(SKGĐ) Người ta thường nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Ngoài ra, đôi mắt cũng là cửa sổ nhìn vào sức khỏe của bạn. Không chỉ có đôi mắt, móng tay, tóc, lưỡi hay nướu cũng có chức năng như vậy.
Bác sĩ A.B John (bên trái) |
Tình trạng của những bộ phận trên có thể là những dấu hiệu cảnh báo các bệnh từ đái tháo đường tới mạch vành tim hay các bệnh liên quan tới tuyến giáp.
Tuy nhiên, mắt cảm thấy khó chịu hay sưng lợi chẳng hạn, cũng chỉ là một trong những dấu hiệu cho biết tình trạn sức khỏe của bạn. Tốt hơn cả bạn vẫn nên đi khám bác sỹ để có được chẩn đoán chính xác nhất.
Bác sĩ A.B John, chuyên gia Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore khuyên rằng ta không nên tự chẩn bệnh cho mình dựa trên những dấu hiệu đó.
Đối với các dấu hiệu của lưỡi, ông cho biết: “Tự chẩn bệnh mà không được đào tạo về y khoa sẽ làm người ta rối trí vì người thường còn không biết cái lưỡi thực sự trông thế nào”.
Dưới đây là một vài triệu chứng giúp bạn hiểu cơ thể mình và tới gặp bác sĩ ngay khi cần thiết:
Mắt
Các mạch máu trong mắt có thể cho ta biết nguy cơ bệnh mạch vành tim hay đột quỵ tim. Bất kỳ bất thường nào trong các mạch máu nhỏ ở mắt cũng có thể phản ánh các mạch máu nhỏ ở bất kỳ chỗ nào khác trong cơ thể.
Đôi mắt là bộ phận duy nhất mà qua đó bác sĩ có thể nhìn được các mạch máu mà không cần tới các thủ thuật xâm lấn, bất kỳ bất thường nào đều có thể dễ dàng nhận ra khi khám mắt. Chẳng hạn như đột quỵ thường liên quan tới rất nhiều mạch máu nhỏ.
Do đó, đối với những người trên 45 tuổi, việc đi khám mắt định kỳ hàng năm rất cần thiết để có thể phát hiện ra những tình trạng bất thường để có phương án điều trị sớm.
Lưỡi
Theo Đông Y, lưỡi là một trong bốn cơ quan quan trọng giúp chẩn bệnh. Theo Tây Y, lưỡi không đóng vai trò quan trọng tới vậy nhưng vẫn giúp ích cho bác sĩ khám bệnh.
Nếu lưỡi của bạn đỏ và đau, cơ thể bạn có thể thiếu sắt hoặc vitamin B12.
Nếu bạn nhìn thấy các đốm loét trên lưỡi, nó cho biết bạn thiếu kẽm hoặc sắt.
=> Các tình trạng này rất dễ chữa khi bù lại lượng bị thiếu này.
Nướu
Nướu khỏe có màu hồng. Nếu nướu có màu khác thì cần phải lưu ý. Ví dụ, thấy nướu có màu nhợt nhạt thì có thể nghĩ tới vấn đề thiếu máu.
Thiếu máu sẽ giảm lưu thông máu hoặc số lượng huyết sắc tố giảm có thể làm cho nướu có màu nhợt nhạt.
Nướu sưng và đỏ có thể là dấu hiệu của tiểu đường bởi vì bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm khuẩn gấp 4 lần bình thường.
Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu của tình trạng răng, vì vậy, bạn nên đi kiểm tra răng.
Móng tay
Trong khi một số dấu hiệu thể hiện trên móng tay không có ý nghĩa gì thì một số dấu hiệu cần phải lưu ý:
Nếu móng tay của bạn nhợt nhạt có thể do thiếu máu. Bệnh thiếu máu làm giảm tế bào đến các mạch máu ở móng tay. Nếu móng tay dễ gãy cũng có thể do loạn chức năng tuần hoàn, thiếu sắt hoặc bệnh về tuyến giáp.
Không phải tất cả các tình trạng bệnh đều liên quan tới những biến đổi ở móng tay và các dấu hiệu cần phải được xem xét với các dấu hiệu và triệu chứng khác của bệnh nhân.
Tóc
Tóc rụng nhiều, trong y học gọi là rụng tóc telogen, là những vấn đề sức khỏe biểu hiện phổ biến.
Việc thiếu sắt và hormone tuyến giáp trong thời gian dài có thể dẫn tới rụng tóc nói chung. Bạn bắt đầu thấy tóc bạc xuất hiện nhiều mặc dù bạn còn trẻ? Có thể là do thiếu selen hoặc đồng, nhưng nó rất hiếm khi xảy ra trừ khi bạn mắc chứng biếng ăn hoặc các vấn đề về đường ruột nghiêm trọng.
Quan trọng là có chẩn đoán đúng và bạn nên đến gặp bác sĩ để chắc chắn mình không có vấn đề tiềm ẩn nghiêm trọng nào.
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)