Nhiều gia đình khi đi chợ sẽ thường mua thật nhiều thịt, vừa dùng để ăn trong ngày, lại vừa để cấp đông dự trữ. Tuy nhiên, thói quen này bị đánh giá là gây hại sức khoẻ, vì nếu ăn thịt đông lạnh trong thời gian dài, cơ thể sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật.
Thịt khi được tích trữ quá lâu trong tủ lạnh sẽ dễ bị biến đổi chất và gây hại không nhỏ cho sức khỏe khi ăn vào cơ thể. Thông thường, thịt lợn trữ đông chỉ nên ăn trong 15 ngày đổ về, sau 5 ngày đã có biến đổi lớn về chất dinh dưỡng.
Nếu bạn thường xuyên ăn thịt đông lạnh trong thời gian dài, khả năng chống oxy hóa từ cơ thể sẽ ngày càng yếu đi, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe (Ảnh: Internet) |
Nhiệt độ thấp của tủ lạnh có thể ngăn chặn sự gia tăng của vi khuẩn nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn quá trình oxy hóa chất béo và protein, điều này khiến thịt dễ bị biến chất, màu sắc cũng thay đổi, thậm chí còn dễ chuyển sang màu nâu và làm gia tăng tốc độ lão hóa cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nếu không chú ý mà ăn phải thịt hỏng do trữ lâu trong tủ lạnh, bạn có thể bị khó tiêu, buồn nôn, nôn và đau dạ dày. Ăn thịt hỏng có thể gây hại cho hệ tiêu hóa, dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm ruột.
Thịt bảo quản trong tủ lạnh quá lâu dễ sinh ra một số lượng lớn vi khuẩn, virus, làm giảm sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể. Vì vậy trong cuộc sống hàng ngày, bạn hãy cố gắng không ăn thịt đã để quá lâu trong tủ lạnh, nên ăn nhiều thịt tươi và không nên mua quá nhiều thịt một lúc.
Vì vậy, chúng ta không nên quá phụ thuộc vào tủ lạnh. Bởi dù chưa hết hạn sử dụng nhưng khi thịt trữ trong tủ lạnh quá lâu cũng dễ sản sinh ra chất gây hại cho cơ thể, thậm chí còn làm tế bào ung thư xâm nhập vào nhanh hơn.
Bạn nên dùng túi nilon hoặc màng bọc thực phẩm gói thật kín những miếng thịt trước khi đặt chúng trong tủ lạnh. Những lớp nilon hay màng bọc thực phẩm giúp tạo nên lớp ngăn cách giữa thịt với môi trường bên ngoài làm hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn. Đồng thời việc bọc kín như vậy giúp đá không bám quá nhiều trên thịt, giữ được chất thịt tươi ngon.
Nếu đặt thịt trong ngăn đá bạn nên bọc thêm nhiều lớp hơn một chút, giúp thịt không bị đông cứng quá mức mà vẫn giữ được phần nước trong thịt, thịt giữ được màu sắc và hương vị ban đầu (Ảnh: Internet) |
Tùy vào mỗi loại thịt mà chúng ta có thời hạn bảo quản và mức nhiệt độ bảo quản khác nhau, theo đó mức nhiệt độ đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng thịt được bảo quản.
Nếu nhiệt độ tủ lạnh quá cao thịt sẽ dễ hỏng do môi trường thích hợp cho vi khuẩn sinh sôi. Ngược lại nếu mức nhiệt quá thấp sẽ khiến thịt bị đông đá, mất nước và biến chất.
Tùy vào mục đích bảo quản mà bạn có thể lựa chọn ngăn để bảo quản thịt như:
Đối với thịt tươi sống:
Nếu thịt tươi vừa mua về được rửa sạch sau khi đóng gói cẩn thận, có thể bảo quản từ 4 - 6 ngày trong ngăn mát và có thể bảo quản tới vài tháng khi đặt thịt trong ngăn đá, không phân biệt là thịt đã qua tẩm ướp hay chưa).
Đối với thịt đã nấu chín:
Thịt đã được nấu chín bạn cần cho vào hộp đậy kín rồi dùng màng bọc thực phẩm bọc thêm vài lớp bên ngoài, rồi đặt vào tủ lạnh. Với loại thịt này thì thời gian bảo quản ngắn hơn rất nhiều, khoảng 2 ngày nếu đặt trong ngăn mát và khoảng 6 tháng nếu đặt trong ngăn đá.
Bạn nên lưu ý không nên đặt thịt tươi sống và thịt đã chín ở gần nhau, vì chúng thường khiến vi khuẩn lây lan một cách nhanh chóng, làm cho thịt nhanh hỏng hơn.
Nếu để nhiều thịt vào tủ lạnh cùng lúc, bạn nên tự điều chỉnh mức nhiệt lạnh hơn ở mỗi ngăn để đảm bảo nhiệt độ bảo quản thịt.
Thịt nếu cần sử dụng trong ngày bạn có thể chuyển vị trí thịt xuống ngăn chuyên dụng ở tầng mát để thịt được rã đông từ từ một cách tự nhiên hơn, đảm bảo sức khỏe mà lại không tốn thời gian.
Thịt đông lạnh tuy được sử dụng với mục đích tốt, giúp tiết kiệm tiền bạc và thời gian, nhưng về lâu dần sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Thói quen cấp đông thịt cần nên loại bỏ ngay, thay vào đó, hãy lên kế hoạch sẵn với từng bữa cơm của gia đình để có thể vừa cân bằng được dinh dưỡng cho cả nhà, lại vừa tạo sự phong phú, khiến bữa cơm không bị nhàm chán.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin