Viêm ruột thừa có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào. Nếu không được phẫu thuật cắt bỏ kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Viêm ruột thừa là gì?
Viêm ruột thừa là một loại tình trạng cấp cứu ngoại khoa thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nếu được phát hiện sớm thì việc phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa tương đối đơn giản và ít nguy hiểm.
Viêm ruột thừa khá phổ biến và có thể gặp ở mọi lứa tuổi
Tuy nhiên, không ít trường hợp vì phát hiện muộn hoặc do nhầm lẫn dấu hiệu với bệnh khác, dẫn tới điều trị viêm ruột thừa muộn, phần ruột thừa bị vỡ, gây áp xe hoặc nhiễm khuẩn dẫn tới tử vong.
Ngày nay để chẩn đoán viêm ruột thừa chủ yếu vẫn dựa vào lâm sàng. Do đó, nhiều trường hợp được chẩn đoán viêm ruột thừa còn muộn, khi đã xuất hiện biến chứng, bởi viêm ruột thừa có nhiều thể lâm sàng khác nhau, khó chẩn đoán.
Ruột thừa bị viêm khi nào?
Ruột thừa là một túi nhỏ có dạng hình ngón tay, nằm ở phía dưới bên phải của bụng. Mặc dù không có vai trò thiết yếu với cơ thể, tuy nhiên nó có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nếu không may bị viêm.
Bệnh viêm ruột thừa có thể xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em. Bệnh không lây lan cũng không di truyền.
Viêm ruột thừa khó xác định nguyên nhân rõ ràng. Bởi có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới bệnh viêm ruột thừa. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu thường do lỗ thông giữa ruột thừa và ruột già bị tắc nghẽn.
Tình trạng tắc nghẽn lỗ thông thường do quá trình phân đi từ ruột xuống, kết hợp với dịch nhầy trong ruột thừa lâu ngày tụ lại và kết tủa cứng.
Tình trạng tắc nghẽn xảy ra khiến thành ruột thừa bị ép chặt, máu không đi xuống nuôi tế bào được. Lâu dần dẫn tới thiếu máu, hình thành các vi khuẩn và nhiễm trùng gây viêm ruột thừa.
Các giai đoạn tiến triển của viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa xuất tiết:
Đây là giai đoạn đầu tiên của viêm ruột thừa. Lúc này kích thước ruột thừa to hơn bình thường, đầu tù. Thành ruột thừa phù nề, xung huyết, có mạch máu tụ.
Có hiện tượng xâm nhập bạch cầu ở thành của ruột thừa, tuy nhiên niêm mạc của ruột thừa vẫn còn nguyên vẹn. Không xuất hiện phản ứng của phúc mạc.
Viêm ruột thừa mủ:
Nếu không phát hiện ở giai đoạn đầu, bệnh sẽ tiến triển sang viêm ruột thừa mủ. Lúc này ruột thừa sưng to hơn, thành ruột dày có màu đỏ sậm.
Xuất hiện các ổ áp-xe tập trung ở phần đầu của ruột thừa, khiến phần đầu trông to hẳn lên, có giả mạc bám xung quanh.
Trong lòng của ruột thừa chứa nhiều mủ, tập trung nhiều ổ loét ở niêm mạc. Có thể thấy hình ảnh xâm nhập của bạch cầu.
Thành ruột thừa xuất hiện nhiều ổ áp-xe nhỏ, có phản ứng của phúc mạc gây ra dịch đục ở ổ bụng vùng hố chậu.
Viêm ruột thừa hoại tử:
Giai đoạn thứ ba của của viêm ruột thừa là tình trạng hoại tử. Lúc này ruột thừa trông giống như chiếc lá úa với các đốm hoại tử màu đen. Tình trạng hoại tử ruột thừa là do tắc mạch tiên phát hoặc thứ phát sau giai đoạn viêm mủ ở ruột thừa.
Toàn bộ thành ruột thừa có hiện tượng viêm và hoại tử, ổ bụng vùng hố chậu phải hoặc túi cùng Douglas có dịch đục, thối, cấy dịch có vi khuẩn.
Viêm ruột thừa thủng:
Khi thành ruột thừa bị viêm và hoại tử, dịch mủ sẽ khiến lòng ruột thừa căng giãn dần lên và rất dễ vỡ. Khi ruột thừa căng quá mức sẽ vỡ, khiến mủ tràn vào ổ bụng gây viêm phúc mạc toàn thể hoặc được mạc nối lớn và các quai ruột bao bọc lại thành áp xe, khu trú ổ nhiễm khuẩn với phần còn lại của ổ bụng.
Đau bụng:
Đây là dấu hiệu đầu tiên và đặc trưng nhất khi ruột thừa bắt đầu viêm. Cơn đau bụng thường xuất phát ở vùng quanh rốn, sau đó đau dần xuống bụng dưới bên phải, ở vị trí của ruột thừa.
Đau bụng là dấu hiệu đặc trưng nhất của viêm ruột thừa
Ban đầu cơn đau chỉ âm ỉ, sau đó dần trở nên dữ dội hơn. Vì thế, ban đầu mọi người thường chủ quan, tưởng là đau bụng vặt.
Cơn đau bụng do viêm ruột thừa tăng dần về mức độ, từ âm ỉ đến đau dữ dội. Đau không có dấu hiệu thuyên giảm. Đau nhói ở bụng dưới bên phải khi ấn vào khu vực này.
Buồn nôn và nôn:
Khi bị viêm ruột thừa, bạn có thể thấy dấu hiệu buồn nôn và nôn sau cơn đau bụng. Dấu hiệu này cũng có thể do các vấn đề khác gây ra, nhưng nếu buồn nôn kèm nôn và đau bụng ngày càng dữ dội thì khả năng viêm ruột thừa rất lớn.
Chán ăn:
Ngay khi ruột thừa mới bị viêm, bạn đã bắt đầu có cảm giác chán ăn. Cơ thể không cảm thấy đói, mất cảm giác thèm ăn và nếu cố ăn cũng không thấy ngon miệng. Theo khảo sát có đến 74-78% bệnh nhân viêm ruột thừa có dấu hiệu này.
Táo bón hoặc tiêu chảy:
Viêm ruột thừa cũng là một trong các bệnh về đường tiêu hóa, nên nó sẽ dẫn tới rối loạn thói quen đại tiện. Có những bệnh nhân bị tiêu chảy liên tục, nhưng cũng có người lại táo bón nặng. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân còn có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như chướng bụng, khó tiêu, tiểu dắt.
Sốt:
Dấu hiệu sốt xuất hiện muộn hơn và khi cơ thể sốt thì viêm ruột thừa đã chuyển sang giai đoạn khá nặng.
Cơn sốt khi viêm ruột thừa không qua cao, chỉ trong khoảng 37,2-38,3 độ C nên nhiều người thường chủ quan.
Thành bụng căng cứng:
Dấu hiệu này chứng tỏ tình trạng viêm ruột thừa đã chuyển sang nặng. Khi cơn đau bụng trở nên dữ dội hơn, thành bụng sẽ cảm giác căng cứng lại, khi sờ tay vào cũng cảm giác căng cứng.
Những nguy cơ khi bị viêm ruột thừa
Với bệnh viêm ruột thừa, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.
Bởi nếu không nhanh chóng điều trị, tình trạng viêm chuyển nặng có thể dẫn tới vỡ ruột thừa khiến các chất đường ruột, dịch mủ và vi khuẩn gây bệnh rò rỉ vào khoang bụng, gây nhiễm trùng ổ bụng, hình thành các ổ áp-xe, ổ nhiễm trùng ruột thừa áp-xe quanh ruột thừa, dễ dẫn tới tử vong.
Chính vì thế, việc điều trị viêm ruột thừa phải càng sớm càng tốt, trước khi ruột thừa viêm nặng dẫn tới vỡ và nhiễm trùng ổ bụng.
Ngaykhi có những dấu hiệu nghi ngờ viêm ruột thừa, nên đến ngay bệnh viện để khám và điều trị sớm.
Hiện nay phương pháp điều trị chính cho bệnh viêm ruột thừa là phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm. Có hai hình thức phẫu thuật là mổ hở và mổ nội soi.
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa
Cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật?
Trước khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, bệnh nhân cần nhịn ăn và uống ít nhất trong 8 tiếng đồng hồ. Nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai cần báo ngay cho bác sĩ để có phương án phù hợp.
Bên cạnh đó, cũng cần báo cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử dị ứng với loại thuốc nào đó như thuốc gây tê, gây mê, tiền sử rối loạn chảy máy...
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính của viêm ruột thừa
Nguy cơ có thể gặp phải sau khi cắt bỏ ruột thừa:
Ngày nay phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là một trong những thủ thuật khá đơn giản, phổ biến và ít có biến chứng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn có những nguy cơ xảy ra như chảy máu, nhiễm khuẩn, tổn thương các cơ quan xung quanh, tắc ruột...
Mặc dù vậy, các nguy cơ sau khi cắt bỏ ruột thừa không nghiêm trọng bằng việc ruột thừa bị viêm và không được điều trị.
Do đó việc cắt phần ruột thừa bị viêm cần tiến hành ngay để ngăn chặn tình trạng áp-xe hoặc thủng ruột thừa.
Phản ứng của cơ thể bệnh nhân với phẫu thuật:
Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể cảm thấy đau ở vết mổ khi thuốc tê hết tác dụng. Tuy nhiên những cơn đau và cảm giác khó chịu sẽ giảm dần sau vài ngày.
Các bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau và kháng sinh để giúp bệnh nhân bớt cảm giác đau và ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng sau phẫu thuật.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần chú ý quan sát và nhận biết các dấu hiệu nhiễm trùng sau phẫu thuật như sưng đỏ quanh vết mổ, sốt cao trên 38 độ, ớn lạnh, nôn mửa, mất vị giác, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài hơn 2 ngày để báo cho bác sĩ.
Nhìn chung nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật rất nhỏ, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh chóng mà không gặp quá nhiều khó khăn.
Sau khi phẫu thuật lưu ý tránh hoạt động gắng sức, hạn chế các hoạt động xung quanh vùng bụng vừa phẫu thuật.
Nếu thuốc giảm đau không có tác dụng, hãy liên hệ với bác sĩ để có phương án đổi loại thuốc khác.
Ngoài ra, người bệnh nên hạn chế đi lại, di chuyển và không nên thức khuya. Hạn chế chơi thể thao trong 2-4 tuần sau mổ.
Như Quỳnh
Theo chuyên đề Sức Khỏe Gia Đình