Dựa trên thống kê từ nhiều tổ chức y tế lớn cho thấy, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ đang gia tăng rất nhanh. Xét theo các yếu tố gây nên, các chuyên gia sức khỏe nhận thấy nhóm người trẻ bị đột quỵ đều có điểm chung là thường xuyên tiêu thụ 3 loại thực phẩm sau đây.
Theo thống kê từ Tổ chức Đột quỵ Hoa Kỳ vào năm 2019, tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ đã tăng đến hơn 44% trong khoảng 10 năm gần đây. Trong đó có khoảng 15% tỷ lệ bệnh nhân trẻ đột quỵ hàng năm thuộc độ tuổi từ 18 tuổi đến 50 tuổi.
Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ đột quỵ đã có xu hướng tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, đáng chú ý là số lượng ca bệnh ở nam giới cao gấp 4 lần so với nữ giới (Ảnh: Internet)
Theo y văn, đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn hoặc có một mạch máu trong não bị vỡ. Khi đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não bị giảm đáng kể. Trong vòng vài phút, các tế bào não bắt đầu chết dần và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ gia tăng đã đánh một hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ về lối sống thiếu lành mạnh của nhiều người trong xã hội ngày nay. Theo lời của các chuyên gia sức khỏe, nguyên nhân phần lớn được thống kê khiến người trẻ bị đột quỵ nhiều như hiện nay là thói quen ăn uống không khoa học, tiêu thụ nhiều thực phẩm “rác” - và đơn cử là 3 món khoái khẩu của nhiều người sau đây:
Thức ăn nhanh như hamburger, pizza, khoai tây chiên và gà rán thường chứa nhiều chất béo chuyển hóa, cholesterol và muối. Những thành phần này có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, một tình trạng mà các mảng bám tích tụ trong động mạch, làm hẹp lòng động mạch và hạn chế lưu thông máu. Khi các mảng bám này vỡ ra, chúng có thể gây tắc nghẽn dòng máu đến não, dẫn đến đột quỵ. Thêm vào đó, lượng muối cao trong thức ăn nhanh còn làm tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ.
Thức ăn nhanh được WHO xếp vào nhóm thức ăn cần hạn chế do những nguy cơ sức khỏe mà nó gây ra (Ảnh: Internet)
Các loại thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt nguội, và đồ hộp chứa nhiều muối, chất bảo quản và các hóa chất phụ gia khác. Hàm lượng muối cao trong những thực phẩm này không chỉ gây tăng huyết áp mà còn góp phần vào việc phát triển các bệnh tim mạch. Việc tiêu thụ thường xuyên thực phẩm chế biến sẵn làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và đột quỵ. Hơn nữa, các chất béo chuyển hóa thường có trong những sản phẩm này cũng gây hại cho sức khỏe tim mạch và mạch máu.
Các loại bánh ngọt, kẹo, nước ngọt có gas và các loại nước ép đóng chai chứa nhiều đường đơn giản, có thể làm tăng mức đường huyết và dẫn đến tình trạng kháng insulin. Việc tiêu thụ quá nhiều đường làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường loại 2, và các bệnh tim mạch, tất cả đều là các yếu tố nguy cơ cao của đột quỵ. Đường cũng có thể gây viêm mạch máu, làm tổn thương các thành mạch và góp phần vào sự hình thành các cục máu đông.
Việc hạn chế các món ăn trên và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, và protein từ thực vật có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Xem thêm: Đổ mồ hôi liên tục ngay cả khi ở phòng máy lạnh, cơ thể bạn đang cảnh báo điều gì?
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin