Không giống như các bộ môn thể dục khác, nếu tập yoga sai cách, bạn không chỉ bị đau đớn do sưng khớp, trật cơ mà còn bị cả chấn thương tinh thần dài lâu.
![]() |
Yoga đang được nhiều phương tiện truyền thông nhắc đến như một loại hình tập luyện sang trọng giúp người ta “sửa chữa” những hệ lụy do mặt trái của đời sống hiện đại (ô nhiễm, stress, bệnh tật…). Bởi thế đây là môn tập đang được thịnh hành và các trung tâm, câu lạc bộ, lớp dạy yoga mọc lên đông đúc.
Nhưng nhiều người Việt Nam lại có tâm lý ngại đến trung tâm mà thích tự tập ở nhà. Lướt qua các sạp băng đĩa, các trang bán hàng trên mạng, bạn dễ thấy DVD dạy yoga chỉ với giá vài chục ngàn đồng. Trong khi đó nếu tới phòng tập, bạn phải trả từ trăm nghìn đến vài trăm một buổi kéo dài khoảng 2 tiếng.
Chị Nguyễn Thị Huyền, làm việc văn phòng ở Q.1, Tp.HCM nghe nói yoga giúp cân bằng, giảm béo, giảm stress… nên chị cũng muốn tập. Do không sắp xếp được thời gian đến phòng tập, chị mua một DVD bán qua mạng. Tập được 1 tháng, chị thấy “thật tuyệt”, cảm giác như cơ thể đã linh hoạt hơn. Do đó chị bắt đầu tập theo động tác khó hơn như thế cây nến, đứng trên vai, cây chuối... Nào ngờ một thời gian sau chị thường xuyên bị choáng váng, thậm chí còn bị té xỉu trên sàn khiến chồng con hốt hoảng đưa chị đến phòng khám. Bác sĩ cho biết chị có tiền sử rối loạn tiền đình, động tác chị tập khiến cho tình trạng bệnh nặng thêm. Sau lần đó chị tìm đến chuyên gia. Lúc này chị mới lại biết rằng cách chị thở trong khi tập hầu như là sai, may mà mới ở mức độ đơn giản nên chưa ảnh hưởng tâm trí.
Tập yoga - cẩn thận tâm thần
Trao đổi với Sức Khỏe Gia Đình, ông Đặng Hùng, Giám đốc Học viện Yoga, Long Biên, Hà Nội cho biết: “Thực ra có rất nhiều người vẫn tự mày mò, chúng tôi cũng không kiểm soát hết được. Tuy nhiên vẫn khuyên mọi người nên tìm đến sự hướng dẫn của các chuyên gia có kinh nghiệm bởi việc tự tập nhiều khi đem lại rất nhiều hệ quả”.
Theo thầy Hùng, cơ chế luyện tập của yoga gồm 3 phần: điều tâm (giúp cho tinh thần ổn định, không bị lôi cuốn vào các trạng thái cảm xúc thái quá như quá vui, quá buồn); điều khí (thông qua sự tập trung vào hơi thở) và điều thân (thông qua các động tác). Việc tự mày mò để tập yoga cũng chia làm hai cấp độ.
![]() |
Thầy Đặng Hùng, Giám đốc Học viện Yoga, Long Biên, Hà Nội |
Thứ nhất, nếu chỉ tập ở mức bình thường, tức các asana (tư thế) đơn giản sẽ không quá nguy hiểm nhưng nếu tập đến các mức phức tạp hơn như luyện thở sẽ gây ra những bất trắc rất nguy hiểm. Theo như bài trước chúng tôi đã đề cập, không phải bất cứ ai cũng có thể tập các asana như nhau. Trong khi đó các DVD hay các bài hướng dẫn trên mạng cũng thường chỉ hướng dẫn các tư thế chứ không có những lời khuyên ai nên cẩn trọng, ai chỉ nên tập ở mức độ nào (giống như đã nói ở bài trước). Do đó bạn có thể vấp phải nguy hiểm do gắng sức, do tập động tác nên hạn chế với tình trạng sức khỏe của bản thân. Một số người vì gắng sức mà bong gân, trật khớp, thậm chí gãy xương, tai biến tim mạch…
Thứ hai, nếu tập sai ở cấp độ phức tạp có thể gây hệ lụy về mặt tinh thần. Theo ông Đặng Hùng: Nếu như những hệ quả về mặt thể chất có thể khắc phục được thì những hệ lụy về mặt tinh thần được cảnh báo nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Việc tập ở các cấp cao như thiền định, prana mà không đúng sẽ dẫn đến một số tác động không có lợi cho tinh thần như việc rối loạn tinh thần hoặc tâm thần. Có nghĩa là người tập sẽ có những biểu hiện như ảo tưởng, có ảo ảnh, suy nghĩ phi thực tế, trầm cảm hoặc nặng hơn là khi nào cũng cảm thấy có bóng người theo…
Cảnh giác với các trung tâm yoga yếu kém
Từ những tai biến có thể gặp do tự tập, các chuyên gia khuyên bạn nên tìm đến trung tâm có huấn luyện viên. Khi bạn đến với phòng tập yoga, ưu điểm khi tập luyện tại đây là mọi người có hứng thú tập, tư thế chuẩn hơn do có người hướng dẫn và các học viên tự sửa cho nhau. Tập tại trung tâm còn giúp mọi người có thêm tinh thần tập lâu dài hơn. Hiện nay các câu lạc bộ yoga cũng khá phố biến nhưng vấn đề là chất lượng. Nhiều người mới học yoga thời gian cũng về mở lớp dạy nên họ chưa hiểu rõ được mức độ rủi ro cho học viên.
Do đó khi chọn trung tâm, bạn nên tìm hiểu về trình độ của giáo viên (họ được đào tạo từ đâu, có chứng chỉ chuyên môn gì, được những người khác đánh giá thế nào…). Đặc biệt tại các trung tâm yoga chuyên nghiệp, trước khi bắt đầu luyện tập cho học viên, các chuyên gia luôn phải kiểm tra sức khỏe cũng như bệnh án của người tập để có thể đưa ra những động tác thích hợp. Nếu bạn thấy trung tâm bạn đăng ký không quan tâm đến những điều đó thì cần xem xét lại.
Khi mới tập, bạn chỉ nên bắt đầu với những tư thế đơn giản như chào mặt trời, thế chó ngẩng mặt, chó cúi mặt... Nếu trung tâm nào “đốt cháy giai đoạn” hướng dẫn tập nhanh, tập với sớm với các động tác khó thì bạn cũng nên cảnh giác.
Việc tìm đến các giáo viên yoga là cần thiết nhưng không phải cả đời bạn đều phải đến trung tâm để tập. Lúc đầu bạn cần học với giáo viên có kinh nghiệm. Sau đó có thể tập lại các bài đó ở nhà. Điều quan trọng là tìm được người hướng dẫn chuẩn từ ban đầu.
Chi Đan
Theo tạp chí Sống Khỏe