Thời tiết chuyển lạnh làm các mạch máu co lại, dẫn tới tăng nguy cơ đột quỵ. Chưa kể, nhiều người trời lạnh thường ít vận động, dẫn tới tăng cân cũng là yếu tố làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.
Đừng chủ quan, vì bất cứ ai cũng có thể là đối tượng của đột quỵ
Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não, xuất huyết não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, dẫn đến não bộ bị thiếu oxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút, nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết đi. Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy, thậm chí dẫn đến tử vong.Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe bị suy yếu hoặc mắc các di chứng như: tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất khả năng sử dụng ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, suy giảm thị giác…
Đột quỵ đứng hàng thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay. |
Đột quỵ thường xảy ra ở người già. Tuy nhiên những năm gần đây, số người trẻ bị đột quỵ có xu hướng tăng do lối sống không lành mạnh như: nghiện thuốc lá, rượu bia; có chế độ ăn uống thiếu khoa học; căng thẳng thường xuyên, ít vận động… Ngoài ra, một số yếu tố như: bệnh tim, cholesterol cao, tăng huyết áp, stress kéo dài, đái tháo đường, nhiệt độ thay đổi đột ngột… cũng có thể làm gia tăng nguy cơ đột quỵ.
Trời càng lạnh, nguy cơ xảy ra đột quỵ càng cao
Vào mùa lạnh, cơ thể tăng tiết các chất dẫn truyền thần kinh catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên. Mạch máu ở một số vùng co lại sẽ đẩy máu ra những khu vực ít chịu ảnh hưởng hơn, gây giãn mạch thụ động ở những nơi đó (như mạch máu não, mạch máu phổi), nên dễ gây các biến chứng đứt mạch não hoặc phù phổi cấp. Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu khiến đột quỵ càng dễ xảy ra.
Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt, người ta nhận thấy, khi nhiệt độ môi trường giảm 5 độ C, tỷ lệ đột quỵ sẽ tăng thêm 7%. Ở nước ta, trong những tháng mùa đông, số lượng bệnh nhân đột quỵ nhập viện được ghi nhận tăng 10-15% so với các thời điểm khác trong năm. Vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo như: đột ngột tê (hay yếu) một bên mặt, tay hoặc chân; đột ngột choáng, nói khó khăn; đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân…, hãy đến bệnh viện ngay để được bác sĩ can thiệp kịp thời.
6 bí quyết phòng tránh đột quỵ cực hiệu quả
Có lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục và chú ý giữ ấm là những biện pháp đơn giản phòng ngừa đột quỵ |
1. Đảm bảo cơ thể luôn được giữ ấm, nhất là vào mùa lạnh: Người cao tuổi nên đội mũ, quàng khăn đầy đủ khi ra khỏi nhà. Vào ngày lạnh giá, mọi người nên tập thể dục trong nhà để đảm bảo sức khỏe. Nếu tập thể dục ngoài trời, mọi người tốt nhất là tránh tập vào buổi sáng sớm mà nên chuyển sang tập vào buổi chiều. Hạn chế đi ra khỏi nhà vào lúc sáng sớm hay tối muộn. Không tắm và gội đầu cùng lúc. Không tắm, gội khi đang đói, sau ăn hoặc sau 22h. Tắm ở nơi kín gió.
2. Kiểm soát và ổn định huyết áp: điều này đặc biệt quan trọng ở những người mắc bệnh tăng huyết áp vì đó là nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não.
3. Kiểm soát đường huyết: Đái tháo đường cũng là yếu tố gây xơ vữa động mạch não dẫn đến thiếu máu não. Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2,5-4 lần người bình thường.
4. Điều trị tốt các bệnh lý về tim mạch: như van tim, thiếu máu cơ tim cục bộ, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ…
5. Thực hiện chế độ ăn nhiều rau xanh: cũng như bổ sung thêm các loại vitamin A, C giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, giảm chất béo có nguồn gốc từ động vật, giảm muối, tránh xa các chất kích thích như: thuốc lá, rượu, bia…
Ăn uống đủ chất để đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống lạnh |
6. Tập thể dục đều đặn với cường độ vừa phải: để rèn luyện sức khỏe.
Những dấu hiệu đột quỵ có thể đến và qua đi rất nhanh. Hãy lắng nghe cơ thể, khi thấy các dấu hiệu bất thường xuất hiện cần chủ động đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được kiểm tra sức khỏe. Thời gian “vàng” cho đột quỵ là 60 phút, mỗi phút qua đi, mức độ tổn thương của hệ thần kinh càng nghiêm trọng.
Cách xử lý khi gặp người bị đột quỵ Trong thời gian chờ đợi trợ giúp y tế, bạn nên:
|
Như Hảo
Theo Người đưa tin