Trong năm 2024, tình trạng sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia nhiệt đới như Việt Nam. Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm, do đó, mọi người nên chủ động phòng ngừa bằng 5 quy tắc sau đây.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2024 đến thời điểm hiện tại, số ca mắc sốt xuất huyết tại Việt Nam đã tăng đáng kể so với năm trước, với hơn 41.905 trường hợp mắc được ghi nhận trên cả nước (trong đó 5 ca tử vong).
Các chuyên gia y tế nhận định rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng này là do biến đổi khí hậu khiến mùa mưa kéo dài hơn, cùng với việc ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường và việc không xử lý triệt để các ổ nước tù đọng cũng góp phần vào sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết.
Theo Bộ Y tế, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt, vật chủ truyền bệnh thường là muỗi Aedes (muỗi vằn).
Virus Dengue có thể gây ra 4 tuýp gây bệnh, được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Mỗi người khi mắc bệnh bởi tuýp nào thì miễn dịch được tạo thành sau khi khỏi bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với tuýp đó, do đó bệnh sốt xuất huyết có thể xuất hiện lại lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những tuýp khác.
Muỗi Aedes là vật trung gian của virus Dengue gây ra bệnh sốt xuất huyết ( Nguồn: internet)
Triệu chứng nhẹ cho căn bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra tại phần lớn người mới mắc bệnh lần đầu do cơ thể chưa có miễn dịch với bệnh và không có biến chứng. Người bệnh thường bị sốt trong vòng 4 - 7 ngày, sốt cao lên đến 40.5 độ C, đau khớp, cơ và phía sau mắt, buồn nôn và ói mửa, phát ban trong vòng 3 - 4 ngày và giảm sau 1 - 2 ngày.
Triệu chứng nặng sẽ bao gồm các dấu hiệu như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng), kèm theo đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Hội chứng sốc Dengue được xem thể bệnh nghiêm trọng nhất đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Dấu hiệu của bệnh bao gồm tất cả những triệu chứng kể trên, đồng thời làm xuất hiện thêm tình trạng xuất huyết nặng và tụt huyết áp, ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều. Trường hợp này nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Sốt xuất huyết không "kén" người mắc bệnh - đồng nghĩa là ai cũng có thể gặp phải vấn đề này. Tuy nhiên, nhóm nguy cơ như trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ đang mang thai và người có hệ miễn dịch yếu kém nếu bị sốt xuất huyết sẽ dễ đối mặt với tình trạng nặng hơn. Vì vậy, mọi người, nhất là những có gia đình có người thân thuộc nhóm nguy cơ cao cần chủ động phòng ngừa 4 quy tắc quan trọng - được Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện như sau:
Các chuyên gia sức khỏe nhấn mạnh, đây là biện pháp phòng bệnh hàng đầu, bởi muỗi Aedes thường sinh sản trong các vũng nước đọng, hồ nước nhỏ hoặc bất kỳ nơi nào có nước tù đọng trong môi trường sống của con người.
Việc loại bỏ các nơi muỗi có thể đẻ trứng như các bể nước không đậy nắp, vỏ lon, lốp xe cũ hay các vật dụng chứa nước khác xung quanh nhà là vô cùng quan trọng (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, người dân nên thường xuyên thả cá vào các bể nước, dọn dẹp môi trường xung quanh và sử dụng hóa chất diệt lăng quăng theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Theo đó, muỗi Aedes thường hoạt động mạnh vào ban ngày, đặc biệt là vào lúc sáng sớm và chiều tối. Vì vậy, việc mặc quần áo dài tay, sử dụng kem chống muỗi, và ngủ màn kể cả ban ngày là những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu nguy cơ bị muỗi đốt.
Đối với trẻ em và người già - những đối tượng dễ bị muỗi tấn công, việc trang bị các biện pháp phòng ngừa càng cần thiết hơn.
Việc dọn dẹp vệ sinh xung quanh nơi ở, phát quang bụi rậm và các khu vực có nhiều cây cối um tùm, nơi chứa nhiều rác và các đồ dùng bỏ đi (địa điểm tốt để muỗi sinh sản) là cách đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn chặn sự phát triển của muỗi.
Ngoài ra, người dân cũng cần đảm bảo thoát nước tốt tại các khu vực xung quanh nhà, tránh tình trạng nước đọng kéo dài. Các khu vực công cộng như trường học, cơ quan, nhà máy cũng cần được duy trì vệ sinh sạch sẽ để tránh trở thành nơi trú ngụ của muỗi.
Trong những thời điểm dịch bệnh bùng phát cao như hiện tại, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng sẽ thường tổ chức các đợt phun hóa chất diệt muỗi diện rộng. Người dân cần phối hợp chặt chẽ, tuân thủ các hướng dẫn của đội ngũ y tế và tích cực tham gia để đảm bảo muỗi bị tiêu diệt tận gốc.
|
Việc phun thuốc không chỉ giúp giảm số lượng muỗi trưởng thành mà còn tiêu diệt trứng và lăng quăng, từ đó hạn chế sự lây lan của dịch bệnh (Ảnh: Internet)
Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết ngày càng trở nên nguy hiểm và phức tạp, việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là nghĩa vụ đối với cộng đồng. Hy vọng rằng, với sự chung tay của toàn xã hội, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ được kiểm soát và đẩy lùi, giúp bảo vệ sức khỏe cho mỗi người dân và cả cộng đồng.
Xem thêm: 10 thức uống tự nhiên giàu collagen giúp bạn kéo dài tuổi thanh xuân
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin