Nếu mọi người để ý đều sẽ nhận thấy rằng, khi chúng ta càng lớn tuổi thì việc chìm vào giấc ngủ sẽ khó khăn hơn, và sẽ thức giấc sớm hơn so với khi còn trẻ. Điều này là chứng minh cho thấy, giữa tuổi tác và giấc ngủ có sự liên quan mật thiết đến nhau.
Những người lớn tuổi thường sẽ dễ gặp các vấn đề liên quan đến giấc ngủ hơn, chẳng hạn như: trằn trọc khó đi vào giấc ngủ, thức giấc sớm so với lúc trước, giấc ngủ ngắn - ngắt quãng,... Các nhà nghiên cứu nhận định, sự lão hóa trong cơ thể và tuổi tác tăng cao cũng là một tác nhân có ảnh hưởng đến giấc ngủ, trong đó có 3 nguyên nhân lớn phổ biến sau đây.
Người lớn tuổi thường đối mặt với các vấn đề về giấc ngủ, một phần là do nhịp sinh học trong cơ thể cũng đang bị xáo trộn. Dựa trên các nghiên cứu, nhịp sinh học của mỗi con người được tạo bởi hơn 20.000 tế bào của "vùng dưới đồi", thường được gọi là SCN (suprachiasmatic nucleus - nhân trên chéo - một cấu trúc thần kinh trong não). Các SCN kiểm soát chu kỳ 24 giờ hàng ngày trong cơ thể. Những nhịp sinh học này ảnh hưởng đến thời điểm con người cảm thấy đói, thời điểm cơ thể giải phóng một số hormone nhất định và khi con người cảm thấy buồn ngủ hoặc tỉnh táo.
Khi con người già đi, giấc ngủ của họ thay đổi là do sự lão hóa của các SCN lão hóa, làm gián đoạn nhịp sinh học, ảnh hưởng trực tiếp đến thời điểm con người cảm thấy mệt mỏi và tỉnh táo.
Một phần là vì các SCN nhận thông tin từ mắt và ánh sáng - một trong những tín hiệu mạnh mẽ nhất để duy trì nhịp sinh học. Thật không may, nghiên cứu cho thấy nhiều người lớn tuổi không được tiếp xúc đầy đủ với ánh sáng ban ngày, trung bình khoảng một giờ mỗi ngày.
Những thay đổi trong quá trình sản xuất hormone, chẳng hạn như melatonin và cortisol, cũng có thể đóng vai trò gây gián đoạn giấc ngủ ở người lớn tuổi. Khi con người già đi, cơ thể tiết ra ít melatonin hơn, đây vốn là một loại hormone thường được sản xuất khi trời tối và giúp thúc đẩy giấc ngủ bằng cách điều phối nhịp sinh học.
Sự xáo trộn của nhịp sinh học khiến người cao tuổi thường gặp tình trạng khó ngủ, và khi ngủ thì sẽ thức giấc rất sớm (Ảnh: Internet)
Càng về già, sức khỏe và các cơ quan trong cơ thể cũng xuống cấp nghiêm trọng. Điều này khiến người lớn tuổi phải đối mặt với nhiều mối nguy bệnh tật có liên quan đến cả thể chất (chẳng hạn như các bệnh mãn tính có thể gây ra các cơn đau hoặc tình trạng khó chịu như: viêm khớp, suy thận, tim mạch, tiểu đường, dạ dày,... ) hay tinh thần (trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng mãn tính,... ).
Khi sức khỏe kém và mắc nhiều căn bệnh cùng lúc, người cao tuổi đôi khi cũng phải chịu đựng nhiều triệu chứng của bệnh cùng lúc, điều này phần nào gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ, khiến chất lượng giấc ngủ kém và gặp các triệu chứng rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra, đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe cũng đồng nghĩa với việc người cao tuổi phải uống nhiều loại thuốc khác nhau. Dựa theo nhiều nghiên cứu, gần 40% người lớn trên 65 tuổi dùng năm loại thuốc trở lên.
Nhiều loại thuốc kê đơn và không kê đơn có thể góp phần gây ra các vấn đề về giấc ngủ. Sự tương tác của nhiều loại thuốc cũng có thể gây ra những tác dụng không lường trước được đối với giấc ngủ (Ảnh: Internet)
Chất lượng giấc ngủ kém ở người lớn tuổi có thể liên quan đến những thay đổi trong lối sống thường đi kèm với quá trình lão hóa. Ví dụ, việc nghỉ hưu có thể dẫn đến lịch trình ngủ - thức ít có cấu trúc hơn. Những thay đổi quan trọng khác trong cuộc sống, chẳng hạn như mất tính độc lập và cô lập với xã hội, có thể làm tăng căng thẳng và lo lắng, điều này cũng có thể góp phần gây ra các vấn đề về giấc ngủ.
Mặt khác, có nhiều thời gian trống trong ngày khiến người già tập trung cho giấc ngủ trưa hơn. Nghiên cứu ước tính khoảng 25% người lớn tuổi ngủ trưa, so với khoảng 8% người trẻ tuổi. Trong khi một số chuyên gia cho rằng một giấc ngủ ngắn vào ban ngày có thể có lợi, nhiều người đồng ý rằng việc ngủ trưa kéo dài và ngủ muộn hơn trong ngày có thể khiến bạn khó ngủ hơn khi đi ngủ và gây gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lớn tuổi có thể thực hiện các bước để cải thiện giấc ngủ của họ. Các bước này thường liên quan đến việc tập trung vào việc cải thiện vệ sinh giấc ngủ và phát triển các thói quen khuyến khích giấc ngủ chất lượng.
- Tập thể dục: những người lớn tuổi tập thể dục thường xuyên sẽ ngủ nhanh hơn, ngủ lâu hơn và có chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Tập thể dục là một trong những điều tốt nhất mà người lớn tuổi có thể làm để cải thiện sức khỏe của mình (Ảnh: Internet)
- Giảm phiền nhiễu trong phòng ngủ: tivi, điện thoại thông minh và đèn sáng có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn. Để tivi ở phòng khác và cố gắng đừng ngủ khi đang bật tivi. Di chuyển các thiết bị điện tử ra khỏi phòng ngủ và dành phòng ngủ chỉ để ngủ và quan hệ tình dục.
- Tránh các chất cản trở giấc ngủ: các chất như rượu, thuốc lá, caffeine và thậm chí cả những bữa ăn thịnh soạn vào cuối ngày có thể khiến giấc ngủ trở nên khó khăn hơn. Hãy cân nhắc việc bỏ hút thuốc, giảm lượng caffeine và ăn tối ít nhất 4 giờ trước khi đi ngủ.
- Giữ lịch trình ngủ đều đặn: lão hóa có thể khiến việc phục hồi sau khi mất ngủ trở nên khó khăn hơn. Tránh thay đổi đột ngột lịch trình giấc ngủ. Điều này có nghĩa là bạn phải đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày và cẩn thận không nên ngủ trưa quá lâu hoặc quá gần giờ đi ngủ.
- Xây dựng thói quen đi ngủ: tìm các hoạt động giúp bạn thư giãn trước khi đi ngủ. Nhiều người lớn tuổi thích tắm nước ấm, đọc sách hoặc tìm chút thời gian yên tĩnh trước khi đi ngủ.
Xem thêm: Cảnh báo đến dân văn phòng, ngồi quá 8 tiếng có thể đối mặt nguy cơ đột tử đến 50%
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin