Con trẻ được cao lớn, khỏe mạnh là điều mà cha mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, dù đã bổ sung đủ canxi cho trẻ nhưng tình trạng thấp còi vẫn không suy chuyển. Theo các chuyên gia sức khỏe, rất có thể là mẹ đã mắc phải 3 sai lầm sau đây dẫn đến tình trạng này.
Để trẻ có thể phát triển toàn diện trong những năm tháng đầu đời, canxi luôn là yếu tố mà các mẹ không thể nào bỏ quên. Nhiều mẹ thường lầm tưởng là canxi chỉ hỗ trợ cho chiều cao, nhưng thực tế, canxi còn có thể quyết định về độ cứng cáp của xương và khả năng phát triển của trẻ trong tương lai. Nếu trẻ bị thiếu hụt canxi, nguy cơ cao phải đối mặt với các tình trạng như chậm lớn, còi xương, biếng ăn, dễ té ngã, lười vận động, dễ bị mồ hôi trộm,...
Ngoài ra, canxi còn được nhận định là có thể phòng chống cách bệnh lý tim mạch và ngăn ngừa ung thư, hỗ trợ sự co cơ, hạn chế nguy cơ sỏi thận và tình trạng tăng huyết áp. Việc thiếu hụt canxi có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý này hơn trong tương lai.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mẹ nên bổ sung đúng hàm lượng canxi cho trẻ theo từng khung tuổi sau đây, giúp trẻ cao lớn và cứng cáp:
- Trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi cần 300 - 400mg canxi/ ngày - Trẻ từ 1 - 6 tuổi cần 400 - 600mg canxi/ ngày
- trẻ từ 7 - 10 tuổi cần 700 - 1000mg canxi/ ngày
- Trẻ từ 11 tuổi trở lên cần 1200mg canxi/ ngày
Đáp ứng đủ nhu cầu canxi mỗi ngày cho trẻ là một việc làm cực kỳ quan trọng, giúp trẻ phát triển toàn diện, cao lớn hơn khi trưởng thành (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, nếu mẹ bổ sung đủ canxi cho trẻ mỗi ngày nhưng trẻ vẫn gặp tình trạng còi cọc, thấp lùn, mỗi tháng chiều cao không phát triển đạt chuẩn, thì tức là đã có vấn đề ở đâu đó mà mẹ không biết hoặc không chú ý đến. Theo chia sẻ của các bác sĩ nhi khoa, tình trạng này cũng rất phổ biến, thường bắt nguồn bởi 3 sai lầm mà khá nhiều mẹ hay mắc phải. Nếu thấy con mình đang gặp phải vấn đề này, mẹ nên kiểm tra lại xem là mình có đang bị phải 3 sai lầm này không nhé.
Nhiều mẹ cho rằng, canxi là quan trọng nhất nên chỉ cần nạp mỗi canxi cho trẻ thì trẻ sẽ cao lớn, khỏe mạnh. Chuyên gia dinh dưỡng khẳng định, đây là sai lầm mà nhiều mẹ mắc phải nhất.
Trên thực tế, quá trình phát triển khung xương của trẻ (bao gồm các bộ phận như: xương ống, xương chân, xương trục, xương sống,... ) phải phụ thuộc rất nhiều vào các chất dinh dưỡng khác chứ không riêng canxi. Cụ thể, trẻ sẽ cần đến 40 dưỡng chất khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn sẽ là: canxi, vitamin D, protein, magie và kẽm. Vì thế, việc bổ sung quá nhiều canxi nhưng lại thiếu hụt những dưỡng chất khác sẽ làm phản tác dụng vốn có của canxi, gây cản trở trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển xương, từ đó gây ra hiện tượng thấp còi ở trẻ.
Điều lưu ý thứ nhất mẹ cần ghi nhớ: các chất dinh dưỡng phải được cân đối, hài hoà trong mỗi bữa ăn của trẻ (Ảnh: Internet)
- Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi hiện đang phụ thuộc chủ yếu vào sữa: nếu trẻ bú mẹ thì mẹ cần nạp đủ các chất dinh dưỡng, ăn đa dạng thực phẩm gồm: thịt, cá, trứng, sữa, gan động vật,... để tăng hàm lượng dưỡng chất cần thiết bên trong sữa, có thể bổ sung thêm bằng các viên uống tổng hợp (cần sự hướng dẫn của bác sĩ). Trong trường hợp trẻ uống sữa công thức, mẹ có thể bổ sung các loại siro lỏng như kẽm, D3K2 và cũng nên hỏi trước ý kiến bác sĩ - vì thực tế thì trong sữa đã có đủ hàm lượng dưỡng chất mà trẻ cần.
- Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên đã có thể ăn các loại thực phẩm: mẹ có thể tự tìm hiểu trên mạng hoặc hỏi ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng về một thực đơn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ, nhưng hãy nhớ tăng cường nhiều hơn các loại thực phẩm tốt cho xương sau đây, bên cạnh canxi:
1. Vitamin D: có nhiều trong dầu cá, trứng, sữa, bơ, gan cá và ánh sáng mặt trời. Cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời hàng ngày, vì đây được xem là nguồn vitamin D tự nhiên nhất, giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa canxi giúp xương chắc khỏe.
2. Protein: có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa, hải sản, rau củ quả, và các loại hạt. Protein có thể giúp tăng chiều cao bằng cách xây dựng các mô khác nhau, ngoài ra còn giúp duy trì xương, cơ, mô, cơ quan, da và răng khỏe mạnh, do bên trong protein có chứa một số axit amin nhất định - giúp sản sinh ra nhiều hormone tăng trưởng.
3. Kẽm: có chủ yếu ở đậu, trứng, ngũ cốc tăng cường, sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt gia cầm, thịt đỏ, cá, hải sản và ngũ cốc nguyên hạt. Kẽm cũng là một khoáng chất thiết yếu cần thiết cho sự phát triển bình thường của xương, thúc đẩy quá trình tái tạo xương.
4. Magie: dễ tìm thấy ở các loại thực phẩm như: rau lá xanh, các loại đậu, sữa, sữa chua và các sản phẩm từ sữa, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt,... Bổ sung đủ lượng magie cho cơ thể sẽ giảm các nguy cơ gãy xương và loãng xương.
Nhiều mẹ thường bỏ qua các dấu hiệu đau nhức ở trẻ hoặc chỉ đơn giản là thoa dầu, bóp chân cho trẻ cảm thấy đỡ hơn, vì đa số phụ huynh đều cho rằng trẻ bị như vậy là do chạy nhảy/ vận động quá mức hoặc vui chơi bị va quẹt, té ngã. Các chuyên gia khẳng định, xuất hiện tình trạng đau nhức xương khớp ở trẻ là một dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm.
Khi mẹ bổ sung quá nhiều canxi cho trẻ nhưng lại thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng khác (được đề cập ở sai lầm đầu tiên), thì bên cạnh hậu quả thấp còi, trẻ còn dễ bị đau nhức xương khớp. Nguyên nhân là do sự dư thừa canxi gây ra tình trạng xương tăng trưởng quá mức, nhưng cơ thể không có đủ chất dinh dưỡng để đáp ứng tình trạng tăng trưởng này, dẫn đến vôi hoá xương cùng một số rối loạn khác trong hệ xương như đau xương và khớp, giảm chiều cao, biến dạng cột sống và gù. Nếu để hiện tượng này kéo dài, thì xương của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nói chung, khi thấy trẻ liên tục than đau nhức dù không phải do tác động từ bên ngoài, tần suất kéo dài liên tục từ 5 - 7 ngày thì mẹ phải đưa trẻ đi khám ngay, nhằm tìm ra nguyên nhân chính xác và điều trị sớm, tránh mọi nguy cơ đe dọa đến việc phát triển của trẻ.
Điều lưu ý thứ hai mẹ cần ghi nhớ: tuyệt đối không chủ quan với bất kỳ dấu hiệu đau nhức xương nào của trẻ (Ảnh: Internet)
Có nhiều mẹ thường kỳ vọng trẻ sẽ mau cao lớn, khỏe mạnh nên đã chủ động đăng ký một số bộ môn thể thao để con mình luyện tập. Đương nhiên, đây là điều đáng khuyến khích vì thường xuyên vận động sẽ thúc đẩy quá trình phát triển xương. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự hiệu quả nếu thời gian luyện tập hợp lý và khoa học.
Các chuyên gia khẳng định, ép trẻ tập luyện quá 90 phút mỗi buổi có thể gây stress cho cơ thể và tạo áp lực lên khung xương, khiến xương khó phát triển, dẫn đến hiện tượng trẻ thấp còi dù vận động thường xuyên. Tần suất hợp lý nhất cho việc vận động của trẻ trong giai đoạn phát triển xương đó là 3 - 5 buổi một tuần, với thời lượng tập khoảng 30 phút mỗi buổi.
Điều lưu ý thứ ba mẹ cần ghi nhớ: không ép trẻ vận động quá mức nhằm tránh tạo áp lực lên xương (Ảnh: Internet)
Trên đây là ba sai lầm mà có nhiều mẹ thường mắc phải, khiến trẻ vẫn bị thấp còi dù đã bổ sung đủ canxi. Các chuyên gia sức khỏe nhắc nhở, bên cạnh việc bổ sung đủ canxi, mẹ cần có kế hoạch để cân bằng các chất dinh dưỡng khác, kết hợp với chế độ sinh hoạt, vận động hợp lý cho trẻ sẽ giúp trẻ phát triển xương hiệu quả hơn.
Xem thêm: Vì sao lại nói: Hệ tiêu hoá khoẻ mạnh là chìa khóa giúp cơ thể tránh xa bệnh tật?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin