Đừng quên thực hiện trong các lần khám sức khỏe định kỳ hàng năm, nó sẽ giúp bạn phát hiện bệnh sớm và chữa trị kịp thời.
1. Tuổi 30-40
Kiểm tra gan: Việc kiểm tra xem gan hoạt động tốt hay không đóng vai trò khá quan trọng đối với sức khỏe của mình, nhất là những người béo phì, có uống rượu bia. Vì khi hàm lượng chất béo bão hòa trong cơ thể cao sẽ rất nguy hiểm, dễ dẫn đến các bệnh gan.
Kiểm tra ngực: Phát hiện sớm ung thư vú sẽ cải thiện đáng kể sự sống còn cho phụ nữ. Dù các bệnh ung thư thường khó phát hiện trong giai đoạn mới chớm, nhưng việc thăm khám luôn là cần thiết, nó sẽ cho bạn có được cơ hội điều trị tốt hơn khi phát hiện.
Đo cholesterol: Mức LDL cholesterol cao là một yếu tố chính làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim và xơ vữa động mạch. Những căn bệnh này vẫn có thể phát triển mà không có triệu chứng trong nhiều năm. Cùng với thời gian, nó có thể dẫn đến đau tim và đột qụy. Các bác sĩ điều trị cũng sẽ lưu ý những ai trong độ tuổi này nên ăn nhạt, ăn nhiều rau xanh, trái cây, vận động hợp lý để phòng và ổn định lượng cholesterol trong máu.
Ảnh minh họa |
2. Tuổi 40-50
Chụp X-quang ngực: Phụ nữ ở độ tuổi 40 trở đi cần chụp X-quang ngực 2 năm một lần để tìm các khối u, đặc biệt là với những người gia đình có lịch sử bệnh ung thư vú. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên tự khám ngực cho mình để phát hiện sớm các khối u. Đây là độ tuổi mà bệnh ung thư vú xuất hiện nhiều nhất, nếu phát hiện sớm, khả năng chữa trị sẽ cao hơn.
Đo xương: Đây là độ tuổi mà hệ xương của chị em phụ nữ trở nên xốp và giòn hơn do lượng khoáng giảm mạnh. Những tai nạn tưởng nhẹ như: trượt chân, té ngã nhẹ, vận động mạnh… cũng có thể gây nên những hậu quả nặng đến xương của các chị như sai khớp, rạn xương, gãy chân tay… Việc có tiến hành đo xương định kỳ sẽ giúp các chị kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường về xương như loãng xương, thiếu calci… để có kế hoạch chữa trị cần thiết là rất bổ ích.
Đo cholesterol: Đây là thử nghiệm đo số tổng số chất béo cholesterol, chất béo “xấu” LDL và chất béo “tốt” HDL trong máu. HDL càng cao càng tốt. Ba loại kia nếu thấp hơn mức trung bình thì an toàn, vì quá cao, chúng là rủi ro đưa tới bệnh tim mạch cũng như một số rối loạn khác. Thử nghiệm cần làm theo định kỳ tùy tình trạng cơ thể.
Khối u ác tính: Các khối u bất thường xuất hiện trên da bạn có thể dẫn tới ung thư da. Nếu da bạn có những biểu hiện bất thường thì phải đi xét nghiệm và không nên để da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
3. Tuổi 50-60
Khám mắt: Xét nghiệm nên được thực hiện 1-2 lần/năm. Càng lớn tuổi, sự lão hóa xảy ta ở tất cả mọi bộ phận trong cơ thể và mắt cũng bị lão hóa nhanh chóng. Vì vậy, người lớn tuổi thường dễ mắc các bệnh về mắt như đục thuỷ tinh thể, cườm nước, tăng nhãn áp, thoái hóa hoàng điểm tuổi già...
Ảnh minh họa |
Đo đường huyết: Đo đường glucose trong máu cho biết có rủi ro mắc bệnh tiểu đường hoặc là đang bị bệnh này, với nhiều biến chứng trầm trọng như mất thị lực, suy tim, thận, tổn thương thần kinh ngoại vi. Xét nghiệm cần được thực hiện thường xuyên với người đang có bệnh cao huyết áp, đang điều trị hoặc có thân nhân bị tiểu đường. Người có trọng lượng cơ thể 20% cao hơn mức trung bình cũng cần đo đường huyết, vì mập là rủi ro chính đưa tới bệnh tiểu đường.
Đo huyết áp: Huyết áp là sức ép của máu vào thành động mạch mỗi khi tim co bóp, đẩy máu vào huyết quản nuôi cơ thể. Huyết áp cao có thể là chỉ dấu của bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường hoặc một số vấn đề sức khỏe khác. Đo 2 năm nếu huyết áp dưới 120/80; mỗi năm nếu huyết áp tứ 120-139/ 80-90 và đo thường xuyên hơn nếu áp xuất cao trên con số này.
Độ dày đặc xương: Cấu trúc của xương có thể ví như một mảng xi măng-cốt sắt. Xương vững chắc là nhờ có muối calci carbonate và calci phosphate lấp kín khoảng trống của hệ thống mô liên kết, cái sườn chính của xương. Calci do thực phẩm cung cấp. Chụp hình X-quang xương có thể đo số lượng calci trong xương. Đây là một xét nghiệm chính xác để coi có bị rủi ro bệnh loãng xương hay không.
Phong Linh
Theo tạp chí Sống Khỏe