Cùng bị ngộ độc với ông Tùng trên còn có khoảng 20 người khác khi cùng dự tiệc uống rượu này.
Anh Nguyễn Văn Thắng (42 tuổi, Hồ Tùng Mậu, Q.3, Tp.HCM) dù đang ngậm ngùi vì chứng “rối loạn cương dương” do rượu ba kích nhưng vẫn thấy mình quá hạnh phúc so với ông Huỳnh Xuân Tùng rất nhiều vì vẫn còn… được sống!
Chuyện đời khó kể
Vốn có thể trạng ốm yếu từ bé nên đến khi lập gia đình và có con, anh Thắng vẫn cứ bị người thân bên nhà vợ gọi là “tiểu sinh trói gà không chặt”. Nhưng cũng may cho anh, dù ốm yếu nhưng về “cái khoản kia” thì anh chẳng bao giờ để bà xã phải phiền lòng. Cũng chính vì thế mà cả anh và vợ chẳng bao giờ bận tâm đến những lời nhận xét của mọi người nên sống với nhau rất hạnh phúc.
Mọi việc cứ êm xuôi như thế, chỉ đến năm anh chuẩn bị bước sang tuổi 40 thì trục trặc bắt đầu phát sinh. Những lúc cao trào khi gần gũi vợ, anh lại thường xuyên bị “mất hứng” hoặc rất khó xuất tinh. Còn không thì cả tháng trời nằm cạnh vợ yêu mà lòng anh và một số thứ quan trọng khác chẳng hề “nhúc nhích”. Trước cái nhìn nghi ngại của vợ, anh ngượng ngùng bảo rằng đó là do hậu quả của làm việc nhiều.
Thương chồng, vợ anh chẳng nói gì chỉ lẳng lặng nấu món tẩm bổ và khuyên chồng bớt việc. Nhưng mọi cố gắng của hai người đều không cho kết quả tốt. Tình hình “gây cấn” như thế kéo dài gần 5 tháng thì vợ anh bắt đầu không kềm được những tiếng thở dài trong đêm. Quá áy náy vợ, anh đem chuyện hỏi anh bạn cùng công ty vốn rất nổi tiếng về “khoản kia” để tìm chút kinh nghiệm. Không ngần ngại anh bạn kia phán một câu chắc nịch: “Uống rượu ba kích đi, ông sẽ được kích tưng bừng”.
Bắt được câu nói “vàng ngọc” đó, anh Thắng phóng ngay ra chợ tìm mua bình, mua rượu và ba kích tốt về ngâm. Rượu ngâm được 1 tháng thì anh bắt đầu uống. Những ngày đi làm anh uống 5 ly nhỏ vào buổi tối sau bữa cơm. Ngày nghỉ ở nhà thì anh uống 2 cữ/ngày vào bữa trưa và tối. Ngoài ra, những khi tụ tập bạn bè nhậu nhẹt anh đều gọi rượu ba kích cho mình (nếu trong quán đó có) mặc các bạn anh uống rượu Tây hay Tàu.
Thời gian đầu khi dùng rượu ba kích, quả là sinh lực anh có được cải thiện, tầng suất anh làm vợ hài lòng cũng cao hơn. Nhưng có điều kỳ lạ là anh lại khó đạt đỉnh hơn xưa vì khó xuất tinh hơn. Cho rằng hiện tượng đó là chuyện nhỏ, nên anh Thắng vẫn chăm chỉ uống rượu ba kích như thế suốt 2 năm. Chỉ đến gần 5 tháng nay, sự cương dương của anh gặp vấn đề khiến khả năng trong chuyện ấy “đuối” dần thì anh mới chịu đi khám. Bác sĩ kết luận anh bị rối loạn cương dương và nếu không trị sớm sẽ dẫn đến liệt dương.
Công dụng thực sự của ba kích
BS. Lê Thị Sen (Phòng khám Đông y Thái Dương, Trần Duy Hưng, Hà Nội) cho biết: Tác dụng chủ yếu của ba kích là cường gân cốt, bổ thận ích tinh, ôn thận tráng dương. Từ xưa con người đã biết dùng ba kích ngâm với rượu để uống cho cường dương, cải thiện sinh lý.
Đối với những bệnh nhân nam có hoạt động sinh dục không bình thường, ba kích có tác dụng làm tăng khả năng giao hợp, đặc biệt đối với những trường hợp giao hợp yếu và thưa. Ngoài ra, ba kích còn chủ trị các bệnh liệt dương, di tinh, mộng tinh, chóng mặt, tiêu chảy, gân xương mềm yếu…
Nhưng mọi người cũng nên hiểu rằng, Đông y quan niệm về bổ thận tráng dương không phải chỉ chăm chăm nhằm vào việc “sinh hoạt” nhiều hay ít. Bổ thận tráng dương ở đây được hiểu là để cải thiện sức khỏe con người nói chung.
Và trong Đông y cũng không có một bài thuốc/vị thuốc bổ dương nào có thể tốt cho tất cả đàn ông. Bài thuốc/vị thuốc nào cũng sẽ có tác dụng tốt hay xấu tùy theo cơ địa của từng người.
Vì vậy, rượu ba kích có thể tốt với người này nhưng lại gây hại với người kia là đều bình thường. Hơn nữa những người khó xuất tinh tuyệt không nên dùng ba kích vì ba kích có tính cố tinh, làm xuất tinh chậm.
Người bị khó xuất tinh như trường hợp anh Nguyễn Văn Thắng ở trên mà dùng ba kích lâu dài là thật sai lầm vì nó sẽ gây rối loạn cương dương dễ dẫn đến liệt dương. Việc nam giới đi tìm những vị thuốc bổ dương để dùng là chuyện bình thường, nhưng có điều trước khi dùng họ nên đến khám bác sĩ để sự chọn lựa thêm đúng đắn.
Hũ rượu ba kích lý tưởng Khi dùng rượu ngâm ba kích, mọi người cần chú ý đến cách chế biến và cách ngâm vì nó góp phần quyết định chất lượng của rượu: Đem ba kích chế tán thành bột thô (kích thước 5x5mm), trần bì thái chỉ, sao vàng, cắt nhỏ, tiểu hồi, vi sao, giã dập, ngâm với rượu trắng theo tỷ lệ: ba kích chế 1.000g; trần bì (sao vàng) 50g; tiểu hồi 20g; rượu trắng (35-40%) 3lít. Ngâm lần 1: Cho rượu vào bột ba kích, ngâm 1 tháng. Độ vài ngày lại lắc hoặc quấy một lần. Gạn lấy dịch rượu ngâm, bảo quản trong một lọ riêng, nút kín. Ngâm lần 2: Thêm 2 lít rượu với nồng độ trên, ngâm tiếp 3 tuần lễ. Gạn lấy dịch ngâm. Ngâm lần 3: Thêm 2 lít rượu vào ngâm tiếp 2 tuần lễ. Gạn lấy dịch ngâm. Phối hợp dịch rượu ngâm của 3 lần, lắc đều. Để lắng, gạn, lọc. Rượu ba kích có thể chất trong, màu nâu đậm, mùi thơm, vị ngọt.
Thanh Thu