Các chuyên gia ở Mỹ đã sớm phát hiện ra rằng, giảm áp lực tinh thần hoặc điều chỉnh trạng thái tâm lý phù hợp sẽ có tác dụng tích cực trong việc điều trị bệnh đái tháo đường.
Sai lầm 1: Coi thường bệnh tật
Những người mắc bệnh tiểu đường giai đoạn đầu thường khó tự nhận biết, thậm chí nhiều người da dẻ còn hồng hào trong khỏe mạnh hơn trước. Một số người khác, dù có nhận ra nhưng chủ quan với thể trạng đang tốt của mình nên cứ “mặc kệ nó”.
Cá biệt, một số ít người khác dù đã được bác sĩ chuẩn đoán là bị đái tháo đường giai đoạn đầu nhưng vẫn “cố chấp” cho rằng bác sĩ chuẩn đoán sai nên không có ý thức chữa bệnh, không thay đổi cách ăn uống, và không chủ động phối hợp với bác sĩ để điếu trị.
Ảnh minh họa |
Sai lầm 2: Sợ hãi quá mức
Nhận thức được tầm nguy hại của tiểu đường nên nhiều người bệnh nhanh chóng rơi vào trạng thái sợ hãi quá mức sinh ra những hành động thái quá như: quên ăn mất ngủ, tự làm khổ bản thân, bái lạy tứ phương để cầu thầy chữa trị… Họ không ngừng bị ám ảnh bởi viễn cảnh mù lòa, bị cưa chân, sợ ảnh hưởng đến tuổi thọ, thậm chí sợ chết...
Trên thực tế, những người bệnh tiểu đường được phát hiện sớm và hợp tác tốt với các bác sĩ trong quá trình điều trị sẽ giảm được tỷ lệ biến chứng cũng như tử vong rất nhiều so với những bệnh khác.
Sai lầm 3: Bi quan
Phần lớn người bị tiểu đường đều nhiều tuổi và đã trải qua nửa cuộc đời vất vả, ở họ luôn có sự kỳ vọng vào nửa sau được hưởng cuộc sống an nhàn, mạnh khỏe…
Vì vậy, khi biết tin bị bệnh, họ thường nhanh chóng rơi vào trạng thái u uất của thất vọng và bi quan. Với tâm lý đó, họ đã vô tình “tiếp sức” thêm cho bệnh tật.
Sai lầm 4: Đổ lỗi và cảm giá có tội
Khá nhiều bệnh nhân tiểu đường cho rằng họ bị bệnh là do di truyền nên sinh ra tâm lý trách móc, đổ lỗi ông bà, cha mẹ đã “truyền” bệnh cho mình. Ngược lại, một số ông bố bà mẹ khác đang mắc bệnh và khi biết con mình cũng bị đái tháo đường thì thấy “có tội” đối với con.
Kiểu tâm lý đổ lỗi hay có tội trên không những không giúp bạn hay người thân mình chống lại bệnh tật mà chỉ làm tình cảnh gia đình thêm rối tinh giữa vòng vây của “thù trong, giặc ngoài”.
Sai lầm 5: Chống đối
Một số người bệnh, do thời gian mắc bệnh lâu nên xuất hiện nhiều biến chứng, phương pháp điều trị lại không mang lại những hiệu quả rõ rệt thì mất lòng tin với thày thuốc và phương pháp trị liệu đã sinh ra tâm lý không muốn tiếp tục chữa trị nữa.
Sai lầm 6: Chủ quan
Một số bệnh nhân áp dụng phương pháp điều trị trong một thời gian ngắn đã thấy chỉ số đường huyết hạ rõ rệt thì cho rằng mình đã khỏi và tự ý dừng uống thuốc, đồng thời ăn uống thoải mái, không kết hợp làm việc và nghỉ ngơi hợp lý làm cho chỉ số đường huyết lại tăng cao. Lúc đó bệnh tình thường là nặng hơn, lúc ấy hối hận không kịp nữa.
Sai lầm 7: Quá nôn nóng
Có một số người do quá sốt ruột về bệnh tật mà tìm mọi cách để làm hạ chỉ số đường huyết như uống thuốc quá liều, hay ăn kiêng quá mức, luyện tập thể thao quá độ… cuối cùng làm cho cơ thể suy nhược, đường huyết hạ thấp, thậm chí có thể dẫn đến ngất xỉu, hôn mê.
Sai lầm 8: Chỉ cần uống thuốc
Đối với người bệnh tiểu đường, trị liệu bằng thuốc là hết sức quan trọng, nhưng quá dựa vào thuốc thậm chí lạm dụng thuốc là điều hoàn toàn không nên.
Nên biết rằng, các yếu tố có nguy cơ lớn nhất cho việc phát triển bệnh tiểu đường là những thói quen không tốt như chế độ ăn uống, tập luyện không theo chỉ dẫn, hay trạng thái tâm lý không tốt.
Vì thế, bên cạnh việc dùng thuốc, còn phải chú ý đến việc cân bằng ăn uống, khống chế trọng lượng cơ thể, kết hợp làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục rèn luyện cơ thể, không hút thuốc là và hạn chế uống rượu bia…
Cẩm Lệ
Theo tạp chí Sống Khỏe