Các chuyên gia và nhà khoa học đều đồng ý việc tăng tốc tiêm chủng là hành động khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.
Khi biến thể coronavirus hiện có tên là Delta xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2020 ở bang Maharashtra (Ấn Độ), dường như mọi người đều không chú ý đến nó. Nhưng khi nó tràn xuống New Delhi vài tháng sau đó, tác động của nó rất khủng khiếp, với gần 30.000 trường hợp mắc mới được báo cáo mỗi ngày.
Biến thể Delta có nguy cơ gây ra một làn sóng mới nguy hiểm trong đại dịch
Từ New Delhi, biến thể này đã nhanh chóng lan rộng và giờ đây nó có nguy cơ lây lan ra toàn cầu trong một làn sóng mới có sức tàn phá lớn hơn. Ở Vương quốc Anh, biến thể Delta đã chiếm hơn 90% tổng số ca nhiễm mới khiến số ca mắc COVID-19 tăng trở lại sau khi đã giảm sút đáng kể. Điều này khiến chính phủ của thủ tướng Boris Johnson phải hoãn kế hoạch mở cửa trở lại dự kiến vào 21/6 vừa qua.
Biến thể Delta có nguy cơ gây ra một làn sóng mới nguy hiểm trong đại dịch. |
Sự gia tăng các trường hợp do biến thể Delta ở Lisbon đã khiến chính phủ Bồ Đào Nha ban hành lệnh cấm đi lại trong 3 ngày giữa thành phố và phần còn lại của đất nước.
Bà Andrea Ammon, người đứng đầu Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu, cảnh báo biến thể này có thể chiếm 90% tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Liên minh Châu Âu vào cuối tháng 8.
Biến thể Delta cũng có vẻ đang gây ra sự gia tăng số ca mắc ở Nga, Indonesia và nhiều quốc gia khác. Tại Hoa Kỳ, nơi tỷ lệ hiện mắc bệnh này được ước tính là ít nhất 14%, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã coi Delta là một biến thể rất đáng ngại.
Biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh hơn 60% biến thể Alpha xuất hiện ở Vương quốc Anh vào năm 2020
Nghiên cứu của Public Health England nhấn mạnh, khả năng lây lan của biến thể Delta cao hơn khoảng 60% so với biến thể Alpha xuất hiện ở Vương quốc Anh vào năm 2020.
Các nhà khoa học cho biết, biến thể Delta có thể tăng khả năng lây truyền và khả năng né tránh miễn dịch. Nếu biến thể Alpha thực sự có khả năng lây lan cao hơn khoảng 50% so với chủng loại ban đầu và biến thể Delta có khả năng lây truyền lại cao hơn 50% so với Alpha, thì chúng ta đang nói về một loại virus có khả năng lây truyền gấp hai lần so với chủng đầu tiên được phát hiện.
Điều này có nghĩa là các quốc gia và những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp có khả năng xảy ra các đợt bùng phát mới nguy hiểm hơn. Trên hết, biến thể Delta có thể gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng cho người mắc bệnh hơn biến thể Alpha. Dữ liệu ban đầu từ Vương quốc Anh cho thấy nguy cơ nhập viện với triệu chứng nặng do biến thể Delta có thể cao gấp đôi so với các biến thể khác.
Việc tăng tốc tiêm chủng là hành động khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới. |
Các quốc gia cần tăng tốc tiêm chủng để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới
Tất cả các chuyên gia và nhà khoa học đều đồng ý việc tăng tốc tiêm chủng là hành động khẩn cấp để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã kêu gọi người Mỹ tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ mình khỏi biến thể Delta.
Bà Andrea Ammon cũng đã kêu gọi các nước châu Âu đẩy nhanh kế hoạch tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Trong khi chờ đợi, các biện pháp hạn chế cần được áp dụng để giữ cho biến thể mới không lây lan và gây ra một sự gia tăng về các ca có diễn biến nặng và tử vong.
Trong khi đó, các quốc gia có ít khả năng tiếp cận với vaccine cần phải sử dụng đến các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để hạn chế sự lây trong khi chờ đợi nguồn cung vaccine đầy đủ hơn. Mục tiêu không chỉ là ngăn chặn nguy cơ tử vong, mà còn tạo điều kiện cho virus không có chỗ để tiến hóa hơn nữa.
Ánh Dương
Theo Người đưa tin