Thời đại công nghệ 4.0 giúp chúng ta làm được mọi thứ từ xa, kể cả học tập và làm việc. Nhưng những năm đại dịch Covid-19 vừa qua đã làm ta phụ thuộc nhiều hơn vào chúng, từ đó khiến các bệnh về mắt không ngừng gia tăng. Nên làm sao để phòng ngừa được bệnh hiệu quả?
Thống kê từ các tổ chức về mắt cho biết, tại Việt Nam đang có hơn 2 triệu người mù và thị lực kém do các bệnh về mắt gây ra, trong đó tỷ lệ nhóm người trẻ - đặc biệt là thanh thiếu niên chiếm cao hơn cả. Phổ biến nhất là hiện tượng tật khúc xạ (cận thị, loạn thị, viễn thị) với tỷ lệ là 30 - 40%, ngoài ra là các bệnh lý khác như: glocom, viêm màng bồ đào, viêm kết mạc, giác mạc,…
Nguyên nhân chủ yếu là tiếp xúc quá lâu với ánh sáng xanh từ các thiết bị công nghệ, tiếp xúc nhiều với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời, hoặc do tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị mắt có chứa corticoid.
Tuy rằng việc sử dụng các thiết bị công nghệ có thể khiến mắt chúng ta yếu đi nhưng nếu bảo ngưng hoàn toàn thì rất khó. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của đôi mắt và tránh các loại bệnh lý về mắt mỗi khi tiếp xúc các thiết bị điện tử, chúng ta nên làm những điều sau đây để phòng ngừa bệnh:
Nhiều nghiên cứu cho thấy, tần số chớp mắt giảm đến 66% khi sử dụng các thiết bị điện tử. Đôi khi, vì quá chăm chú làm việc trên máy tính sẽ khiến mắt chúng ta quên chớp mắt, dẫn đến việc mắt bị khô và cực kỳ nhức mỏi.
Một phần là do sự phản chiếu của ánh sáng xanh từ màn hình tác động vào mắt, và một phần là do việc ta quên chớp mắt thường xuyên.
Chính vì vậy, để mắt luôn ẩm ướt, hạn chế việc quá khô có thể gây đau mỏi, đỏ mắt hoặc nặng hơn là khô, viêm giác mạc, hãy chú ý chớp mắt thường xuyên để nước mắt được dàn đều trên nhãn cầu (Ảnh: Internet) |
Tần suất chớp mắt hợp lý nên từ 15 - 20 lần / phút để giúp mắt được điều tiết tốt hơn.
Theo nhiều nghiên cứu và khảo sát cho thấy, con người luôn thích những chỗ ít hoặc thiếu ánh sáng vì như vậy họ sẽ dễ tập trung hơn. Tuy nhiên, làm việc trong một không gian không có độ sáng hợp lý lại chính là nguyên nhân chính khiến thị lực bị suy giảm, xuất phát từ sự tương phản lớn giữa ánh sáng trên màn hình thiết bị phát ra và ánh sáng xung quanh của bạn, các chuyên gia nhãn khoa nhấn mạnh, nếu làm việc trong tình trạng thiếu sáng kéo dài có thể làm hỏng võng mạc của bạn.
Hãy thiết kế góc làm việc có đầy đủ ánh sáng, khuyến khích dùng ánh sáng tự nhiên hoặc nếu vào buổi tối thì chọn ánh sáng vàng, dùng nhiều ánh sáng trắng có thể gây kích ứng mắt (Ảnh: Internet) |
Bạn cần phải giữ khoảng cách khi làm việc trên máy tính, điện thoại, nếu để mắt ở quá gần với màn hình thiết bị, bạn sẽ dễ bị căng cơ mắt, lâu dần gây ra cận thị. Điều quan trọng nhất đó là giữ cho màn hình của bạn ở dưới tầm mắt. Bên cạnh đó, với mỗi thiết bị, lại nên đặt mắt ở những khoảng cách khác nhau. Ví dụ, bạn nên duy trì khoảng cách tối thiểu với máy tính bảng là 30cm và khoảng cách tối thiểu với máy tính để bàn là 50cm.
Trong những năm gần đây, kính chống ánh sáng xanh ngày càng trở nên phổ biến. Kính lọc ánh sáng xanh có những bộ lọc trong ống kính, có tác dụng chặn hoặc hấp thụ ánh sáng xanh và thậm chí là cả tia UV đi qua.
Bạn nên đeo kính chống ánh sáng xanh vào ban ngày khi làm việc trước máy tính và vào ban đêm để ngăn ánh sáng xanh từ màn hình.
Việc tầm soát sức khoẻ của mắt theo định kỳ là một điều cực kỳ quan trọng, nhưng lại bị nhiều người chủ quan bỏ qua. Thực tế, có rất nhiều bệnh sẽ rất lâu mới xuất hiện dấu hiệu cảnh báo trên cơ thể, nhưng lại có thể phát hiện sớm thông qua máy móc hoặc các thiết bị y tế. Vì vậy, với những người ở độ tuổi 20 đến 64, nên đi khám mắt tổng quát từ 2 - 4 năm một lần. Nếu trên 65 tuổi, nên đi kiểm tra mắt tổng quát từ 1 - 2 năm một lần.
Giống như các bộ phận khác của cơ thể, mắt của ta cũng cần dinh dưỡng hợp lý để hoạt động tốt. Bạn nên ăn nhiều loại thực phẩm có lợi cho thị lực, đặc biệt là các thực phẩm sau đây:
- Thực phẩm giàu vitamin C: một chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mắt, đặc biệt là khi có nguy cơ đục thủy tinh thể. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ vitamin C trong máu cao hơn có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc bệnh đục thủy tinh thể. Vitamin C thường có nhiều trong kiwi, dâu tây, việt quất, các loại hạt và các loại rau lá xanh,...
- Trứng: trong lòng đỏ trứng có chứa zeaxanthin - một sắc tố carotenoid hỗ trợ sức khỏe của mắt và bảo vệ mắt khỏi tác hại của quá trình oxy hóa và tổn thương do ánh sáng gây ra.
- Cá hồi: một trong những nguồn cung cấp axit béo omega-3 tốt nhất trong các loại thực phẩm, có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể. Loại DHA omega-3 là axit béo chính tạo nên võng mạc của mắt.
- Bí ngô: là một nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe mắt như vitamin E và A, bí ngô được coi là một thực phẩm tuyệt vời để giảm nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể.
Bí ngô có chứa lượng beta-carotene cao, một chất chống oxy hóa mạnh, ngoài ra còn hỗ trợ chuyển hóa vitamin A trong cơ thể, giữ cho tầm nhìn của ta sắc nét hơn bằng cách giúp võng mạc hấp thụ ánh sáng (Ảnh: Internet) |
Sau đây là các cách bảo vệ mắt đơn giản mà bạn nên ghi nhớ, nhằm hạn chế và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt vốn đang gia tăng không ngừng như hiện tại. Thời đại công nghệ 4.0 buộc chúng ta phải sử dụng các thiết bị điện tử nhiều hơn, do đó có ý thức bảo vệ đôi mắt của bản thân, nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc về sau là điều cực kỳ quan trọng.
Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin