Sáng nay bạn thức dậy có chóng mặt không? Nếu bạn cảm thấy mình yếu ớt, lờ đờ hoặc lâng lâng lúc đầu, bạn có thể đang băn khoăn liệu mình có nên lo lắng hay không.
Chóng mặt vào buổi sáng đôi khi là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất của chóng mặt vào buổi sáng mà bạn nên biết và cách khắc phục.
1. Bị mất nước
Bạn có thể thức dậy với những vòng quay trong đầu vì cơ thể cần thêm nước. Khi cơ thể không được cung cấp đủ chất lỏng, thể tích máu sẽ giảm và huyết áp giảm xuống. Kết quả là não không nhận đủ máu, và bạn sẽ cảm thấy chóng mặt.
![]() |
Mất nước và choáng váng vào buổi sáng đặc biệt phổ biến sau một đêm dài uống rượu. |
Mất nước và choáng váng vào buổi sáng đặc biệt phổ biến sau một đêm dài uống rượu.
Khắc phục: Để giảm chóng mặt do mất nước, bạn sẽ cần bổ sung chất lỏng, vì vậy hãy uống nhiều nước để giữ đủ nước. Và để ngăn ngừa vấn đề này trong tương lai, hãy uống rượu điều độ và thử xen kẽ mỗi loại đồ uống có cồn với một ly H2O.
2. Lượng đường trong máu thấp
Lượng đường trong máu thấp (còn được gọi là hạ đường huyết) cũng dẫn đến chóng mặt vào buổi sáng.
Khi cơ thể không có đủ glucose (là nguồn cung cấp nhiên liệu chính của cơ thể), hệ thống sẽ hoạt động chậm lại để tự bảo vệ, bao gồm cả não. Đó là lý do tại sao bạn thức dậy chóng mặt hoặc thậm chí hơi bối rối.
Khắc phục: Nếu đó là một sự cố cá biệt, bạn chỉ cần ăn hoặc uống thứ gì đó ngọt như một ly nước cam để giải quyết vấn đề. Nhưng lượng đường trong máu thấp cũng thường liên quan đến các bệnh lý như tiểu đường.
Vì vậy, nếu điều này xảy ra thường xuyên và bạn nghi ngờ mình bị hạ đường huyết, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để xác định chính xác vấn đề.
3. Sử dụng một số loại thuốc
Nếu bạn thức dậy chóng mặt và mất thăng bằng, đó có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc. Chẳng hạn một loại thuốc tăng huyết áp làm giảm huyết áp xuống quá thấp, gây ra cảm giác chóng mặt và buồn nôn. Ngoài ra, thuốc lợi tiểu cũng góp phần làm mất nước gây chóng mặt.
Khắc phục: Nếu bạn nghĩ rằng thuốc của mình đang gây ra chóng mặt, hãy nói chuyện với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc kê một loại thuốc khác.
4. Bước ra khỏi giường quá nhanh
Bước ra khỏi giường quá nhanh cũng khiến bạn cảm thấy chóng mặt. Điều này thường do hạ huyết áp thế đứng, huyết áp giảm đột ngột xảy ra khi một người đứng lên quá nhanh. Vấn đề này trở nên phổ biến hơn khi chúng ta già đi.
Khắc phục: Hãy dành thời gian chuẩn bị trước khi đứng dậy. Dần dần rời khỏi giường sẽ giúp cơ thể thích nghi với sự thay đổi vị trí và duy trì trạng thái ổn định. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người lớn tuổi, vì chóng mặt làm tăng nguy cơ té ngã.
![]() |
Bước ra khỏi giường quá nhanh cũng khiến bạn cảm thấy chóng mặt. |
5. Bị ngưng thở khi ngủ
Mặc dù chứng ngưng thở khi ngủ thường liên quan đến các triệu chứng như ngáy, nhưng nhiều người mắc chứng này - đặc trưng bởi hơi thở bất thường hoặc bị gián đoạn trong khi ngủ - cũng cho biết họ cảm thấy chóng mặt vào buổi sáng.
Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ khó thở hoặc thở hổn hển khi ngủ, điều này làm giảm mức oxy trong máu. Và khi não thiếu oxy trong đêm, bạn sẽ thức dậy với cảm giác uể oải.
Một số dấu hiệu khác của chứng ngư thở khi ngủ bao gồm: Thức dậy với miệng khô, khó ngủ, buồn ngủ ban ngày quá mức, khó chú ý khi tỉnh táo, nhức đầu buổi sáng, cáu gắt.
Khắc phục: Nếu bạn bị chóng mặt vào buổi sáng cùng với các triệu chứng ngưng thở khi ngủ khác, hãy nói chuyện với bác sĩ để có đánh giá và điều trị thích hợp.
Đôi khi bị chóng mặt vào buổi sáng có thể không sao và bạn chỉ cần thay đổi thói quen của mình. Tuy nhiên, nếu bạn đang bị chóng mặt tái phát, hãy đi khám bác sĩ. Điều này giúp đánh giá đúng tình trạng và giúp bạn giải quyết mọi vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin