Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vừa phối hợp với Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam vận chuyển thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) để giải độc cho 3 bệnh nhi nghi bị nhiễm độc botulinum sau khi ăn chả lụa bán dạo.
Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 13/5, gia đình có 4 người ngụ TP Thủ Đức gồm 1 người dì cùng 3 anh em ruột là N.V.H (14 tuổi), N.V.Đ (13 tuổi) và N.T.X (10 tuổi) có mua chả lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì.
Sau khi ăn, khoảng 12-18 giờ cùng ngày, cả 4 người đều bị đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần. Tiếp đó, từ từ xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, đau người và 3 đứa trẻ bị yếu cơ dần.
Sau khi ăn, khoảng 12-18 giờ cùng ngày, cả 4 người đều bị đau bụng, buồn nôn, ói và tiêu chảy nhiều lần |
Ngày 14-5, cả 3 trẻ được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng mệt lả. Bệnh nhi N.V.Đ có biểu hiện sụp mi, yếu 2 chân và đến 5 giờ sáng ngày 15-5 thì bị suy hô hấp, phải đặt nội khí quản thở máy. Hai bé còn lại là N.V.H và N.T.X cũng có biểu hiện sụp mi, yếu chân vào chiều ngày 14-5.
Đến sáng ngày 15-5, hai bé này cũng xuất hiện sụp mi mắt, yếu dần tứ chi, sức cơ khoảng 4/5 nên Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã mời bác sĩ Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ do nghi ngờ các bệnh nhân bị ngộ độc.
Khoảng 15 giờ ngày 15-5, sau khi hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy thống nhất chẩn đoán nghi ngờ nhiễm độc botulinum do ăn chả lụa. Đến 19 giờ cùng ngày, các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp với chẩn đoán ngộ độc botulinum.
Do tính chất cấp bách của bệnh lý ngộ độc botulinum nếu điều trị trễ sẽ dẫn đến liệt cơ, suy hô hấp phải thở máy từ 3 - 6 tháng nên các bác sĩ đã quyết định điều trị sớm nhất có thể để tránh những biến chứng nặng xảy ra.
Với mục tiêu đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã lập tức liên hệ với Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam để điều chuyển thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT). Đây là 2 lọ còn lại sau đợt điều trị cho chùm ca bệnh ngộ độc botulinum do ăn cá ủ muối chua vào tháng 3 năm 2023.
Sau khi dùng thuốc, hiện tình trạng các bé đã ổn định và tiếp tục được theo dõi.
Độc tố botulinum là một trong những chất gây chết người nhiều nhất được biết đến. Độc tố botulinum ngăn chặn các chức năng thần kinh và có thể dẫn đến tê liệt cơ và hô hấp.
Đây thực sự là loại độc tố gây nên nỗi ám ảnh lớn vì nguy cơ tử vong cao, ảnh hưởng sức khỏe nặng nề trong khi nguồn thuốc giải độc lại hiếm.
Chất độc botulinum, hình thành trong thực phẩm bị ô nhiễm. Bào tử do vi khuẩn Clostridium botulinum sinh ra chịu nhiệt và tồn tại rộng rãi trong môi trường, trong điều kiện thiếu oxy chúng nảy mầm, phát triển rồi bài tiết độc tố.
Để đề phòng nguy cơ nhiễm chất độc botulinum, cần chọn các thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng được các cơ quan chức năng công nhận.
Thận trọng với các thực phẩm đóng kín có mùi, màu thay đổi hoặc có vị khác thường. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, nấu chín. Nhiệt độ cao sẽ phá hủy độc tố botulinum nếu độc tố không may có trong thực phẩm.
Bên cạnh đó, cần xử trí tốt các vết thương ngoài da nếu có để tránh nhiễm C. botulinum qua các tổn thương này. Đối với trẻ sơ sinh, không dùng mật ong để rơ miệng hoặc làm thức ăn cho trẻ.
Xem thêm video Sau 9 giờ tối đừng dại làm 5 việc khiến nội tạng tổn thương, cơ thể nhanh già:
Ánh Dương
Theo Người đưa tin