Đến bây giờ vẫn còn rất nhiều người có thói quen rung lắc khi bế trẻ, vì cho rằng nó hoàn toàn vô hại. Nhưng sự thật thì đây lại là một hành động rất nguy hiểm, có thể khiến trẻ phải đối mặt với 3 biến chứng này sức khoẻ này suốt đời.
Có nhiều người lớn (thậm chí là chính cha mẹ) vẫn thường xuyên rung lắc khi bế em bé, với lý do là muốn chơi đùa với các bé. Các bác sĩ nhi khoa cho hay, thói quen này cực kỳ nguy hiểm - do có thể gây hại đến não bộ, thậm chí là tính mạng của bé. Ví dụ điển hình chính là trường hợp của bé 4 tháng tuổi - bị xuất huyết não và phải nhập viện tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa qua.
Khi nhập viện, bé ở trong trạng thái hôn mê, thở nấc và tím môi. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ khẳng định bé đã mắc phải “hội chứng rung lắc trẻ sơ sinh”, với biến chứng nguy hiểm nhất là chảy máu não. Dù đã được cứu sống - nhưng từ sự việc của bé 4 tháng tuổi - thì đây vẫn chính là một bài học đắt giá cho gia đình cũng như là hồi chuông cảnh tỉnh của nhiều người lớn có thói quen rung lắc khi bế trẻ.
Theo y văn, hội chứng rung lắc là dạng chấn thương đầu và não nghiêm trọng, thường xảy ra ở trẻ dưới hai tuổi, phổ biến nhất là 2-4 tháng. Ở độ tuổi này, não của trẻ còn đang phát triển nên luôn có một khoảng trống giữa não và hộp sọ cộng thêm cổ còn yếu, khó giữ vững đầu nên khi bị rung lắc nhanh và mạnh sẽ gây nên những tổn thương cho não. Trẻ có thể bị nguy hiểm dù chỉ với 5 giây rung lắc.
Nguyên nhân gây ra “hội chứng rung lắc” xuất phát từ thói quen của nhiều người lớn, chẳng hạn như: rung lắc mạnh khi ẵm hoặc đưa võng cho bé ngủ, thay đổi tư thế của bé đột ngột, đùa giỡn với bé bằng cách bế xốc nách và tung lên cao
Trẻ bị hội chứng rung lắc dẫn đến xuất huyết não rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Vì thế, cha mẹ cần phải theo dõi và kiểm tra con thường xuyên - nếu thấy con có những dấu hiệu sau đây thì cần đưa đến bệnh viện ngay để kiểm tra:
- Khó chịu, cáu gắt và quấy khóc không thể dỗ
- Khó giữ tỉnh táo, li bì , lơ mơ, thở yếu
- Bú kém, bỏ bú
- Nôn ói nhiều
- Da tái hoặc da xanh nhạt
- Co giật, gồng chi
- Liệt tay, chân
- Hôn mê
Khi thấy trẻ có dấu hiệu quấy khóc mãi không dứt, kèm theo nôn ói, bỏ bú,... cha mẹ cần đưa trẻ ngay đến bệnh viện để kiểm tra nguyên nhân (Ảnh: Internet) |
Những hình thức rung lắc này khiến bộ não còn non yếu của trẻ bị va đập ở bên trong. Nhìn thì có vẻ không sao, nhưng mức độ va đập lại tương tự người lớn bị chấn thương sọ não do tai nạn xe. Điều này có thể khiến trẻ phải đối mặt với 3 biến chứng cực kỳ nguy hiểm, bao gồm:
Bộ não của trẻ lúc này vẫn còn rất non yếu, được bao bọc trong dịch não tủy để tránh va đập với hộp sọ. Nhưng khi rung lắc mạnh, não có thể bị xô đi và đập vào hộp sọ, gây sưng hoặc khiến các mạch máu nhỏ bị phá hủy, làm giảm lượng oxy cung cấp cho não cũng như phá vỡ sự liên kết của những sợi dây thần kinh trong não.
Từ đây, trẻ có thể bị ảnh hưởng trí tuệ, chẳng hạn như: trì độn, phát triển kém trong các kỹ năng: nghe - nói, học tập, tư duy, ghi nhớ. Về già, trẻ cũng phải đối mặt với các biến chứng sa sút trí tuệ, lú lẫn, suy giảm nhận thức....
Không chi gây ra những biến chứng về trí tuệ, thói quen rung lắc khi bế còn khiến trẻ phải chịu cả ảnh hưởng về thị lực. Cụ thể, khii trẻ còn nhỏ, các tổ chức trong mắt lúc này là những mô mềm lỏng lẻo, nếu bị rung lắc đột ngột rất dễ bị tổn thương gây xuất huyết dịch kính, xuất huyết võng mạc, chấn thương nhãn cầu. Nặng có thể gây ra xuất huyết trong vỏ não làm tổn thương tới các đường dẫn truyền thần kinh thị giác.
Hội chứng rung lắc ở trẻ nhỏ có thể khiến trẻ bị giảm thị lực và mù lòa (Ảnh: Internet) |
Đối với trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi, lúc này phần cổ vẫn còn khá mềm và dễ bị tổn thương. Bất kỳ di chuyển mạnh nào trong giai đoạn này cũng có thể làm bé bị tổn thương, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Còn đối với trẻ từ 6 tháng tuổi, dù lúc này các bé đã bắt đầu có khả năng kiểm soát và nâng đỡ phần đầu của mình, nhưng những hoạt động như rung lắc, đung đưa hay tung hứng vẫn có thể dẫn đến nguy cơ gãy gập cổ nếu mẹ không đỡ tay đúng vị trí.
Cách tốt nhất để không xảy ra “hội chứng rung lắc” ở trẻ là hãy tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như: rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ; không bao giờ bế thốc ngược; không xốc vác trẻ gấp gáp; không tung hứng trẻ khi nô đùa với con; không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ. Những lúc bạn quá vui, quá giận, mất bình tĩnh dễ gây những động tác xốc lắc mạnh tay, hãy đưa sang cho người thân khác bế.
Xem thêm: Chuyên gia mách mẹo giúp trẻ tăng cân lành mạnh, không lo béo phì
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin