Nhiều người cảm thấy thất vọng khi không nhìn thấy những thay đổi trên số đo cân nặng, nhưng khi bạn giảm vòng eo, cơ thể sẽ mất nhiều mỡ nội tạng có hại hơn.
Chất béo luôn nhận được đánh giá tiêu cực từ hầu hết mọi người , nhưng những quan niệm sai lầm nhất định về chất béo chúng ta ăn và chất béo chúng ta tích trữ trong cơ thể đang phá hoại nỗ lực giảm cân.
1. Tất cả chất béo trong chế độ ăn uống đều như nhau
Đây là sai lầm lớn nhất mà mọi người mắc phải, trong khi thực tế bạn phải hiểu chất béo tốt có tác dụng như thế nào. Theo nghiên cứu, tất cả các chất béo đều cung cấp 9 calo mỗi gam, nhưng các loại chất béo khác nhau có cấu trúc hóa học và ý nghĩa dinh dưỡng khác nhau.
Có ba loại chất béo khác nhau: Chất béo chuyển hóa ẩn trong thực phẩm chế biến, bánh nướng và bơ thực vật không có lợi cho sức khỏe. Chất béo bão hòa (ví dụ như thịt đỏ, bơ sữa và bơ) làm tăng mức cholesterol, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, trong khi chất béo không bão hòa lành mạnh có trong dầu ô liu, đậu phộng và hạt cải, quả bơ, quả hạch và các loại hạt giúp ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ.
Thực hiện một cách tiếp cận hà khắc đối với tất cả chất béo trong chế độ ăn uống có thể hạn chế giảm cân và những lợi ích cho sức khỏe vì chất béo lành mạnh khiến bạn cảm thấy no lâu hơn, kiểm soát sự thèm ăn.
Hơn nữa, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ gần đây đã tuyên bố rằng việc thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo lành mạnh hơn trong chế độ ăn uống sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch tương tự như việc dùng các loại thuốc giảm cholesterol mạnh.
2. Tất cả chất béo trong cơ thể đều được tạo ra như nhau
Thực tế, một số loại mỡ trong cơ thể nguy hiểm hơn những loại khác. Căng thẳng tạo ra cortisol, một hormone căng thẳng, được biết đến là làm tăng chất béo nội tạng. Mỡ nội tạng bao bọc xung quanh các cơ quan rất có hại và có liên quan đến bệnh chuyển hóa và kháng insulin.
Ngược lại, mỡ dưới da nằm ngay dưới lớp da và không có hại. Ngoài ra còn có chất béo nâu đốt cháy calo với tốc độ nhanh, giúp giảm cân nhanh chóng.
3. Bạn không thể giảm mỡ bụng một cách cụ thể
Mỡ bụng có liên quan đến chứng viêm nên việc tiêu thụ các loại thực phẩm gây viêm như đồ chiên rán, đường và ngũ cốc tinh chế có thể ức chế khả năng tiêu mỡ của cơ thể.
Để giảm mỡ cơ thể ở một số vị trí hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu nguyên nhân gây ra và sau đó điều chỉnh nó bằng cách đối phó với các tình huống căng thẳng, ăn một chế độ ăn cân bằng giàu thực phẩm chống viêm như các loại hạt, quả mọng, cá béo, gừng, tỏi và nghệ.
4. Ăn chất béo khiến chúng ta béo lên
Chất béo tốt có lợi cho sức khỏe và sẽ không làm bạn béo lên. Chất béo tốt có trong quả bơ, dầu ô liu, các loại hạt và các loại cá béo khiến cơ thể mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và giữ cho chúng ta cảm thấy no lâu hơn so với carbs và protein, do đó, làm giảm cảm giác thèm ăn và hạn chế ăn quá nhiều dẫn đến tăng cân.
5. Chất béo không có tác dụng hỗ trợ
Chất béo lành mạnh thực sự có thể giúp bạn giảm cân. Nó giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo như vitamin A, D và K cũng như hai chất chống oxy hóa mạnh là lycopene và beta-carotene.
Các axit béo omega-3 lành mạnh được tìm thấy trong cá béo, quả hạch và các loại hạt rất tốt cho não và tim. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị nên ăn cá, đặc biệt là cá béo ít nhất hai lần một tuần. Ăn protein nạc như cá thay vì thịt đỏ hoặc các nguồn giàu chất béo khác giúp làm giảm và duy trì cân nặng.
6. Giảm béo luôn được phản ánh trên số cân nặng
Nhiều người cảm thấy thất vọng khi không nhìn thấy những thay đổi trên số đo cân nặng, nhưng khi bạn giảm vòng eo, cơ thể sẽ mất nhiều mỡ nội tạng có hại hơn.
Mặc dù bạn muốn thấy các con số giảm xuống, nhưng giảm số đo vòng bụng sẽ tốt hơn cho sức khỏe tổng thể, hạnh phúc và vóc dáng của bạn.
7. Chế độ ăn ít chất béo là tốt nhất để giảm cân
Nhiều người tin rằng theo một chế độ ăn uống ít chất béo là chìa khóa để giảm cân. Tuy nhiên, chất béo là một nguồn năng lượng chính và cần thiết cho sự phát triển của tế bào.
Do vậy, điều quan trọng nhất là hãy thay thế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa bằng chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa lành mạnh.
8. Mỡ thừa đáng xấu hổ
Không có gì sai khi chấp nhận cơ thể của mình và sẽ khó giảm cân hơn khi bạn cảm thấy xấu hổ vì béo.
Điều đó làm tăng khả năng xảy ra các hành vi không lành mạnh liên quan đến cân nặng và sự gia tăng hormone căng thẳng, dẫn đến việc ăn uống theo cảm xúc. Sự tiêu cực này sẽ cản trở nỗ lực giảm cân.
9. Quá chú ý vào chất béo
Rất nhiều người quá chú ý vào chất béo so với carbs trong chế độ ăn uống hàng ngày. Nghiên cứu cho thấy rằng chính lượng calo bạn ăn hoặc không ăn sẽ dẫn đến thay đổi cân nặng.
Đừng quá tập trung vào chất béo. Thay vào đó, hãy ăn những món bạn thích trong chừng mực, miễn là lượng calo của bạn ở mức phù hợp với quy định giảm cân.
10. Đạt được trạng thái đốt cháy chất béo là chìa khóa để giảm cân
Ketosis là trạng thái đốt cháy chất béo quan trọng của chế độ ăn kiêng ít hoặc không có carb, giàu protein, nhưng nó không nhất thiết là lý tưởng cho tất cả mọi người. Trong quá trình ketosis, cơ thể phá vỡ chất béo dự trữ gây ra xeton tích tụ.
Theo nghiên cứu của Mayo Clinic, Mỹ các tác dụng phụ có thể bao gồm buồn nôn, nhức đầu, mệt mỏi về tinh thần và thể chất, hơi thở có mùi. Do vậy, cách tốt nhất để cơ thể đốt cháy calo hiệu quả hơn là tăng khối lượng cơ nạc thông qua tập thể dục.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin