Vitamin K vốn được biết đến nhiều với vai trò hỗ trợ đông máu cho cơ thể. Vì để tìm hiểu nhiều hơn về vai trò này của vitamin K, nên các nhà khoa học đã tcho iến hành các nghiên cứu chuyên sâu hơn về nó. Sau đó, họ nhận được một kết quả khá bất ngờ, rằng việc thiếu hụt vitamin K có thể là nguyên nhân gián tiếp gây nên các bệnh về phổi.
Theo y văn, vitamin K là một vi chất thiết yếu, giúp bảo đảm quá trình đông máu và tạo xương trong cơ thể diễn ra bình thường. Ngoài ra, vitamin K còn giúp đẩy nhanh tốc độ lành vết thương, nhờ kích thích hình thành các tế bào sợi, collagen và mạch máu trên da. Bên cạnh đó, vi chất này còn có hoạt tính oxy hóa khử và chống viêm tốt, giúp giảm sưng tấy và ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể. Vitamin K thường được chia thành 2 dạng gồm vitamin K1 và vitamin K2.
Ngay từ lúc chào đời cho đến khi trưởng thành rồi già đi, con người đều cần được bổ sung đầy đủ. Bởi việc thiếu hụt vitamin K có thể gây ra một số bệnh xuất huyết như: tụ máu bầm, chảy máu mũi, hoặc nguy hiểm hơn là xuất huyết não, viêm màng não, xuất huyết đường ruột,... (Ảnh: Internet)
Đặc biệt, vì nắm giữ vai trò đông máu trong cơ thể và có thể ảnh hưởng rất nhiều đến các cơ quan khác, nên các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã thử tiến hành một cuộc nghiên cứu về vai trò này của nó, được thực hiện trên 4.000 tình nguyện viên với độ tuổi từ 24 đến 77. Sau khi thu thập đủ các dữ liệu cần thiết, họ đã phân tích, so sánh giữa các chỉ số sức khỏe của mỗi người, và nhận về nhiều kết quả bất ngờ. Trong đó, kết quả rằng vitamin K có sự ảnh hưởng nhất định trong việc hình thành nên các bệnh về phổi chính là một bước tiến bất ngờ.
Cụ thể trong cuộc nghiên cứu, các tình nguyện viên đã được xét nghiệm nồng độ vitamin K trong máu và thực hiện phép đo lượng thể tích thở ra bắt buộc (FEV1 - lượng không khí mà một người có thể thở ra trong một giây) cũng như dung tích sống bắt buộc (FVC - tổng thể tích không khí có thể hít vào trong một lần thở bắt buộc). Các nhà khoa học nhận thấy rằng, những người có mức vitamin K thấp đều có FEV1 thấp hơn và FVC thấp hơn trung bình so với những người có nồng độ vitamin K trong máu đạt chuẩn. Trong đó, với những người chưa từng ghi nhận bệnh về phổi nhưng có lượng vitamin K thấp cho biết họ thường dễ mắc phải các bệnh hô hấp thông thường, hay thở khò khè,... Còn với những người đang bị có sẵn các bệnh hen suyễn, viêm phổi cấp tính hay COPD (phổi tắc nghẽn mạn tính) thì chắc chắn đã có lượng vitamin K thấp.
Lúc này, các chuyên gia sức khỏe cần giải quyết câu hỏi về sự liên quan giữa vitamin K và chức năng của phổi. Có 2 giả thuyết được đặt ra để trả lời cho vấn đề này, bao gồm:
1. Vitamin K có thể kích hoạt một loại protein trong cơ thể, thường được gọi là Matrix Gla Protein (MGP). Loại protein này được nhận định là có thể giúp ngăn chặn quá trình vôi hóa mô phổi (hiện tượng mà canxi lắng đọng tại phổi và gây vôi hóa các tế bào mô phổi đã bị viêm). Việc thiếu hụt vitamin K có thể làm loại protein này không được kích hoạt, từ đó không thể giúp phổi ngăn nguy cơ vôi hóa, lâu dần làm suy giảm chức năng phổi và có thể dẫn đến một số bệnh viêm hay nhiễm trùng tại cơ quan này.
2. Vitamin K có trách nhiệm thực hiện quá trình đông máu trong cơ thể. Khi nội mạch máu bị tổn thương - tức là khi bạn gặp phải những chấn thương gây chảy máu - cơ thể sẽ vận động vitamin K để kích hoạt phản ứng đông máu, nhằm ngăn ngừa tình trạng mất máu quá nhiều. Tuy nhiên, việc thiếu hụt vitamin K có thể dẫn đến nguy cơ rối loạn đông máu - hoặc là bạn sẽ chảy máu nhiều hơn, hoặc là bạn sẽ bị tăng đông máu.
Tăng đông máu mô tả tình trạng đông máu quá mức, có thể làm gián đoạn lưu lượng máu và tăng nguy cơ mắc các tình trạng bao gồm huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi (Ảnh: Internet)
Dù vẫn chưa được công nhận 100% về độ chính xác, nhưng 2 giả thuyết trên ở thời điểm hiện tại đang được xem là lời giải thích hợp lý nhất cho sự tác động của vitamin K đối với sức khỏe của phổi. Các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận nhận định này chỉ mới là bước đầu, dựa vào kết quả họ thu thấp được và họ sẽ thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu hơn để tìm ra nhận định chính xác nhất về “mối quan hệ” này.
Các chuyên gia sức khỏe cũng nhấn mạnh, vitamin K là một vi chất cực kỳ quan trọng đối với cơ thể và sức khỏe con người. Nên mọi người cần chủ động bổ sung loại vi chất này mỗi ngày, theo khuyến nghị từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia như sau:
- Với trẻ dưới 12 tháng cần nạp từ 2 - 2,5 mcg vitamin K/ ngày, riêng từ 12 tháng trở lên thì phải nạp 30 - 75 mcg/ ngày. Người trưởng thành cần nạp từ 80 - 150 mcg/ ngày.
- Bên cạnh mũi tiêm đầu đời, mọi người có thể bổ sung vitamin K thông qua dạng uống và thực phẩm.
![]() |
Vitamin K là một nhóm các hợp chất, trong đó vitamin K1 được lấy từ rau lá xanh (cải xoăn, bông cải xanh, rau bina, bắp cải,… ) và một số loại rau khác. Vitamin K2 là một nhóm các hợp chất chủ yếu thu được từ thịt, phô mai, hải sản, trứng,... (Ảnh: Internet)
Trên đây là bài viết nói về nghiên cứu về sự tác động của vitamin K đối với sức khỏe của phổi. Nếu đã nhận thấy tầm quan trọng của loại vi chất này, mọi người bổ sung nhiều hơn thông qua các loại thực phẩm cần thiết vào bữa ăn hàng ngày. Trong trường hợp chế độ ăn uống không đáp ứng đủ lượng vitamin K cần thiết, bạn nên đi khám và làm các xét nghiệm để tìm kiếm nguyên nhân và lắng nghe hướng dẫn từ bác sĩ.
Xem thêm: Cánh tay và đùi của những người thiếu ngủ thường béo hơn, đặc biệt là ở phụ nữ
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin