Bé trai mới 9 tháng tuổi ở Bắc Giang không may bị bỏng nước sôi ở vị trí đùi và cẳng chân phải. Gia đình chủ quan cho con đắp lá thầy lang, bé tử vong trên đường đến bệnh viện cấp cứu.
Mới đây, theo thông tin từ BS Lê Ngọc Duy - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc Nhi khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương), bé trai 9 tháng tuổi được chuyển đến viện lúc 2h30 sáng 14/3. Tuy nhiên lúc này trẻ đã trong tình trạng tím tái, ngừng tim.
Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng bệnh nhi không đáp ứng. Đến 3h cùng ngày, cháu bé không qua khỏi, gia đình đã xin đưa bé về nhà.
Bé trai tử vong sau khi đắp lá của bà lang gần nhà vào vết bỏng. |
Trước đó, ngày 9/3, cháu bé không may bị bỏng nước sôi ở vị trí đùi và cẳng chân phải. Gia đình không đưa con đi bệnh viện mà cho đắp lá thuốc của bà lang gần nhà.
Mấy ngày sau, vết bỏng không đỡ, cháu bé lên cơn sốt cao, nổi ban suốt 4 ngày. Lúc này, gia đình mới đưa con đi khám ở bệnh viện huyện rồi chuyển tuyến lên Bệnh viên Sản nhi Bắc Giang.
Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang cho biết, khi nhập viện, cháu bé đã diễn biến xấu nhanh, sốc nhiễm khuẩn nặng nên phía Bệnh viện đã gọi điện đến Bệnh viện Nhi Trung ương đề nghị chuẩn bị phương tiện cấp cứu đón bệnh nhi. Cháu bé được chuyển đi ngay trong đêm nhưng đã tử vong trên đường đi.
Theo bác sĩ Duy, tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng đã được cảnh báo nhiều lần, thậm chí ảnh hưởng tính mạng do đắp lá thuốc vào vết bỏng nhưng nhiều người vẫn quá tin vào phương pháp này.
Có những bệnh nhân thậm chí sau khi đắp lá, vùng bỏng bị hoại tử sâu, phải ghép da vô cùng phức tạp, thời gian điều trị kéo dài và để lại nhiều di chứng.
Sốc nhiễm khuẩn là gì và dấu hiệu nhận biết như thế nào?
Sốc nhiễm khuẩn (sốc nhiễm trùng) là giai đoạn nặng nhất trong 3 giai đoạn tiến triển của tình trạng nhiễm khuẩn huyết bao gồm:
- Nhiễm khuẩn huyết là khi nhiễm trùng đến máu và gây viêm cho cơ thể.
- Nhiễm khuẩn huyết nặng là khi nhiễm trùng đủ nghiêm trọng để ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan, chẳng hạn như tim, não và thận.
- Sốc nhiễm khuẩn là khi tình trạng nhiễm khuẩn huyết ở mức rất nặng dẫn đến tụt huyết áp đáng kể và có thể dẫn đến suy hô hấp hoặc suy tim, đột quỵ, suy các cơ quan khác và tử vong.
Sốc nhiễm khuẩn (sốc nhiễm trùng) là giai đoạn nặng nhất trong 3 giai đoạn tiến triển của tình trạng nhiễm khuẩn huyết. |
Để nhận biết tình trạng sốc nhiễm khuẩn, bạn không nên bỏ qua các triệu chứng ban đầu của nhiễm khuẩn khuyết. Các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết bao gồm:
Sốt thường cao hơn 38˚C, nhiệt độ cơ thể thấp (hạ thân nhiệt), nhịp tim nhanh, thở nhanh hoặc hơn 20 nhịp thở mỗi phút.
Các dấu hiệu của tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng được xác định là nhiễm khuẩn huyết với bằng chứng tổn thương các cơ quan thường ảnh hưởng đến thận, tim, phổi hoặc não.
Các triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết nặng bao gồm: Lượng nước tiểu thấp hơn đáng kể, lú lẫn tạm thời, chóng mặt, vấn đề nghiêm trọng về hô hấp, các ngón chân, ngón tay hoặc môi hơi xanh hoặc tím tái.
Những người đang bị sốc nhiễm khuẩn sẽ có các triệu chứng của nhiễm khuẩn huyết nặng, nhưng họ cũng sẽ có huyết áp rất thấp không đáp ứng với việc bù dịch.
Ánh Dương
Theo Người đưa tin