Có thể bạn chưa biết không phải tất cả các cơ quan trong cơ thể đều quan trọng, có một số bộ phận dù bị loại bỏ hoàn toàn, bạn vẫn có thể sống khỏe mạnh.
Cơ thể con người có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc. Khi bạn hiến một nửa lít máu, bạn sẽ mất khoảng 3,5 nghìn tỷ tế bào hồng cầu, nhưng cơ thể bạn sẽ nhanh chóng thay thế chúng. Bạn thậm chí có thể mất đi một lượng lớn các cơ quan quan trọng mà vẫn sống. Ví dụ, con người có thể sống cuộc sống tương đối bình thường chỉ với một nửa bộ não). Các cơ quan đó có thể được cắt bỏ toàn bộ mà không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của bạn. Cùng Sức khỏe gia đình tìm hiểu những cơ quan được cho là “không quan trọng” trong cơ thể con người thông qua bài viết dưới đây.
Lá lách nằm ở bên dưới lồng xương sườn phía bên trái của bụng và hướng về phía sau lưng. |
Cơ quan này nằm ở bên dưới lồng xương sườn phía bên trái của bụng và hướng về phía sau lưng. Vì cơ quan này nằm sát xương sườn nên dễ bị chấn thương. Vậy nên cơ quan này thường được loại bỏ trong quá trình phẫu thuật đối với người bị tai nạn. Lá lách được bao bọc bởi một viên nang giống như khăn giấy do đó dễ bị rách và chảy máu. Nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Khi nhìn vào bên trong lá lách, có hai màu sắc đáng chú ý đó là màu đỏ sẫm và các túi nhỏ màu trắng. Mỗi màu sắc đều có các chức năng khác nhau. Màu đỏ liên quan đến việc lưu trữ và tái chế tế bào hồng cầu, trong khi màu trắng liên quan đến việc lưu trữ bạch cầu và tiểu cầu.
Nghe thì có vẻ hữu ích nhưng bạn có thể sống thoải mái mà không cần lá lách. Điều này là do gan đóng vai trò tái chế các tế bào hồng cầu và các thành phần của chúng. Tương tự, các mô bạch huyết khác trong cơ thể hỗ trợ chức năng miễn dịch của lá lách.
Dạ dày thực hiện bốn chức năng chính: tiêu hóa cơ học bằng cách co bóp để nghiền nát thức ăn, tiêu hóa hóa học bằng cách giải phóng axit để giúp phân hủy thức ăn, sau đó hấp thụ và bài tiết. Dạ dày đôi khi được phẫu thuật cắt bỏ do ung thư hoặc chấn thương. Năm 2012, một phụ nữ người Anh đã phải cắt bỏ dạ dày sau khi uống một loại cocktail có chứa nitơ lỏng.
Khi dạ dày được cắt bỏ, bác sĩ phẫu thuật sẽ gắn thực quản trực tiếp vào ruột non, cùng với sự hồi phục của cơ thể, mọi người có thể ăn uống bình thường.
Cơ quan sinh sản chính ở nam và nữ lần lượt là tinh hoàn và buồng trứng. Những cơ quan này được liên kết với nhau vậy nên mọi người vẫn có thể có con chỉ với một phần của cơ quan sinh sản.
Việc cắt bỏ một hoặc cả hai thường là hệ quả của bệnh ung thư. Ở nam giới có thể là chấn thương, thường là do bạo lực, thể thao hoặc tai nạn giao thông đường bộ. Ở nữ giới, tử cung (dạ con) cũng có thể bị cắt bỏ. Thủ tục này (cắt bỏ tử cung) khiến phụ nữ không thể sinh con và cũng làm dừng chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ, dẫn đến tiền mãn kinh. Tuy nghiên, nghiên cứu cho thấy những phụ nữ cắt bỏ buồng trứng không bị giảm tuổi thọ. Điều thú vị là ở một số nhóm nam giới, việc cắt bỏ cả hai tinh hoàn có thể giúp tăng tuổi thọ.
