Vitamin B12 có tác động cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe và cơ thể con người - đặc biệt là với hệ thần kinh. Việc thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến nhiều vấn đề có liên quan đến thần kinh như thường xuyên căng thẳng, cảm xúc thất thường, suy giảm trí nhớ,... Đó chính là lý do vì sao, bổ sung đủ vitamin B12 chính là yếu tố để hệ thần kinh luôn khỏe mạnh.
Thường thì mọi người dễ gặp áp lực bởi nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như: công việc trục trặc, việc học tập bị trì trệ, mọi thứ không như ý muốn,... Việc cứ quẩn quanh với những thứ tiêu cực ấy có thể khiến con người trở nên uể oải, mệt mỏi. Tình trạng càng nghiêm trọng thì tinh thần càng sa sút, lâu dần gây ra căng thẳng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia sức khỏe, không phải lúc nào tình trạng căng thẳng cũng đến từ những yếu tố kể trên. Nó cũng có thể khởi phát từ sự thiếu hụt vitamin B12.
Hầu hết các quá trình chuyển hóa quan trọng diễn ra bên trong cơ thể đều có sự góp mặt của vitamin B12. Loại vitamin này có mặt trong quá trình tổng hợp ADN, sản sinh hồng cầu, chuyển hóa lipid, kiểm soát chức năng và hoạt động của hệ thần kinh. Vì thế, nếu cơ thể không được bổ sung đầy đủ vitamin B12 sẽ gây ra hàng loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có stress, suy nhược, mệt mỏi hoặc tổn thương hệ thần kinh.
Vitamin B12 thường có nhiều trong thực phẩm, vì thế mọi người nên chú trọng vấn đề dinh dưỡng hơn và chủ động bổ sung thịt đỏ, trứng, sữa và nội tạng động vật,... vào bữa ăn hàng ngày - nhằm tránh nguy cơ thiếu hụt dưỡng chất này trong cơ thể (Ảnh: Internet)
Khi thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu, điều này khiến lượng oxy cung cấp lên não bị giảm bớt, lâu dần gây thiếu máu não (thiếu oxy lên não) có thể gây tổn thương không hồi phục các tế bào não không được cung cấp oxy. Người bị thiếu máu thường có biểu hiện: mệt mỏi, khó thở, nhịp tim không đều, da nhợt nhạt hoặc vàng, có thể đau miệng hoặc lưỡi, sút cân, tiêu chảy,…
Khi thiếu vitamin B12 ở mức nhẹ, có thể gây các triệu chứng như: trầm cảm, lú lẫn, mệt mỏi, trí nhớ kém. Tuy nhiên các triệu chứng không đủ đặc hiệu để chẩn đoán tình trạng thiếu vitamin B12, trường hợp này các bác sĩ có thể kê thêm vitamin B12 cho bạn, nếu được bổ sung cơ thể sẽ dần ổn định trở lại.
Đặc biệt, nếu thiếu hụt vitamin B12 nghiêm trọng người bệnh sẽ gặp các thay đổi rõ rệt hơn về thần kinh như: tê và ngứa ran ở bàn tay và bàn chân. Có thể bị yếu cơ và giảm phản xạ, khiến việc đi lại cũng trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, nó cũng sẽ gây tổn thương thần kinh và não vĩnh viễn, gây ra một số bệnh lý như rối loạn tâm thần, hưng cảm và sa sút trí tuệ với một số biểu hiện đó là: trầm cảm, hoang tưởng, mê sảng, mất trí nhớ, tiểu không kiểm soát, mất vị giác và khứu giác,…
Trẻ nhỏ cũng có thể bị thiếu hụt vitamin B12. Cụ thể là nếu trẻ sơ sinh bị thiếu hụt vitamin B12, bé thường có các biểu hiện bất thường như run mặt, khó bú, gặp các vấn đề về phản xạ, kích thích và các vấn đề về tăng trưởng nếu không được phát hiện và bổ sung kịp thời (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, thiếu hụt vitamin B12 cũng khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn. Như vậy, bổ sung vitamin B12 đối với hệ thần kinh và cho các bộ phận là điều cực kỳ quan trọng.
Vitamin B12 là dưỡng chất thiết yếu mà chúng ta cần hàng ngày. Vì cơ thể chúng ta không sản xuất ra vitamin B12 nên việc bổ sung chất dinh dưỡng này thông qua các nguồn thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm từ động vật là phổ biến nhất. Đối với người ăn chay, thuần chay và những người có lượng vitamin B12 thấp, việc bổ sung vitamin này có thể giúp hỗ trợ nhu cầu dinh dưỡng B12.
Xem thêm: Khuyến khích con ăn 6 loại siêu thực phẩm này để tốt cho sức khỏe
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin