Vì không thể hiện rõ ràng ra bên ngoài, nên nhiều người chỉ phát hiện mình bị chứng máu nhiễm mỡ khi đi thăm khám về một chứng bệnh khác.
Người gầy cũng bị mỡ máu
Bà Trần Lan Nhi, 53 tuổi (125/1411, Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội) bị tai biến nên được gia đình đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai. Xem kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ cho hay do bà bị máu nhiễm mỡ dẫn đến tai biến nhẹ. Thông tin này với bà khá bất ngờ bởi với thể trạng có 40kg cho chiều cao 1m56, vì vậy bà bán tín bán nghi nghĩ: “tôi có mỡ đâu mà nó chạy vào thừa trong máu”.
Ảnh minh họa |
Theo BS. Đinh Thị Thu Hương (Viện Tim mạch Quốc gia) những bệnh nhân có mỡ cao trong máu thường chỉ phát hiện ra bệnh khi làm xét nghiệm máu. Bình thường, chúng không có những biểu hiện bên ngoài rõ ràng và nhiều người hiểu lầm rằng những bệnh gì có liên quan tới mỡ thì chỉ thuộc về người béo. Thực chất, thành phần mỡ trong máu cao không hẳn do béo phì.
Chứng máu nhiễm mỡ hay còn gọi là tăng lipid máu. Đặc điểm của nó là thành phần mỡ (lipid) trong huyết tương cao hơn mức bình thường. Lipid trong máu gồm 4 thành phần là cholesterol, triglyceride, phospholipid, acid béo tự do, trong đó có 60-70% là cholesterol. Do đó máu nhiễm mỡ là rối loạn tăng lipid máu mà chủ yếu là tăng cao hai thành phần triglyceride và cholesterol.
Một số đông người do béo phì, sử dụng hàm lượng thực phẩm giàu cholesterol lại lười tập luyện khiến chúng dư thừa trong cơ thể. Nhưng đồng thời, cấu tạo cơ thể mỗi người có gene quy định việc chuyển hóa cholesterol trong máu. Do quy định của gene nên một số người nạp vào hàm lượng khá lớn cholesterol mà vẫn chuyển hóa tốt.
Còn một số khác kém chuyển hóa cholesterol nên chúng tích tụ và bám ở mạch máu, tạo nên mảng xơ vữa, hẹp lòng mạch máu. Với những người có tiền sử gia đình mắc bệnh thì cũng dễ bị mắc theo.
Như vậy nguyên nhân bị máu trong mỡ cao không chỉ đến từ những người béo phì mà còn ở cả những người gầy, do cấu tạo cơ thể không chuyển hóa tốt được lipid trong máu. Khi không kiểm soát tốt, chúng có thể gây nguy cơ xơ cứng động mạch, tai biến, liệt nửa người, thiếu máu nuôi tim, đau tim…
Đừng sợ hãi với mỡ máu
Bệnh máu nhiễm mỡ có thể bắt đầu từ sớm, khoảng 20 tuổi nhưng không nhiều biểu hiện rõ ràng nên rất khó phát hiện. Vì vậy bệnh thường được phát hiện khi đi khám triệu chứng một số bệnh khác: tiểu đường, tai biến, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim…
Do đó khuyến cáo của Hội Tim mạch là những người trên 20 tuổi nên xét nghiệm máu ít nhất 5 năm một lần, đặc biệt với những người có tiền sử gia đình bị bệnh thì càng nên quan tâm tới xét nghiệm. Những trẻ em có tiền sử béo phì cũng là những đối tượng dễ bị mắc bệnh về sau.
Điều tra của Trung tâm Y tế Parkway (Singapore) cho thấy, nhiều doanh nhân có vấn đề mỡ máu khiến họ sợ không còn đủ sức, đủ thời gian đương đầu với công việc. Nỗi lo lắng này đã trở thành thái quá bởi thực chất máu nhiễm mỡ không nguy sợ như vậy.
Khóa điều trị rất đơn giản, nhất là với những người bị nhẹ. Sau khi được chuẩn đoán mỡ máu cao, đầu tiên, bệnh nhân nhẹ và vừa nên tiến hành trị liệu không dùng thuốc. Đó là điều chỉnh chế độ ăn nhiều rau xanh, giảm lượng cholesterol kết hợp tập luyện thể dục. Những người béo thì kết hợp giảm cân, tập luyện. Những bệnh nhân này, muốn hạn chế các tác hại của bệnh thì nên kiểm tra lượng lipid máu định kỳ ba tháng một lần.
Có thể bạn chưa biết 1. Theo số liệu điều tra 330 bệnh nhân từ bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy: 86,7% trẻ em trong độ tuổi 24 tháng-15 tuổi có tỷ lệ mỡ trong máu cao. Báo cáo mới đây của Tập đoàn Y tế Parkway (Singapore) cho hay 50% doanh nhân bị rối loạn chuyển hóa lipid máu do họ quá bận rộn, ít có thời gian tập luyện, ăn uống không hợp lý. 2. Một số thực đơn nên áp dụng cho người bị máu nhiễm mỡ: 3. Ngô giàu axit béo không no tốt cho những người bị mỡ trong máu cao. Món ăn tốt là nấu ngô với gạo lứt thành cháo. 4. Cháo gạo lá sen: Cháo lá sen có tác dụng thanh nhiệt, giảm mỡ, chữa tăng huyết áp, máu có mỡ cao, đầu óc choáng váng. 5. Trà ngân hoa, hoa cúc, sơn tra: Trà thảo mộc này có tác dụng thông kinh mạch, giảm mỡ trong máu nên uống hàng ngày thay trà. |
Như Bình
Theo tạp chí Sống Khỏe