(SKGĐ) Đau họng là vấn đề thường gặp và bị cho là chuyện nhỏ, rất dễ khỏi. Nhưng đừng tưởng khỏi đau họng rồi thì bạn an toàn.
Từ đau họng đến sưng khớp, tổn thương tim
Chị Nguyễn Thanh thấy đau họng khi nắng nóng ngột ngạt kéo dài. Người chị nóng sốt khó chịu nhưng nghĩ bệnh không có gì nghiêm trọng nên chị mua thuốc về uống. Ba ngày sau chị thấy hết đau họng và đi làm bình thường. Nhưng 3 tuần sau thì thấy khớp gối, tay sưng to, nóng đỏ nên chị rất hoang mang. Sau khi khám, bác sĩ kết luận chị bị thấp khớp có nguy cơ ảnh hưởng vào tim.
Khi đi khám bệnh, chị mới biết rằng có nhiều người lớn và trẻ em đã bị sưng tấy khớp như chị, không điều trị kịp thời nên biến chứng thành thấp tim. Có người đã bị tổn thương tim vĩnh viễn.
Ảnh minh họa |
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Viện Tim mạch Quốc gia đánh giá thấp tim và bệnh tim do thấp đang là nguyên nhân chính gây bệnh tim ở trẻ em và người trẻ tuổi ở nước ta. Điều đáng nói là nguyên nhân gây bệnh thường xuất phát từ tình trạng rất đơn giản là viêm họng. Có rất nhiều loại virus hoặc vi trùng gây viêm họng nhưng nếu bị bệnh do vi khuẩn liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A thì rất dễ bị biến chứng thấp khớp cấp hay còn gọi là bệnh thấp tim.
Khoảng 30% viêm họng do liên cầu khuẩn bê ta nhóm A và 3% trong số này không được điều trị triệt để nên tiến triển thành thấp tim. |
Loại liên cầu khuẩn này có thể tồn tại ngay trong họng những người khỏe mạnh, khi gặp một điều kiện nào đó thì gây viêm họng và sau đó một số người mắc bệnh thấp tim. Tuy nhiên, liên cầu khuẩn này không gây tổn thương trực tiếp tim mà thông qua cơ chế miễn dịch. Khi có vật lạ xâm nhập vào cơ thể, lập tức hệ miễn dịch của cơ thể kích hoạt, sản xuất ra các chất chống lại các vật lạ này.
Khi liên cầu khuẩn A nêu trên gây viêm họng, cơ thể sản xuất ra nhiều loại kháng thể chống lại, trong đó có kháng thể ASO (Anti Streptolysin O). Kháng thể ASO ngoài việc tấn công vào vi khuẩn gây bệnh, chúng còn tấn công các mô của cơ tim, khớp do ASO không phân biệt được đâu là kháng nguyên vi khuẩn đâu là mô tim, khớp.
Thông thường, bạn sẽ khỏi triệu chứng viêm họng sau 304 ngày, kể cả không điều trị. Và đến khoảng 15-30 ngày sau, bạn mới có thể thấy xuất hiện biến chứng khớp, tim. Chính vì vậy rất nhiều người (đôi khi có cả bác sĩ) nghĩ rằng bệnh tim mà bệnh nhân mắc phải là do yếu tố khác, chứ không ngờ tới từ đợt viêm họng gần đó.
Cẩn thận lây lan
Khi đã Bị thấp tim thì bệnh tiến triển theo hướng rất xấu. Trong giai đoạn cấp, bệnh nhân có thể có triệu chứng viêm cơ tim cấp, rối loạn nhịp... có thể kèm các triệu chứng khác ở da, khớp, thần kinh.
Tránh lây lan liên cầu A Bạn nên che miệng khi ho, hắt hơi khi bị viêm họng, không dùng chung đồ. Bạn cũng nên rửa tay thường xuyên, nhất là khi xác định ở xung quanh có người bị nhiễm liên cầu A. Nếu đã xác định bị liên cầu A thì cần thay bàn chải đánh răng để tránh tái phát bệnh. |
Về lâu bệnh nhân có thể bị tổn thương van tim (các lá van dày lên, xơ cứng, vôi hoá; các mép van có thể bị dày, dính) đưa đến bệnh nguy hiểm như hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ… Có những trường hợp sẽ bị suy tim, bệnh nhân gần như tàn phế.
Khi bị thấp tim, bệnh nhân trẻ tuổi thường dễ bị tái phát. Do đó bạn cần phải phòng ngừa bằng việc giữ cổ họng, tránh dùng nước lạnh, tránh để cổ lạnh, thường xuyên súc miệng nước muối sinh lý mỗi ngày 2 lần. Khi bác sĩ đã đưa ra phác đồ điều trị định kỳ bằng kháng sinh thì bệnh nhân cần thực hiện đầy đủ.
Một điều đáng nói nữa là viêm họng do khuẩn liên cầu A thì có thể lây truyền từ người sang người. Vi khuẩn này có thể lây qua không khí khi người bệnh hắt hơi, ho, lây khi cùng chia sẻ thức ăn, nước uống
Nhận biết viêm họng do liên cầu A Khi cảm lạnh, cúm bạn cũng dễ viêm đau họng. Nhưng nếu đau họng mà không có triệu chứng cúm, cảm (sổ mũi, chảy nước mũi) thì cần nghi ngờ bị nhiễm khuẩn A. - Đau họng kèm sưng hạch ở cổ. - Phát ban, sốt cao - Nhìn vào vùng amidan thấy có những đốm màng trắng. - Đau họng dữ dội hơn các cơn đau họng thông thường do virus trước đó. Đau kéo dài hơn 5 ngày. Nếu khi ngờ bị viêm họng liên cầu A, bạn nên đến cơ sở y tế để khám, làm xét nghiệm và có phác đồ điều trị triệt để. Điều trị đúng, bệnh sẽ không nguy hiểm. Sau khi khỏi đau họng (kể cả là 1 tháng sau) mà bạn thấy có những biểu hiện bất thường ở khớp: sưng các khớp to (gối, khuỷu…) thì cần đến để điều trị sớm, tránh biến chứng vào tim. |
Tường Linh