Hợp tác quảng cáo

Thuốc đặt âm đạo, bạ đâu đặt đấy!

Thuốc đặt âm đạo vẫn được xem là “cứu cánh” khi các “cô bé” bị viêm nhiễm. Chính vì quan niệm sai lầm này và việc mua thuốc quá dễ dàng nên đã có nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Gần 90% phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh dục. Đó là con số mà Trung tâm Giải phẫu tế bào học - Bệnh viện Bạch Mai đưa ra sau khi khám trên 70.000 bà mẹ ở hơn 300 cộng đồng dân cư sinh sống tại cả ba miền đất nước. Nguồn nước bị ô nhiễm, quá bẩn và quá sạch, tuổi mãn kinh hay “chuốc họa” từ các đức lang quân… là những nguyên nhân gây viêm “vùng kín".

Nỗi khổ khó chia sẻ khiến một số chị em âm thầm ra hiệu thuốc mua các viên thuốc đặt về để tự điều trị. Họ không hiểu rằng, thuốc đặt có nhiều loại với cơ chế hoạt động và chức năng khác nhau.

Do đó, nguyên tắc quan trọng hàng đầu là khi nghi ngờ viêm nhiễm cần đến ngay các cơ sở y tế để làm các xét nghiệm (thông thường là xét nghiệm dịch tiết âm đạo, soi tươi, những xét nghiệm này dễ làm, ít tốn kém, các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đều có thể làm được). Chỉ khi xác định viêm nhiễm như thế nào mới được dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Các loại thuốc đặt âm đạo

Yêu cầu chung về thuốc đặt âm đạo là hoạt chất phải tan ra được, có tác dụng tại chỗ, giữ được môi trường âm đạo trong khoảng pH=3,5-4,5 và đặc biệt là không gây kích ứng âm đạo.

Có thể chia các loại thuốc đặt, thuốc chữa bệnh phụ khoa thành 3 nhóm cơ bản sau:

- Nhóm chứa hormone estrogen: Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, lượng estrogen giảm sút gây khô âm đạo, gây trở ngại cho sinh hoạt tình dục. Nhóm thuốc này làm niêm mạc âm đạo phát triển, có độ dày và mềm mại cần thiết, tiết ra dịch âm đạo, tạo hứng thú trong sinh hoạt vợ chồng. Nó còn tạo ra lượng glycogen dồi dào, làm cho vi khuẩn lactobacillus phát triển, tiết ra acid lactic giữ cho môi trường âm đạo có tính acid. Trong môi trường ấy, vi khuẩn có lợi phát triển, vi khuẩn có hại - vốn là tác nhân gây viêm nhiễm bị hạn chế.

- Nhóm chứa nhiều kháng sinh hay còn gọi là thuốc đặt đa năng: Viêm âm đạo có khi do nhiều loại vi khuẩn gây ra và không có biểu hiện đặc trưng gọi là viêm âm đạo không điển hình. Đây là lúc thích hợp dùng “một mũi tên mà trúng nhiều đích” này. Tuy nhiên, nhiều thầy thuốc khuyên không nên lạm dụng nhóm thuốc này.

- Nhóm chứa một kháng sinh: Khi đã xác định được đích thị một tác nhân gây bệnh nào đó thì nhóm thuốc này là lựa chọn số một. Chẳng hạn, “thủ phạm” là những con trùng roi đáng ghét thì thuốc trứng metronidazol 500mg sẽ tiêu diệt chúng ngay lập tức. Hoặc khi “cô bé” bị nấm candida thì đã có viên đặt clotrimazol.

Để thuốc đặt âm đạo phát huy tác dụng

Nhiều chị em không tuân thủ chỉ định của bác sĩ: sốt ruột muốn bệnh nhanh khỏi nên dùng tăng liều, hay tự tiện giảm liều do thiếu kiên trì, đặt thuốc sai kỹ thuật, kết hợp thêm thuốc khác… Tất cả những lý do đó làm giảm hiệu quả của thuốc khiến quá trình điều trị lâu dài và tốn kém thêm.

Liệu trình đặt thuốc dài hay ngắn tuỳ từng trường hợp, có thể kéo dài đến 3 tuần hoặc hơn. Điều này do bác sĩ quyết định và bạn nên tuân thủ, bởi đặt dài hay ngắn quá đều có thể gây nhờn thuốc. Việc dùng liều quá thấp, không đều đặn cũng dẫn đến hậu quả này.

Sau khi xong một liệu trình, nếu bệnh không khỏi, bạn nên đi khám. Bác sĩ sẽ phải xem xét bạn có bị loạn khuẩn âm đạo hay không và kê thuốc khác. Không nên tiếp tục mua thêm về dùng hay tự ý đổi thuốc vì điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến kết quả điều trị. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc sẽ làm mất cân bằng sinh thái hệ vi sinh, gây bội nhiễm các tác nhân gây bệnh khác. 

Có nhiều loại viên đặt chữa viêm âm đạo, việc sử dụng phải tùy thuộc yếu tố gây bệnh. Chẳng hạn, viên Canesten chữa viêm do vi nấm; Metronidazole chữa trùng roi; Colposeptine chữa các loại khí hư (trừ khí hư do bệnh lậu).

Khi chưa xác định rõ yếu tố gây bệnh, hoặc âm đạo viêm do nhiều nguyên nhân, bác sĩ có thể kê loại thuốc đa năng (chữa cả nấm, trùng roi hay vi khuẩn) như Lady-Gynax, Tergynan...

Bạn cần dùng đủ liều, trong khoảng 7-10 ngày, không nên quá 14 ngày. Khi đã dùng đúng mà không đáp ứng thì có thể thay thuốc khác. Hay khi bệnh nặng, dùng thuốc đặt không hiệu quả thì có thể kết hợp thêm thuốc uống (tất nhiên là phải tham khảo ý kiến của bác sĩ). T

rên thực tế, nhiều bệnh phải dùng kết hợp thuốc đặt, thuốc bôi, thuốc uống thì mới điều trị dứt điểm được. Các bác sĩ đều khuyên bạn nên tránh giao hợp trong thời gian dùng thuốc để việc điều trị có hiệu quả tuyệt đối.

Đặt thuốc thế nào?

- Với loại thuốc đặt có thể chất mềm chỉ cần đặt thẳng vào âm đạo, không cần thao tác gì. Với viên nén chuyên dùng để đặt âm đạo (như tergenan) vốn cứng, khó tan, trước tiên, cần làm ẩm bằng cách nhúng vào nước 20-30 giây hay đặt lên một miếng gạc sạch để làm ẩm. Sau đó mới đặt viên thuốc vào âm đạo.

- Cách đặt: Rửa sạch tay, kẹp viên thuốc giữa hai ngón tay đưa vào âm đạo, dùng ngón tay đẩy thuốc vào bên trong. Khi đặt cần ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, ngồi xổm hay đứng gác một chân lên ghế thấp. Có thể nhờ ông xã làm giúp công việc này.

- Thời gian đặt: Tốt nhất đặt vào buổi tối trước khi đi ngủ để giữ viên thuốc trong âm đạo. Còn nếu đặt vào ban ngày, có thể ngăn nó rơi ra bằng cách nhét một cục bông bên ngoài, sau đó đóng băng vệ sinh. Hiệu quả sẽ tốt hơn nếu bạn được nằm nghỉ khoảng 15 phút sau khi đặt.

Hoàng Huy

Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình - NXB Y học

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo