Tiết chuyển mùa là thời điểm tỉ lệ người mắc viêm họng tăng lên rõ rệt. Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng viêm họng không ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, bệnh thực tế có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: áp xe thành họng, viêm Amidan, viêm tai giữa, giảm chất lượng cuộc sống...
Bạn hiểu viêm họng là gì?
Viêm họng là tình trạng lớp niêm mạc hầu họng bị viêm nhiễm khiến người bệnh trải qua cảm giác đau rát, khó chịu ở cổ họng, nhất là mỗi khi nuốt. Các triệu chứng của viêm họng thường chấm dứt sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, viêm họng có thể tiến triển thành các dạng nặng và khó điều trị. Bệnh chủ yếu tồn tại ở hai thể: cấp tính và mãn tính.
Viêm họng là tình trạng lớp niêm mạc hầu họng bị viêm nhiễm khiến cổ họng đau rát, khó chịu, nhất là mỗi khi nuốt thức ăn. |
Viêm họng cấp tính
Đây là thể viêm họng điển hình, rất hay gặp trong mùa lạnh. Viêm họng cấp gặp ở mọi lứa tuổi, có triệu chứng đa dạng tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh như: cảm giác ớn lạnh, gai rét kèm theo đau mỏi người; sốt, môi khô, lưỡi bẩn; cảm giác khô rát họng, nuốt đau nhói lên tai; ho khan trong giai đoạn đầu sau đó ho có đờm; có thể kèm theo khàn tiếng.
Nguyên nhân là do hoạt động của một số loại virus như: virus cúm, sởi, virus Adenovirus, các nhóm vi khuẩn tụ cầu, phế cầu, bạch hầu, liên cầu… hoặc các yếu tố ngoại cảnh như: bụi bẩn, thời tiết thay đổi, thuốc lá, khói rơm hay củi…
Viêm họng mạn tính
Thực chất, viêm họng mạn tính chính là kết quả của sự tái lại nhiều lần của quá trình viêm họng cấp trên 1 tuần. Bệnh tuy gây ra các triệu chứng có mức độ nhẹ và tiến triển chậm nhưng lại có tính chất dai dẳng và rất khó điều trị dứt điểm. Khi không được xử lý kịp thời, bệnh có thể gây các biến chứng như:
Áp xe thành họng: là tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng, dẫn đến hiện tượng hình thành ổ mủ (áp xe) gây nghẹt mũi kéo dài, sốt cao (39 – 40 độ C), da xanh tái, ho có đờm, chảy nước mũi có màu vàng xanh…
Viêm sưng ở cơ quan hô hấp trên như: Amidan, thanh quản, mũi, xoang… đồng thời làm tăng nguy cơ tắc ống Eustachian gây bệnh viêm tai giữa.
Viêm họng mạn tính làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa gây ảnh hưởng thính lực lâu dài. |
Giảm chất lượng cuộc sống: triệu chứng đau họng, khó nuốt, vướng cổ, giọng nói trở nên đục và đầy… có thể ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và giao tiếp. Hơn nữa viêm họng kéo dài còn gây hôi miệng, tạo tâm lý thiếu tự tin.
Ai là đối tượng của viêm họng?
Đa số mọi người đều có nguy cơ bị viêm họng. Tuy nhiên, những đối tượng sau sẽ dễ mắc bệnh hơn:
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ vốn có sức đề kháng và hệ miễn dịch yếu.
Phụ nữ đang mang thai: Triệu chứng viêm họng thường xuất hiện ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ.
Người dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Điều trị viêm họng bằng cách nào?
Khi thấy xuất hiện các triệu chứng của viêm họng, người bệnh cần tới cơ sở y tế chuyên khoa tai-mũi-họng để khám và được điều trị thích hợp. Lưu ý không nên tự điều trị bằng kháng sinh vì không phải ai bị viêm họng đều có thể dùng kháng sinh.
Bên cạnh tuân thủ phác đồ của bác sĩ, người bệnh nên uống nhiều nước, sử dụng máy tạo ẩm, dùng thuốc ngậm kết hợp sát khuẩn họng bằng:
Pha muối biển với nước lọc ấm, thử độ mặn như khi nấu canh hoặc dùng nước muối sinh lý để súc họng mỗi giờ một lần giúp sát khuẩn và giảm đau rát họng rất tốt.
Pha loãng nước ép củ cải với nước theo tỉ lệ 1:1 để làm nước súc họng hằng ngày, có tác dụng giảm đau, giảm khàn tiếng.
Lá chua me đất 50g, muối 2g. Rửa sạch lá, nhai với muối rồi nuốt từ từ.
Lá rau bạc hà 2 - 3 lá, rửa sạch rồi nhai dập, ngậm nuốt nước từ từ vài lần trong ngày.
Lá húng chanh 30g, rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, thêm vài hạt muối, nhai dập và nuốt nước dần.
Lá rẻ quạt 1 lá, muối 2g. Rửa sạch lá, nhai dập, ngậm với vài hạt muối, khi nào nóng họng thì nhả ra, ngày ngậm 1 - 2 lần, có thể nuốt nước.
Súc họng, sát khuẩn họng thường xuyên để giảm các triệu chứng đau rát của viêm họng. |
Chế độ dinh dưỡng cho người mắc viêm họng thế nào?
Khi mắc viêm họng, vấn đề ăn uống vô cùng quan trọng do niêm mạc họng lúc này rất dễ bị tổn thương. Nhìn chung, chế độ ăn uống cho người bị viêm họng nên:
Gồm các loại thực phẩm mềm, dễ nuốt và ấm để làm dịu và chữa lành các tổn thương vùng họng như: mì ống ấm, phô mai, bột yến mạch ấm, ngũ cốc nấu chín hoặc bột gan, cháo, súp gà hoặc canh gà, rau nấu chín, khoai tây nghiền, sữa, mật ong, các món tráng miệng như gelatin, sữa chua hoặc sữa chua nguyên chất với trái cây xay nhuyễn, các loại nước ép như nho, táo...
Kiêng các loại thực phẩm gây kích ứng họng hoặc khó nuốt như: bánh quy, bánh mì giòn, gia vị cay và nhiều nước sốt, nước ngọt, cà phê, rượu, thức ăn chiên hoặc nướng, bỏng ngô, rau tươi sống, các loại trái cây có tính axit như cam, chanh, cà chua, bưởi…
Chú ý: Thực phẩm, thức uống quá nóng có thể gây kích ứng cổ họng đang sưng, đau. Nên để đồ ăn nguội bớt trước khi ăn để tránh làm tổn thương cổ họng đang bị viêm.
Lời khuyên cho mọi người để phòng viêm họng
Bổ sung dinh dưỡng, tập luyện thường xuyên để tăng cường sức đề kháng.
Khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm các bệnh viêm họng, xoang, Amidan...
Đeo khẩu trang khi đi đường, giữ ấm vùng cổ họng vào mùa lạnh.
Thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý.
Tránh ăn uống chung với người mắc bệnh về hô hấp.
Không sử dụng thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích.
Tóm lại, viêm họng là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất thường gặp, đặc biệt là trong tiết giao mùa, gây cảm giác khó chịu và đau rát nơi cổ họng. Để bệnh không có cơ hội tiến triển thành mạn tính ảnh hưởng sức khỏe và gây nhiều bất tiện trong cuộc sống, bạn nên lưu ý thực hiện các lời khuyên phòng bệnh, cũng như đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa tai-mũi-họng ngay khi vừa mắc bệnh.
Như Hảo
Theo Người đưa tin