Bệnh gút hay còn gọi là thống phong là một loại viêm khớp gây sưng và đau ở khớp. Bệnh xảy ra khi lượng axit uric tích tụ trong máu gây ra tình trạng viêm nhiễm ở khớp. Bệnh gút ngày càng trở nên phổ biến hơn, vì thế bạn cần hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Đặc trưng của bệnh gút là những cơn đau đột ngột xảy ra giữa đêm gây sưng tấy ở khớp, đặc biệt là các khớp ở ngón chân, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp chân khác (đầu gối, mắt cá chân, bàn chân) và ít gặp hơn là ở khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay). Cột sống hiếm khi bị ảnh hưởng.
Mặc dù gây khó chịu và thậm chí làm bạn bị stress và mất ngủ trong thời gian dài, gút vẫn có thể chữa trị được và bạn có thể phòng tránh bệnh tái phát dễ dàng.
Triệu chứng thường gặp khi bị bệnh gút
- Khớp đau đột ngột, dữ dội và sưng tấy và thường xảy ra vào sáng sớm;
- Cảm thấy nóng và đau nghiêm trọng ở khớp khi đụng vào;
- Khớp chuyển sang màu đỏ;
- Cảm thấy vùng xung quanh khớp ấm lên.
Một cơn đau cấp tính như vậy thường kéo dài vài ngày. Những cơn đau khớp do gút có thể xảy ra theo năm hoặc xảy ra liên tục. Ngoài ra, bạn sẽ khó có thể thực hiện các hoạt động hằng ngày như đi bộ, mặc quần áo hay nâng vật nặng.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Bệnh gút có dạng nguyên phát và thứ phát
- Gút dạng nguyên phát chiếm đại đa số các trường hợp, nguyên nhân chưa rõ, bệnh tùy theo tính cơ địa, gia đình, quá trình tổng hợp purin nội sinh tăng nhiều gây tăng axit uric.
- Gút dạng thứ phát do:
Tăng giáng hóa purin kiềm nội sinh (phá hủy nhiều tế bào, tổ chức) như các bệnh về máu (bệnh đa hồng cầu, bệnh bạch cầu kinh thể tủy, thiếu máu tan máu)...
Giảm thải axit uric qua thận: bệnh viêm thận mạn tính, suy thận do nhiễm độc.
Do ăn quá nhiều thức ăn có chứa nhân purin (phủ tạng độc vật, thịt đỏ, hải sản…), uống nhiều rượu, đây là tác nhân gây bệnh chứ chưa hẳn là nguyên nhân trực tiếp.
Để phát hiện sớm bệnh gout, chúng ta cần xét nghiệm axit uric máu định kỳ, những người có tăng axit uric để có chế độ ăn và điều trị thích hợp nhằm hạn chế tiến triển của bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những người có nguy cơ cao tăng axit uric và bị bệnh gout: có tiền sử gia đình có người bị bệnh gout, béo phì, nghiện rượu và cà phê, dùng thuốc: lợi tiểu, Aspirin, Cyclosporrin.
Thanh Quế
Theo tạp chí Sống Khỏe