Lẩu là một món ăn cực ngon, bổ và rất được yêu thích bởi người Việt ta. Nhất là vào thời điểm đông lạnh như lúc này, có được một nồi lẩu ấm thì thật tuyệt vời. Tuy nhiên, lẩu sẽ trở thành món ăn hại sức khỏe nếu bạn không ghi nhớ 5 lưu ý này mỗi khi ăn.
Biết rằng để “đúng bài” và tăng thêm sự ngon miệng cho món lẩu thì không thể thiếu vắng bóng dáng của một cốc nước ngọt mát lạnh. Tuy nhiên, bạn có biết, các chuyên gia đã khuyến cáo rằng sự kết hợp này không hề hoàn hảo. Việc ăn lẩu nóng và uống ngay một hớp nước lạnh sau đó sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt, làm tăng nguy cơ viêm họng nghiêm trọng, đồng thời kích thích dạ dày co bóp, giảm tiết dịch tiêu hóa, gây cản trở quá trình tiêu hóa.
Chúng ta cần nên thay nước lẩu sau khi nước dùng được đun trên bếp hơn 60 phút, vì lúc này, các vitamin có trong thức ăn đã bị phân hủy, chất béo bị bão hòa nếu dung nạp vào cơ thể sẽ gây hại cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, nước lẩu đun lâu sẽ bị sắc lại, tiết ra vị mặn sau quá trình nhúng, nấu thực phẩm. Lúc này, lượng purin, chất béo, natri và dầu mỡ trong nước lẩu tăng lên sẽ làm tăng axit uric trong máu, gây ảnh hưởng xấu đến người bị bệnh gout.
Để không ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn nên thay nước lẩu mới sau khi dùng nước lẩu cũ trong 1 giờ đồng hồ (Ảnh: Internet)
Chúng ta thường chọn ăn lẩu để có thể ngồi được lâu, nhâm nhi và trò chuyện cùng bạn bè. Tuy nhiên, các bác sĩ đã chia sẻ rằng một bữa lẩu ngon và bổ khi được dùng trong vòng trên dưới một tiếng, khi này đồ ăn vẫn còn ngon, và giữ được các dưỡng chất. Nếu một nồi lẩu kéo dài quá 2 tiếng, đồ ăn sẽ bị mất chất và không còn ngon như ban đầu. Ngoài ra, ăn lẩu quá lâu sẽ gây áp lực lên hệ tiêu hóa của chúng ta. Thông thường bữa ăn hàng ngày chỉ kéo dài khoảng 30 phút, hệ tiêu hóa đã quen với nhịp sinh học đó. Nếu ngồi ăn lẩu kéo dài đến vài tiếng sẽ khiến hệ tiêu hóa hoạt động nhiều, có thể gây quá tải, rối loạn tiêu hóa
Chúng ta - đặc biệt là đàn ông khi ăn lẩu sẽ có thói quen nhúng thịt cho chín tái và ăn ngay, vì nghĩ nếu ăn như vậy thịt sẽ ngon, ngọt và giữ được nhiều chất hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc bạn ăn thịt chín tái, thậm chí là vẫn còn đỏ lại được xem là hành động “mở đường” cho các vi khuẩn và ký sinh trùng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, tấn công hệ tiêu hóa của chúng ta, gây ra tiêu chảy, nhiễm trùng hoặc các chứng bệnh nghiêm trọng khác.
Chính vì vậy, khi ăn lẩu, bạn phải ăn thực phẩm chín hẳn. Đối với thực phẩm như thịt đỏ thái mỏng, bạn cần nhúng trong nước lẩu hơn 1 phút, thực phẩm thái dày khác hay hải sản thì nên đun trong 5 phút rồi mới ăn. Và nồi lẩu cần sôi hẳn mới thêm đồ ăn vào vì lúc đấy sẽ chín nhanh mà thức ăn cũng dai, ngon hơn.
Ăn đồ tái, sống quá nhiều sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh tiêu hóa (Ảnh: Internet)
Tuy rằng được khuyên không nên ăn lẩu quá 2 tiếng đồng hồ, nhưng bạn cũng không cần ăn quá nhanh khi thức ăn vẫn còn nóng. Bạn có biết, một nồi lẩu khi đang sôi sẽ có nhiệt độ rất cao, có thể hơn 100 độ, vì vậy, nếu húp vội nước lẩu nóng hoặc ăn ngay thực phẩm chín khi vừa vớt ra thì bạn sẽ gặp nguy cơ bỏng vòm họng, bỏng thực quản, viêm niêm mạc miệng, loét dạ dày và loét đường tiêu hóa, đôi khi có thể gây hoại tử nếu trường hợp nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, nhai quá nhanh còn gây ra tình trạng mắc nghẹn, gây ra chứng ợ nóng, và tạo áp lực khiến dạ dày hoạt động vất vả hơn.
Lẩu có nhiều loại, rất ngon và bổ nếu ta ăn có tần suất hợp lý và đúng cách. Tuy nhiên, lẩu cũng có thể gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt với những nhóm đối tượng sau:
- Những người bị đau dạ dày, không nên ăn lẩu nhiều do các gia vị cay, nóng sẽ tác động khiến dạ dày bị đau trở lại.
- Phụ nữ đang mang bầu cũng không nên ăn quá nhiều, do lậu có quá nhiều loại gia vị vì không tốt cho thai nhi.
- Những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu, phong thấp nên hạn chế hoặc không nên ăn các loại lẩu nhiều đạm mỡ (lẩu hải sản, lẩu lòng...)
Trên đây là 5 lưu ý bạn nên ghi nhớ để có một nồi lẩu ngon và không gây hại cho sức khỏe. Mùa lẩu đang tới rồi, hãy áp dụng ngay các bạn nhé!
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin