Hợp tác quảng cáo

Tiêu chảy cấp: cảnh báo không bao giờ thừa

(SKGĐ) Với tốc độ lay lan chóng mặt, dịch tiêu chảy cấp luôn là mối nguy gây hại cho sức khỏe cộng đồng. Vào thời điểm giao mùa hiện nay, bạn đã chọn được phương pháp nào để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi sự “dòm ngó” của căn bệnh này?!.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Năm ngày trước, sau khi tan sở, tôi tình cờ gặp lại người bạn cùng quê. Để tiện việc hàn huyên, chúng tôi dắt nhau vào quán ăn hải sản hè phố Trấn Vũ ngồi ăn. Tối hôm đó, về nhà bụng tôi có vấn đề. Cả đêm tôi không ngủ được vì phải viếng thăm cái toilet đến 5 lần. Sang ngày hôm sau tôi cũng chưa được yên thân khi liên tục bị đi ngoài tới cả chục lần. Tôi được biết, người bạn của mình cũng trong tình cảnh tương tự. Đoán mình có thể đã bị nhiễm dịch tiêu chảy, tôi được gia đình đưa ngay tới bệnh viện trong trạng thái mất nước khá nặng và phải liên tục truyền nước”- chị Loan, 41 tuổi, một bệnh nhân đang nằm điều trị bệnh tiêu chảy cấp ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội kể lại.

BS. Phạm Thanh Thủy (Phó trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, bệnh tiêu chảy cấp có thể tấn công mọi người ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt nhất là ở người già, trẻ em, người có sức đề kháng yếu, người đang phải chăm sóc người thân bị tiêu chảy cấp, người đang sinh sống trong nơi đang diễn ra dịch bệnh này.

Để nhận biết khi bị tiêu chảy cấp, BS. Phạm Thanh Thủy cho biết hiện có hai loại tiêu chảy: Tiêu chảy thường và tiêu chảy cấp.

- Tiêu chảy thường: là do bạn ăn uống phải loại thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn hay nhiễm hóa chất và không mang tính lây lan. Số lần đi đại tiện trong ngày từ 3-5 lần, và tình trạng đi ngoài không kéo dài quá lâu. Để hết bị chứng tiêu chảy này, bạn có thể uống thuốc berberlin hay các loại thuốc chữa tiêu chảy thông thường dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc kèm theo đó là uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất.

- Tiêu chảy cấp: là một dạng bệnh dễ mắc phải và rất nguy hiểm vì tính lan truyền của nó. Số lần bạn bị đi tiểu đại tiện tăng lên nhiều lần, số lượng phân ít, nát, lỏng, có màu như nước vo gạo… kèm theo các chất nhầy, có máu, người mệt mỏi, cơ thể mất nước một cách nhanh chóng dẫn tới rối loạn điện giải, cơ thể suy kiệt có thể dẫn tới tử vong.

Bệnh tiêu chảy cấp do đâu?

BS. Phạm Thanh Thủy cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tiêu chảy cấp, nhưng có thể kể một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Tả là 1 trong 3 bệnh tối nguy hiểm, thuộc diện kiểm dịch quốc tế (tả, dịch hạch và sốt vàng). Ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 2.000 người bị tiêu chảy cấp.

Đầu tiên là do bạn ăn phải các loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn tả, thức ăn còn chưa chín có chứa mầm bệnh...

Thứ hai là do các tác nhân lây qua đường tiêu hóa, phân của người mắc bệnh không được xử lí sạch sẽ, rất dễ lây lan ra cộng đồng. Vi khuẩn có thể dính vào chân, tay người đang chăm sóc người mang bệnh. Các mầm bệnh này sống trong cơ thể con người khá lâu, vì thế ngay cả khi người bệnh mang mầm bệnh đó nhưng lại không hề biết khi chưa có triệu chứng. Nhưng khi họ tiếp xúc với cá thể khác, các mầm bệnh này lại tiếp tục lây lan sang và ủ bệnh trong cơ thể những người đó. Khi gặp điều kiện thích hợp chúng sẽ bùng phát gây nên bệnh.

Thứ ba là do nguồn nước bạn sử dụng bị nhiễm khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, bệnh tiêu chảy cấp còn lây qua các con vật trung gian như ruồi, nhặng… chúng có thể mang hàng ngàn các mầm bệnh khác nhau và phát tán đi khắp nơi.  

Tiểu chảy cấp - phòng không khó

Với những bệnh dễ lây lan như tiêu chảy cấp, việc phòng bệnh là hết sức quan trọng. Để hạn chế sự lây lan của chúng, một số cách đơn giản sau có thể giúp bạn:

- Cách hữu hiệu nhất hiện nay là nên dùng vaccine phòng bệnh tả.

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống sôi, không ăn các thức ăn ôi thiu nhiểm khuẩn, các thực phẩm còn sống.

- Đảm bảo nguồn nước sinh hoạt luôn sạch sẽ, không vứt rác thải, xác súc vật xuống ao hồ. Nếu có điều kiện bạn có thể sát khuẩn nguồn nước bằng hóa chất cloramin B.

- Các loại rau củ quả dùng ăn tươi sống phải được rửa sạch, ngâm nước muối trước khi ăn.

- Nên vệ sinh thân thể thường xuyên, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Các thức ăn chín phải được bảo quản sạch sẽ, để nơi cao ráo thoáng mát, để tủ lạnh, đậy lồng bàn, tránh ruồi, muỗi.

- Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, không nên đi tiêu bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc cloramin B sau mỗi lần đi tiêu.

Linh Trần

Bài viết có sự tư vấn của BS. Phạm Thanh Thủy

Phó trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Sống tâm lý

Cho con

Giảm béo