Đại tràng (hoặc ruột già) là một ống dài khoảng 182cm và có bốn phần: kết tràng lên (bên phải), kết tràng ngang, kết tràng xuống (bên trái) và kết tràng sigma. Chức năng chính là nhận thức ăn được tiêu hoá và hấp thụ phần lớn chất dinh dưỡng. Nó hấp thụ nước từ thức ăn và với sự phân huỷ của các vi khuẩn tạo khối bã thức ăn (phân) tích lại ở đại tràng. Sự hiện diện của bệnh ung thư hoặc các bệnh khác có thể dẫn đến việc phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ ruột kết. Hầu hết mọi người đều hồi phục tốt sau cuộc phẫu thuật này, mặc dù phải trải qua sự thay đổi trong thói quen đại tiện. Thời gian đầu sau cuộc phẫu thuật, nên ăn những loại thực phẩm mềm để hỗ trợ quá trình chữa bệnh.
Túi mật nằm ở mặt dưới của thuỳ gan phải, sát bờ sườn bên phải. Nó có tác dụng lưu trữ dịch mật trong cơ thể. Dịch mật được gan sản xuất liên tục để giúp phân hủy chất béo. Tuy nhiên, trong quá trình tiêu hoá khi không cần thiết dịch mật sẽ được lưu trữ lại ở túi mật. Hiện nay, có rất nhiều bị sỏi mật mà không hề có bất kỳ triệu chứng nào, nhưng có một số người phải phẫu thuật để loại bỏ sỏi mật. Năm 2015, một phụ nữ Ấn Độ đã phẫu thuật cắt bỏ 12.000 viên sỏi mật – một kỷ lục thế giới.
Ruột thừa là một cấu trúc ống tiêu hoá nhỏ, có hình dạng như một ngón tay với một đầu tận, đầu còn lại gắn với manh tràng nằm ở chỗ nối giữa ruột già và ruột non. Nơi đây được coi là “ngôi nhà an toàn” của các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, cho phép chúng tái sinh khi cần thiết.
Do tính chất của ruột thừa nên khi các chất đi vào đây sẽ khó có thể thoát ra ngoài và từ đó sẽ dẫn đến viêm ruột thừa. Trong trường hợp viêm nghiêm trọng, ruột thừa sẽ được phẫu thuật để cắt bỏ.
Tuy nhiên, khi bạn cắt bỏ ruột thừa không có nghĩa là việc đau ruột thừa sẽ không quay trở lại. Có một vài trường hợp gốc ruột thừa chưa được cắt bỏ hoàn toàn. Điều này rất dễ bị viêm trở lại gây nên tình trạng viêm gốc ruột thừa.
Hầu hết mọi người đều có hai quả thận, nhưng bạn có thể sống sót chỉ với một quả thận - hoặc thậm chí không có quả thận nào (với sự hỗ trợ của lọc máu). Vai trò của thận là lọc máu để duy trì cân bằng nước và điện giải, cũng như cân bằng axit-bazơ. Thận trong cơ thể hoạt động giống như một cái sàng, nó trải qua nhiều quá trình sàng lọc khác nhau để giữ lại những chất có ích cho cơ thể như protein, tế bào và các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần thiết. Quan trong hơn đó là thận giúp sàng lọc nhiều thứ mà cơ thể không cần thiết và chúng đi ra khỏi cơ thể dưới dạng nước tiểu.
Có nhiều lý do khiến người ta phải cắt bỏ một quả thận - hoặc cả hai quả thận: bệnh di truyền, tổn thương do ma túy và rượu, hoặc thậm chí là nhiễm trùng. Nếu một người bị suy cả hai quả thận, họ sẽ phải chạy thận nhân tạo. Việc này có hai hình thức: chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng.
Tuổi thọ của người chạy thận nhân tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm loại lọc máu, giới tính, các loại bệnh nền mà người đó mắc phải. Nghiên cứu gần đây cho thấy, người chạy thận nhân tạo ở độ tuổi 20 có thể sống được 16-18 năm, trong khi người ở độ tuổi 60 chỉ sống được 5 năm.
Quỳnh Anh
Theo Người đưa tin