Hợp tác quảng cáo

Biến chủng mới NB.1.8.1 của Covid-19 tại TP.HCM lây lan nhanh, có khả năng lẩn tránh miễn dịch cao, người dân cần làm gì?

7:00 PM | 28/05/2025 -
Khỏe +

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM cho biết, 83% mẫu bệnh phẩm Covid-19 được giải trình tự gene tại thành phố mang biến chủng NB.1.8.1. Đây là biến thể mới thuộc nhóm phụ của dòng Omicron – vốn đã gây ra nhiều đợt bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu từ năm 2022 đến nay. Việc phát hiện biến thể mới khiến nhiều người dân hoang mang, đặt ra câu hỏi: NB.1.8.1 là biến thể gì? Có nguy hiểm không? Cách phòng tránh ra sao?

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết về biến thể NB.1.8.1, giúp người dân hiểu rõ bản chất vấn đề và có hành động phù hợp, tránh hoang mang lo lắng không cần thiết.

Biến thể NB.1.8.1 là gì?

NB.1.8.1 là một biến thể phụ mới của dòng Omicron – biến chủng từng gây làn sóng lây nhiễm mạnh mẽ toàn cầu từ cuối năm 2021 đến nay. Theo các nhà khoa học, NB.1.8.1 thuộc nhóm biến thể XBB, là kết quả tái tổ hợp giữa nhiều dòng Omicron khác nhau. Đột biến đáng chú ý tại vùng RBD protein gai: T478I, A435S, V445H làm tăng khả năng bám dính vào tế bào người. Biến chủng này có thể lây nhanh hơn XEC, dẫn đến lây lan nhanh chóng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung Quốc.

Bien chung moi NB.1.8.1 cua Covid-19 tai TP.HCM lay lan nhanh, co kha nang lan tranh mien dich cao, nguoi dan can lam gi?
Tính đến ngày 22-5-2025, NB.1.8.1 đã được phát hiện tại 22 quốc gia trên thế giới bao gồm Úc, Campuchia, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Đài Loan, Thái Lan, Anh và Mỹ.

Đặc điểm nổi bật của biến thể NB.1.8.1:

- Khả năng lây lan cao: NB.1.8.1 có tốc độ lây truyền cao hơn so với các dòng trước đó, chủ yếu qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, tiếp xúc gần).

- Triệu chứng nhẹ hơn: Các triệu chứng thường thấy và xuất hiện khá sớm bao gồm thân nhiệt tăng nhẹ ở mức 37,6 - 38,1 độ C, có thể kéo dài. Bệnh nhân thường không đổ mồ hôi và thở nhanh như khi bị sốt cao.

- Khả năng né tránh miễn dịch: Biến thể này có một số đột biến giúp né tránh kháng thể, khiến người từng mắc Covid-19 hoặc đã tiêm vắc xin vẫn có thể tái nhiễm.

- Chưa có bằng chứng gây bệnh nặng hơn: Theo WHO và CDC, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy NB.1.8.1 gây bệnh nghiêm trọng hơn các biến thể Omicron trước đây. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, người mắc bệnh nền (tim mạch, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…) vẫn có thể gặp biến chứng nặng nếu nhiễm biến thể này.

Người dân cần làm gì để bảo vệ bản thân trước biến thể NB.1.8.1?

Hiện Bộ Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện, sở y tế, đơn vị y tế bộ/ngành rà soát kế hoạch thu dung, điều trị Covid-19; khu cách ly, thuốc, vật tư; nhân lực và phương án kiểm soát nhiễm khuẩn. Chiến lược hiện tại là tập trung vào quản lý nội viện, giảm nguy cơ bùng phát từ bệnh viện, thay vì phong tỏa diện rộng.

Trong bối cảnh Covid-19 đang quay trở lại, một số nhóm đối tượng dưới đây có nguy cơ cao nếu nhiễm bệnh, cần được điều trị tại bệnh viện: Người từ 65 tuổi trở lên; những người có các vấn đề sức khỏe nhất định, bao gồm hệ miễn dịch suy giảm, mắc các bệnh về thần kinh như đột quỵ hoặc chứng sa sút trí tuệ; những người có bệnh lý về phổi mạn tính, chẳng hạn như hen suyễn nặng hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD); người mắc bệnh tim; bệnh nhân tiểu đường; người bị bệnh thận mạn tính; phụ nữ đang mang thai; người thừa cân hoặc béo phì.

Ngành y tế cần tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người già, bệnh nền, phụ nữ có thai, khoa hồi sức-thận-tim mạch; bảo đảm vệ sinh bệnh viện, quy trình phân luồng khoa phòng hợp lý để tránh lây nhiễm chéo.

Bien chung moi NB.1.8.1 cua Covid-19 tai TP.HCM lay lan nhanh, co kha nang lan tranh mien dich cao, nguoi dan can lam gi?
Tiêm phòng nhắc lại cho nhóm người có nguy cơ cao.

Các chuyên gia khuyến cáo cộng đồng thực hiện 5K một cách linh hoạt:

Dù các quy định phòng dịch đã được nới lỏng, nhưng trong bối cảnh xuất hiện biến thể mới, người dân nên tiếp tục duy trì các thói quen bảo vệ sức khỏe:

- Khẩu trang: Đeo khẩu trang nơi công cộng, đặc biệt là khi đến bệnh viện, siêu thị, phương tiện công cộng.

- Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

- Khoảng cách: Tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ.

- Chủ động đi khám khi có triệu chứng dù nhẹ

Ngoài ra, cần khuyến khích tiêm vaccine nhắc lại cho nhóm nguy cơ. Người đi từ vùng dịch (Thái Lan, Trung Quốc...) cần theo dõi sức khỏe sát sao cho bản thân và mọi người tiếp xúc gần, người thân trong gia đình.

Sự xuất hiện của biến thể NB.1.8.1 tại TP.HCM là lời nhắc nhở rằng đại dịch Covid-19 chưa hoàn toàn kết thúc. Tuy nhiên, với kinh nghiệm phòng chống dịch đã tích lũy trong 3 năm qua, cùng với sự chủ động của cơ quan chức năng và sự hợp tác của người dân, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được sự lây lan của biến thể này.

Không chủ quan, không hoảng loạn, hãy hành động dựa trên thông tin khoa học và sự đoàn kết cộng đồng.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Thuốc và sức khỏe

Dinh dưỡng

Làm đẹp