiều hơn mà không gây ngán. Trung bình, cứ mỗi 3 - 4 tiếng, mẹ có thể cho trẻ ăn một bữa nhỏ.

Với khung giờ của bữa chính, phụ huynh hãy cho trẻ ăn đủ chất với các loại thực phẩm như rau, thịt, cơm. Còn khung giờ của những bữa phụ thì có thể cho bé dùng sữa, sữa chua, bánh quy hay trái cây.

Mẹ cần lưu ý, mỗi bữa ăn chỉ nên kéo dài tối đa 30 phút và không ăn bất cứ thứ gì khác từ khi kết thúc bữa ăn cho đến khi bắt đầu bữa ăn tiếp theo. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng không tập trung, hoặc no ngang của trẻ (Ảnh: Internet)

Tốt hơn hết khi thấy trẻ biếng ăn và nghi do vấn đề tiêu hóa gây ra, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được các bác sĩ thăm khám và kê đơn thuốc phù hợp. Nếu không phải do tiêu hóa thì hãy khám dinh dưỡng cho trẻ, nhằm nhận được tư vấn và hướng dẫn đúng cách, để cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng, lạm dụng men tiêu hoá nhằm tránh ảnh hưởng sức khoẻ con em mình.

Xem thêm: Lạm dụng thuốc an thần để điều trị mất ngủ, sức khoẻ có thể bị tổn hại nghiêm trọng

Quỳnh Giang

Theo Người đưa tin

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo