Nnước bẩn lại mang nhiều hiểm họa và mầm bệnh nguy hiểm cho sức khỏe. Đặc biệt khi mùa mưa đến, tình trạng ngập lụt, úng nước trên nhiều tuyến đường khiến cho việc tiếp xúc với nước bẩn càng nhiều hơn. Từ đó, con người dễ bị các vi khuẩn tấn công làm suy giảm hệ miễn dịch.
Dưới đây là 4 bệnh thường gặp khi tiếp xúc với nước ô nhiễm:
1. Bệnh do nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường ruột
Người ta đã tìm thấy các vi khuẩn gây bệnh tả, thương hàn, phó thương hàn, lỵ... trong nước máy của thành phố có nguồn nước bị nhiễm bẩn hoặc nơi áp dụng biện pháp khử trùng không đảm bảo.
Những vi khuẩn gây bệnh đường ruột đặc biệt là nhóm Samonella, phẩy khuẩn tả có thể tồn tại trong nước khá lâu.
Đồng thời, có nhiều xét nghiệm còn cho thấy các vi khuẩn gây bệnh đường ruột khác như leptospira, brucella, tularensis… tồn tại trong nước tự nhiên và trong nước uống.
Biện pháp phòng bệnh:
- Xử lý tốt nguồn nước ăn uống và sinh hoạt trước khi sử dụng.
- Cải thiện việc cung cấp nước.
- Tránh làm nhiễm bẩn nguồn nước đặc biệt là với phân người và động vật.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi và giữ gìn vệ sinh cá nhân.
2. Bệnh viêm gan A
Bệnh viêm gan A lây truyền từ người sang người theo đường phân - miệng do nguồn nước và thực phẩm bị ô nhiễm bẩn hoặc thức ăn chưa được nấu chín.
Virus viêm gan A có thể sống ở nước đá -25 độ C trong vòng 6 tháng, ở nhiệt độ 100 độ C thì bị tiêu diệt trong vài phút. Bệnh viêm gan A còn có thể tồn tại ở sò, ốc, hến sống trong nước bị nhiễm bẩn do nước thải sinh hoạt nhiễm phân.
Một số virus phát triển trong bộ máy tiêu hoá của người và chúng sẽ bị thải ra một số lượng lớn trong phân và có thể có trong nước thải sinh hoạt và nước bị ô nhiễm (bệnh bại liệt, viêm gan A…).
Biện pháp phòng bệnh:
- Gây miễn dịch bằng tiêm vaccin dự phòng.
- Giữ gìn tốt vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân.
- Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Có hệ thống cung cấp nước sạch đã được xử lý thích hợp và xử lý tốt hệ thống rác thải và nước thải.
3. Bệnh giun sán
Bệnh sán lá gan: Trứng sán có trong đường mật của vật chủ chính. Sau đó trứng được đào thải ra ngoài theo phân dưới dạng trứng chưa trưởng thành. Trong môi trường nước, trứng sán tiếp tục phát triển thành phôi, sau đó tự giải phóng ra ngoài dưới dạng ấu trùng lông. Trùng lông di chuyển trong nước, tìm đến và xâm nhập vào vật chủ trung gian thích hợp là các loài ốc. Khi chúng ta ăn phải ốc này thì ấu trùng sẽ vào cơ thể qua. Từ phát triển thành sán trưởng thành gây bệnh, đẻ trứng để bắt đầu chu kỳ tiếp theo.
Bệnh sán lá ruột: Một con sán lá ruột trưởng thành có thể đẻ tới 2.500 trứng mỗi ngày, trứng theo phân ra ngoài và phát triển trong môi trường nước ngọt ao hồ. Chúng sống bám vào một số cây mọc dưới nước như củ ấu, ngó sen, bèo… và phát triển thành nang trùng. Người và lợn ăn phải các loại cây thủy sinh có chứa các nang trùng này sẽ nhiễm bệnh. Khi xâm nhập cơ thể người hoặc lợn, nang trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành.
Bệnh sán lá phổi: Ở môi trường nước trứng sán phát triển thành ấu trùng lông và tiếp tục chu kỳ ở các vật chủ trung gian là ốc. Sau một thời gian ấu trùng trở thành bào ấu trùng rồi trùng đuôi là những loại ấu trùng có khả năng bơi được. Ở giai đoạn này chúng tìm đến tôm, cua nước ngọt để ký sinh. Trong tôm, cua sán lá phổi tồn tại ở dạng ấu trùng, khi chúng ta ăn phải cua nấu chưa chín thì ấu trùng sẽ vào cơ thể theo đường tiêu hóa vào máu và đến phổi, ấu trùng phát triển thành sán lá phổi trưởng thành, cư trú ở phổi (phế quản) và gây bệnh. Từ phế quản của người bệnh, trứng sán lá phổi được bài xuất ra ngoài theo đờm.
Biện pháp phòng bệnh:
- Xử lý phân hợp vệ sinh để đất không bị ô nhiễm.
- Không ăn sống các loại thuỷ sản.
- Tẩy giun, sán định kỳ theo hướng dẫn của thầy thuốc.
- Kiểm soát và xử lý tốt nguồn nước tại địa phương.
4. Bệnh về da
Nước bẩn gây ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh ngoài da, ghẻ lở, ngứa, viêm da...
Biện pháp phòng bệnh:
- Tránh tiếp xúc với nguồn nước bị nhiễm bẩn.
- Vệ sinh sạch sẽ những nơi liên quan đến nguồn nước...
Thu Ngân
Theo tạp chí Sống Khỏe